Số phận của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào 13 phiên giao dịch tiếp theo?
4 sự kiện lớn trong 13 phiên giao dịch tới sẽ là yếu tố định đoạt liệu cuộc phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay sẽ lụi tàn hay hồi sinh trở lại sau khi sa sút trong tháng 2.
Sự kiện đầu tiên diễn ra vào ngày 7/3, khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell điều trần trước Quốc hội về chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm dấu hiệu về lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương này.
Emilly Hill, nhà sáng lập Bowersock Capital nhận xét: “Thị trường đang cố bám lấy mọi điều tích cực mà ông Powell nói. Chứng khoán Mỹ đã tăng vọt ngay khi ông nhắc đến ‘thiểu phát’ trong bài phát biểu đầu năm nay”.
Cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, nói rằng Fed có thể ngừng tăng lãi suất trong mùa hè năm nay.
Báo cáo việc làm tháng 2 sẽ được công bố vào ngày 10/3, và 4 ngày sau thì tới lượt chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Bất kỳ số liệu nào cho thấy tăng trưởng việc làm và lạm phát vẫn nóng cũng có thể xóa sổ hy vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ sớm nương tay.
Hill chỉ ra: “Nền kinh tế đang phát đi những tín hiệu rất mâu thuẫn. Do đó, nhà đầu tư sẽ phản ứng kịch liệt trước những dữ liệu sắp tới”.
Tiếp đến, vào ngày 22/3, Fed sẽ đưa ra quyết định chính sách và dự báo lãi suất hàng quý và Powell sẽ tổ chức cuộc họp báo. Sau đó, nhà đầu tư sẽ có nhận định khá rõ ràng về việc liệu Fed có ngừng các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới hay không.
Nhà đầu tư đang lo ngại hầu hết các sự kiện trên. Dữ liệu do Citigroup tổng hợp về mức độ biến động trong tương lai cho thấy nhà đầu tư dự đoán thị trường sẽ có những động thái lớn trong ngày công bố CPI và ngày Fed ra quyết định lãi suất. Tuy nhiên, họ có vẻ không lo điều tương tự có thể xảy ra trong ngày công bố báo cáo việc làm.
Dưới đây là những sự kiện sẽ được các nhà đầu tư Mỹ theo dõi sát sao, theo tổng hợp của Bloomberg.
Phiên điều trần của ông Powell
Báo cáo chính sách tiền tệ của Chủ tịch Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện ngày 8/3 có thể sẽ hé lộ quan điểm của ông về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là với lạm phát, áp lực tiền lương và việc làm. Nhà đầu tư cũng sẽ tìm kiếm manh mối về định hướng chính sách để chống lạm phát từ Fed.
Báo cáo việc làm
Thị trường lao động Mỹ trong tháng 1 còn quá nóng và đây là một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát chính, bởi tăng trưởng tiền lương có thể kéo giá cả lên cao hơn. Lạm phát cao dai dẳng là rủi ro đối với giá chứng khoán bởi điều này sẽ ngăn cản Fed ngừng tăng lãi suất.
Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 sẽ giữ nguyên ở mức 3,4% như tháng 1. Dự kiến số việc làm mới được tạo ra trong tháng 2 sẽ hạ xuống còn 215.000 sau khi tăng sốc 517.000 trong tháng trước đó.
Tuy nhiên, con số quan trọng nhất vẫn là tiền lương và nhận định của Fed về tác động của tiền lương tới lạm phát.
Lạm phát
Các dấu hiệu cho thấy lạm phát kéo dài dai dẳng cũng có thể sẽ thúc đẩy Fed tăng lãi suất lên cao hơn mức dự kiến hiện nay. CPI của Mỹ tháng 2 được dự báo là sẽ đi lên 6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,4% trong tháng 1.
CPI lõi, chỉ số loại trừ ảnh hưởng của nhiên liệu và thực phẩm, được dự báo tăng 5,4% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng liền trước.
Quyết định chính sách của Fed
Hiện tại, thị trường dự đoán lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 5,4% vào tháng 9 năm nay, cao hơn gần 1 điểm % so với lãi suất quỹ liên bang hiện hành. Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho khả năng Fed một lần nữa tung ra các đợt tăng lãi suất lớn, trên 0,25 điểm %.
Dĩ nhiên, sau khi Fed ra quyết định chính sách tháng 3, thị trường vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những phát biểu sau đó của Chủ tịch Powell và dự đoán của ngân hàng trung ương này.
Nhưng Michael Antonelli, chuyên gia thị trường của ngân hàng đầu tư Baird, cho rằng nỗ lực phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chỉ bị đẩy lùi bởi những sự kiện gây thất vọng nặng nề, ví dụ như dữ liệu lạm phát cao hơn hẳn so với dự kiến.
Michael Antonelli nói: “Nếu lãi suất đỉnh của Fed tăng từ 5% lên 5,4% thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ gặp trở ngại, nhưng không sa sút như năm 2022. Năm ngoái, chúng ta không biết kịch bản tồi tệ nhất là như thế nào, nhưng năm nay các tình huống rủi ro đã ít hơn đáng kể, và các nhà đầu tư thích điều này”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận