Số phận cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Macron được định đoạt?
Sau phán quyết của Hội đồng Hiến pháp Pháp về luật tăng tuổi hưu từ 62 lên 64 của ông Macron, một lãnh đạo phe đối lập lo ngại “cơn giận dữ sẽ tuôn trào”.
Hội đồng Hiến pháp Pháp hôm 14/4 đã thông qua các yếu tố chính trong cải cách hưu trí gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng thời bác bỏ một số phần nhất định của luật.
Phần cải cách trong luật, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đã được Hội đồng Hiến pháp Pháp thông qua sau gần 3 tháng khủng hoảng chính trị và xã hội ở Pháp vì biểu tình phản đối dự luật này. Giờ Tổng thống Macron có thể ký ban hành dự luật trong vòng 15 ngày.
Hội đồng đã bác bỏ 6 biện pháp không được coi là cơ bản đối với bản chất của cải cách, cũng đồng thời bác bỏ yêu cầu của phe cánh tả về trưng cầu dân ý về một luật hưu trí thay thế nhằm giữ nguyên tuổi nghỉ hưu ở mức 62. Hội đồng sẽ ra phán quyết về một yêu cầu tương tự vào tháng tới.
Quyết định này đã khiến những người chỉ trích kế hoạch hưu trí mất tinh thần và phẫn nộ, bao gồm cả những người biểu tình tập trung bên ngoài Tòa thị chính Paris vào tối 14/4 khi phán quyết của Hội đồng Hiến pháp Pháp được đưa ra. Hầu hết người biểu tình hô hào các khẩu hiệu trong ôn hòa, trong khi một số đốt thùng rác.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết quyết định này “đánh dấu sự kết thúc của con đường thể chế và dân chủ của cải cách này”, đồng thời nói thêm rằng “không có người chiến thắng” trong những gì đã trở thành bế tắc trên toàn quốc và tình trạng bất ổn xã hội tồi tệ nhất của Pháp trong nhiều năm.
Lãnh đạo cánh tả cứng rắn của Pháp Jean-Luc Mélenchon tuyên bố rằng cuộc chiến chống lại cải cách hưu trí của ông Macron sẽ tiếp tục bất chấp sự chấp thuận của tòa án hiến pháp tối cao đối với những thay đổi chính.
“Cuộc chiến vẫn tiếp tục và phải tập hợp lực lượng”, lãnh đạo Đảng La France Insoumise (LFI – Nước Pháp bất khuất) viết trên Twitter. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho biết, việc ký ban hành luật “sẽ không phải là đổ dầu vào lửa mà là một can xăng đầy”.
“Tôi sợ cơn giận dữ sẽ tuôn trào”, ông Roussel nói với kênh BFM.
Bà Marine Le Pen, người đứng đầu đảng Rassemblement National (RN – Tập hợp quốc gia) cực hữu, nói thêm rằng số phận của cuộc cải cách “không được định đoạt” bất chấp phán quyết này.
Trong một nỗ lực cuối cùng, các nghiệp đoàn Pháp kêu gọi ông Macron không ký cải cách này thành luật.
“Trước sự phản đối lớn của công chúng đối với cải cách này, các nghiệp đoàn nghiêm túc yêu cầu ông ấy không ban hành luật này, cách duy nhất để xoa dịu sự tức giận đang được thể hiện trong nước”, một tuyên bố chung của các nghiệp đoàn gửi tới Agence France-Presse (AFP) cho biết.
Mặc dù các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn đã nói rằng phán quyết của Hội đồng sẽ được tôn trọng, họ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động phản đối trong nỗ lực khiến ông Macron chùn bước.
Trong khi đó, ông Macron cho biết vào tháng trước rằng ông muốn kế hoạch cải cách hưu trí được thực hiện vào cuối năm nay. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng ông có thể cố gắng xoa dịu những người phản đối bằng một cuộc cải tổ chính phủ trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Nhà lãnh đạo Pháp gần đây cũng đã đề nghị gặp đại diện các nghiệp đoàn vào ngày 18/4, bất kể phán quyết của Hội đồng Hiến pháp như thế nào.
Các cuộc thăm dò đã liên tục chỉ ra rằng phần lớn công dân Pháp phản đối việc phải làm việc thêm 2 năm nữa trước khi có thể hưởng trợ cấp hưu trí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận