Số liệu vĩ mô tháng 4 cơ bản là "xám"
GSO đã công bố số liệu Kinh tế Xã hội tháng 4/2024 với phần nhiều là gam màu "Xám". Một góc nhìn nào đó thì may là thị trường đóng cửa nghỉ lễ, chứ nếu không chắc sẽ có một cú rung nhẹ.
Đầu tiên là về sức khoẻ nền kinh tế thông qua khu vực Sản xuất và Tiêu dùng đều khá yếu so với những gì chúng ta mong đợi.
Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp IIP ghi nhận tăng trưởng tháng 4 đạt 6.33%, tổng cả 4 tháng đầu năm tăng 5.99%, con số này thấp so với những gì chúng ta muốn thấy, quanh quanh phải 7.5-8%. Còn nếu xét so với nội lực bình quân của kinh tế Việt Nam thì chúng ta cần phải 9-10% lận, giờ đúng là rất khó để hy vọng một con số như vậy, nhưng dù sao chúng ta cũng cần "đòi hỏi" chút bởi chúng ta đã hy sinh không ít cho con số này.
Khu vực Dịch vụ Tiêu dùng, động lực lớn nhất duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua cũng chỉ lình xình tăng trưởng quanh 9%, thấp hơn nhiều mức nền trung bình 12% của giai đoạn trước Covid. Nhìn chung trong bối cảnh hiện tại, con số này không cao cũng chẳng thấp và để đạt mục tiêu GDP 6-6.5% toàn năm thì có vẻ không phải một thách thức quá lớn nếu cứ tàng tàng thế này.
Chỉ có điều 5 tháng đầu năm thì thường là mùa vụ thấp điểm của cả sản xuất và tiêu dùng nên những gì đang nhả về vừa qua chưa thể đại diện được cho cả năm, mặt khác chúng ta đã gần như vắt kiệt Chính sách Tiền tệ, phía mặt trận Tài Khoá cũng áp lực lớn khi thâm hụt tài khoá hai năm vừa qua là quá lớn. Nhìn chung là tất cả đều đang cố gắng gượng, không gian còn lại cho Chính sách kinh tế nói chung không còn nhiều.
Vấn đề thứ hai không thể không nhắc đến đó chính là Chỉ số Lạm phát (CPI YoY) tăng vọt trong tháng 4, ghi nhận mức 4.4% từ mức 3.97% của tháng trước đó. Mục tiêu của chính phủ là lạm phát bình quân năm < 4.5%, như vậy là khá "sát nút" rồi, áp lực kiểm soát lạm phát sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên con số này không hề bất ngờ với giới nguyên cứu và đã được dự báo từ cuối năm ngoái, theo mô hình định lượng, nếu không có gì quá lớn xảy với kinh tế và chính trị toàn cầu thì dự kiến 3 tháng tới lạm phạt sẽ vẫn duy trì quanh 4.5-4.6% rồi sau đó giảm dần từ tháng 8 và cả năm sẽ vẫn đảm bảo sát nút được mục tiêu < 4.5%. Vậy nên áp lực lạm phát mặc dù nóng nhưng cũng sẽ chỉ là ngắn hạn trong vài tháng tới, không đủ để đảo cực chính sách.
Nội dung cuối cùng Báu không có dành thời gian viết được nhưng anh chị em cần chú ý kỹ: (1) Thặng dư thương mại đang là động lực chính cho ổn định tỷ giá đã thể hiện dấu hiệu đuối sức rõ ràng trong tháng 4 khi chỉ còn thặng dư ~0.7 tỷ USD, bình quân 3 tháng đầu năm là 2.5 tỷ USD/ tháng. (2) Đầu tư công mặc dù các bộ ban ngành nói khả quan nhưng đến nay ghi nhận 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5.94%, bình thường chúng ta tăng trưởng 15-20% lận. Nếu như năm nay đầu tư công ách tắc thì thách thức với triển vọng kinh tế là không nhỏ.
Nhìn chung thì số liệu Kinh tê Vĩ mô tháng 4 này phía cá nhân Báu không bất ngờ vì nó đúng với dự phóng nhưng tổng thể thì vẫn có gì đó hơi thất vọng một chút. Những con số công bố mấy ngày qua của cả Việt Nam và Mỹ chắc sẽ làm không ít tổ chức thoáng "giật mình" thay đổi chiến lược phân bổ dòng tiền năm 2024.
- Thằng nghiện dữ liệu
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận