menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Sở hữu chéo ngân hàng ai cũng biết nhưng rất khó “chỉ mặt, đặt tên”

Cần thiết chế đủ mạnh để xử lý vấn đề sở hữu chéo tổ chức tín dụng.

Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tình trạng sở hữu chéo là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm với nhiều kiến nghị, giải pháp được nêu ra.

50 ngân hàng, có quá nhiều?

Sau sự kiện Ngân hàng SCB và các ngân hàng của Mỹ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cần có quy định để khi xảy ra sự cố hệ thống có thể chống đỡ ngay. Theo ông, vấn đề sở hữu chéo phải “chấm dứt” chứ không chỉ hạn chế. “Việc sở hữu chéo ai cũng biết, nhưng chỉ mặt đặt tên rất khó, do có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng”, ông An nói. Ông An cho rằng, cần thiết phải đặt lại mô hình kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng. “Cần có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng, hoạt động tín dụng mang tính độc lập. Làm tốt thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch thì không nhất thiết phải giảm cổ phần, room cấp vốn, thậm chí có thể cho cao hơn, nhưng vẫn quản lý được”, ông An nói.

Sở hữu chéo ngân hàng ai cũng biết nhưng rất khó “chỉ mặt, đặt tên”

Người dân gửi tiết kiệm tại một ngân hàng

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng theo hướng: quy định cụ thể thời hạn, các phương án tương ứng trong trường hợp các tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt. Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị, rà soát, bổ sung quy định về thực hiện phương án khắc phục theo hướng yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện, để đảm bảo được tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.

Về số lượng ngân hàng, đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề, hiện trong hệ thống có khoảng 50 ngân hàng, với một nền kinh tế như hiện nay, liệu có quá nhiều không? “Chúng ta đang nói đến sở hữu chéo, rồi nhiều vấn đề liên quan, thậm chí rủi ro cho hệ thống. Với 50 ngân hàng như vậy, có ngân hàng lớn nhưng có những ngân hàng chưa đạt chuẩn, thì phải rà soát lại số lượng, cần thiết có thể thiết kế trong điều luật, đưa ra mức giới hạn với ngân hàng”, ông Trịnh Xuân An nói.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) viện dẫn, dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân, tổ chức không vượt quá từ 5% - 15% - 20% xuống còn 3% - 10% - 15%. Ông đề nghị làm rõ lý do điều chỉnh giảm tỷ lệ này; đồng thời có đánh giá thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, hệ quả của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhất là cổ đông chiến lược. “Việc hạn chế, thao túng hoạt động ngân hàng là cần thiết nhưng cũng cần lưu ý là sự ổn định của cổ đông cũng rất quan trọng”, ông Hoà nêu.

“Can thiệp sớm” để đảm bảo an toàn hệ thống

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, tập đoàn kinh tế tư nhân. Theo ông Trung, quy định theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, đồng thời tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm đối tượng liên quan là cần thiết. Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền tự quyết quá lớn tập trung vào một ông, bà chủ nào đó.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trung đề nghị bổ sung quy định tăng cường vai trò của nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời nghiên cứu bổ sung các biện pháp, giải pháp để hạn chế việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần, tạo nhóm cổ đông lớn, điều hành tổ chức tín dụng.

Báo cáo giải trình về tỷ lệ sở hữu của cổ đông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo luật thiết kế nhằm mục đích chống thao túng và sở hữu chéo. Về quy định “can thiệp sớm”, theo bà Hồng, từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế vừa qua cho thấy, không phải chờ đến các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản thì lúc đó mới xử lý. Thống đốc dẫn chứng 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank và First Republic Bank. 2 ngân hàng có tổng tài sản trên 200 tỷ USD và nợ xấu rất thấp, chỉ dưới 1%.

Theo bà Hồng, với ngân hàng bình thường, nếu vì nguyên nhân, lý do nào đó mà xảy ra rút tiền hàng loạt, thì đều được đưa vào diện “can thiệp sớm”. “Còn nếu chờ đến lúc tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt - giai đoạn rất khó khăn mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả