Số hóa ngân hàng đã len lỏi đến tận cùng chuỗi giá trị
Nhìn lại năm 2020, hoạt động số hóa ngân hàng đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Không chỉ đơn thuần thanh toán các hóa đơn dịch vụ công cơ bản như ngày mới hình thành, ngân hàng số đã “tiến hóa” đến một tầng nấc mới qua việc len lỏi khắp các hoạt động tiêu dùng, cung cấp thêm nhiều giá trị gia tăng cho người sử dụng. Và quan trọng hơn cả, sự chuyển động này đang tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội "bình thường mới".
Chưa hoàn toàn là một cuộc cách mạng nhưng việc bùng nổ ví điện tử đã khiến cho việc sử dụng tiền mặt đang ngày một “lạc hậu” với giới trẻ hiện nay. Chỉ trong vài giây, qua vài cú nhấp, chạm..., các hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ, thanh toán dịch vụ công đã được hoàn tất. Trong một không gian tối ưu về số hóa ngân hàng, việc quản lý tài chính cá nhân, kinh doanh chưa bao giờ đơn giản như vậy.
Hàng hóa lên chợ trực tuyến (online), tiền mặt bị đẩy lùi
Hiện nay việc người nào đó rời khỏi nhà quên mang theo tiền mặt, thẻ ATM… không còn là “thảm họa” như vài năm trước. Chỉ cần họ không quên điện thoại thông minh thì hầu hết các giao dịch thanh toán đều có thể được giải quyết. Không chỉ các cửa hàng bán lẻ hiện mới hỗ trợ thanh toán bằng ví điện tử mà ngày cả những địa điểm không ngờ đến như quán ăn, café lề đường, máy bán hàng tự động, bãi giữ xe… cũng đã “nâng cấp” hệ thống thanh toán.
Nhiều cửa hàng bán lẻ bán thực phẩm ăn uống, phụ kiện điện thoại, áo quần… tại TPHCM cũng đã mở các website, shop trên Facebook, trên các chợ điện tử… để bán hàng để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nhiều người cho biết nếu không chuyển sang bán online thì có nguy cơ phải dừng kinh doanh hoàn toàn. Nhiều tiểu thương cho biết tuy hoạt động bán hàng online còn khá mới mẻ, song đây sẽ là kênh bán hàng có thể giúp họ trụ qua mùa dịch cũng như mở ra các hướng kinh doanh khác trong lúc nền kinh tế khó khăn.
Mới đây, khi chờ đón con tan học, chị Quỳnh Trang (Bình Thạnh) có ghé một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm uống nước. Thật bất ngờ khi quán nước có vẻn vẹn 2 bàn trong một kiot nhỏ lại xuất hiện đầy đủ các phương thức thanh toán qua ví điện tử như Moca, Momo, Zalopay… Đáng nói hơn khi chưa kịp hỏi thì nhân viên thu ngân đã chủ động gợi ý khách hàng thanh toán bằng phương thức này.
Không chỉ quán cà phê lề đường, ngay cả những hàng ăn bình dân, quán ốc… trong những khu dân cư nội bộ cũng đã bắt đầu “bày biện” các bảng QR code. Một quán bún nằm trong hẻm ở đường Đào Duy Anh (Phú Nhuận) chỉ phục vụ ăn sáng cho cư dân loanh quanh khu vực này cũng đã bổ sung thanh toán thêm ví điện tử để phục vụ khách hàng.
“Ban đầu thì tôi không thích lắm vì mình lớn tuổi, quán lại buôn bán nhỏ nên thu tiền mặt vẫn dễ dàng hơn. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng tôi thấy việc thanh toán đúng là thuận tiện hơn hẳn, mình không mất nhiều thời gian thu tiền và thối tiền thừa. Từ ngày dùng ví điện tử thì ngoài khách nội khu đến ăn mà nhân viên văn phòng gần đây cũng ghé quán. Họ muốn thanh toán bằng ví điện tử vì được hoàn tiền…” Bà Quyên, chủ quán cho hay.
Nếu như dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh, nhưng ngược lại điều đó cũng giúp cho việc chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng hàng ngày đạt được trạng thái lý tưởng. Trong điều kiện hiện tại, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ offline sang online trở thành giải pháp hữu hiệu, tạo kênh bán hàng online nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế.
Đây sẽ là nơi hỗ trợ tiểu thương, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp lâu nay bán hàng kiểu truyền thống chuyển sang làm quen với kinh doanh online, bán hàng trực tuyến. Và dần trở nên chuyên nghiệp, thậm chí có thể tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, tiếp cận khách hàng trên cả nước.
Ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch Công ty SmartNet (Ví điện tử SmartPay) cho biết tại một hội thảo gần đây rằng những tiểu thương hay những người bán hàng rong đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng ngày của Việt Nam và họ cần nhanh chóng “bắt kịp” từ góc độ công nghệ, nếu không sẽ có nguy cơ bị tụt hậu.
Người sử dụng là trung tâm của chuỗi giá trị
Năm 2020 là giai đoạn số hoá ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, bằng chứng là không ít các ngân hàng “đua nhau” ra mắt các ứng dụng công nghệ. Với những bước tiến nhảy vọt về công nghệ, từ việc chỉ đơn thuần đem các dịch vụ ngân hàng lên chiếc điện thoại, tới nay, các ngân hàng đang hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái ngân hàng số “all-in-one” - tất cả trong một ứng dụng.
Theo đó, trên mỗi nền tảng riêng của từng ngân hàng, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ như: chuyển tiền, thanh toán hoá đơn điện, nước hay mua vé máy bay, bảo hiểm… Bên cạnh các ứng dụng “all-in-one” từ các ngân hàng, cũng có nhiều ứng dụng fintech đem đến giải pháp tương tự.
Khi số hóa các dịch vụ không còn là lợi thế riêng của một vài ngân hàng, thì việc tìm ra các hướng đi mới nhằm tận dụng sức mạnh công nghệ, mở rộng sự hiện diện trên các nền tảng phi ngân hàng được đánh giá tiềm năng. Vì vậy xu hướng bắt tay giữa ngân hàng và các công ty Fintech để đưa các dịch vụ tài chính số đến tận cùng những ngách nhỏ đang xuất hiện này một nhiều.
Chiến lược liên kết với các đối tác fintech của các ngân hàng là tự hướng mình trở thành “chất keo” gắn kết các đối tác công nghệ tiềm năng trong mọi lĩnh vực, mang tài chính gần hơn với đời sống và đảm bảo sự an tâm cho khách hàng.
Đại diện ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết, ngay từ những bước đầu hình thành hệ sinh thái ngân hàng số, CIMB Việt Nam đã hợp tác với các fintech danh tiếng để triển khai các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ của các công ty này.
Theo đó, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng trên những nền tảng không phải của ngân hàng như ví điện tử SmartPay hay ứng dụng đếm bước chân Toss từ Hàn Quốc. Đại diện CIMB Việt Nam cho biết, tất cả các thao tác mở thẻ hay đăng ký tài khoản thanh toán đều được thực hiện 100% online ngay trên các ứng dụng trên nhờ giải pháp eKYC được quản lý bởi ngân hàng CIMB Việt Nam.
Thời gian quan, sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của các ứng dụng gọi xe trong thời gian qua là rất nhanh và hầu hết đều hướng đến việc tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử. Cuộc chạy đua tích hợp chức năng ví điện tử của các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam đang ngày càng quyết liệt. Mới đây nhất, Gojek công bố việc hợp tác với PayPal để tích hợp dịch vụ thanh toán vào ứng dụng của họ. Hay trước đó là Grab với siêu app hướng tới hoàn thiện ngân hàng số của mình.
Các chuyên gia nhận định rằng khi tiểu thương Việt Nam, một phân khúc tương lớn của nền kinh tế, nếu họ chuyển đổi số thành công, thì nền “kinh tế trong hẻm” có thể vẫn sôi động ngay cả khi dịch Covid-19 hoành hành. Hoạt động thương mại bán lẻ vẫn có thể đạt mức tăng trưởng, dù phải sống chung với dịch bệnh.
Dù đã có nhiều đơn vị triển khai trước đó nhưng mãi đến nay thị trường mới có sự tổng hòa của 3 yếu tố: Công nghệ thay đổi, ngành thương mại điện tử phát triển và thói quen tiêu dùng. Từ đó cơ chế phát triển thanh toán trung gian vẫn lấy khách hàng làm trung tâm của chuỗi giá trị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận