Sinh viên nợ ‘tín dụng đen’ 300 triệu đồng: Danh sách khoản vay dài… 5 trang giấy
Sinh viên nợ ‘tín dụng đen’ 300 triệu đồng và gia đình đã rất ‘sốc’ khi nhìn thấy danh sách các khoản vay dài tới… 5 trang giấy.
Gia đình chuyển từ sốc sang… thấy may
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, ông V. - anh ruột của T. (nữ sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), người vay "tín dụng đen", cho biết: "Gia đình đã chuyển từ trang thái sốc sang thấy may vì phát hiện sớm việc T. vay "tín dụng đen" trực tuyến qua app bị nợ số tiền lên đến 300 triệu đồng".
“Nếu gia đình không kịp thời phát hiện sớm thì hậu quả vụ việc còn nặng nề hơn, nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ em gái tự tử. Một người thân của bạn mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng đến khi tự tử thì gia đình mới phát hiện ra và người đó may mắn thoát chết”, ông V. chia sẻ.
Theo thông tin sinh viên kể lại với gia đình, T. đã đánh mất 10 triệu đồng mà gia đình gửi cho để đóng học phí hồi tháng 11.2020. Vì lo sợ, T. đã vay qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao, dự định chi tiêu tiết kiệm và làm thêm để trả nợ.
Đến khi đáo hạn, T. không đủ tiền trả nợ, liền được giới thiệu qua các ứng dụng vay tiền khác. Sau gần một năm, số tiền cả gốc lẫn lãi tăng lên tới 300 triệu đồng. Sinh viên này cuối cùng chia sẻ sự việc với gia đình sau khi liên tục bị nhắn tin, gọi điện đe dọa.
Theo ông V., T. đã vay qua rất nhiều app khác nhau và danh sách khoản vay được thống kê dài tới 5 trang giấy. Mỗi app không cho vay số tiền lớn, khi khoản này đến hạn trả tiền không vay thêm được nữa thì được giới thiệu ứng dụng khác.
"Khi gia đình hỏi T. nợ tổng cộng bao nhiêu tiền, em không trả lời được vì vay quá nhiều app và lãi mẹ đẻ lãi con. Cuối cùng, chỉ từ số tiền vay khoảng 10 triệu đồng để đóng học phí ban đầu, T. mắc nợ lên tới 300 triệu đồng sau gần một năm", ông V. kể.
Cần cảnh báo rộng toàn trường
Theo ông V., T. là em út trong gia đình có nhiều anh em, từ quê lên TP.HCM học tập và sống cùng anh chị. “Từ nhỏ, T. được biết là người rất ngoan ngoãn và được gia đình bao bọc mọi thứ. Em mình và nhiều người yếu thế bị rớt vào ma trận này, khi đã rơi vào vòng xoáy thì sợ gia đình bị ảnh hưởng nên không dám nói. Gia đình nếu không biết sớm để kịp thời xử lý thì có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng”.
Là một giảng viên trường ĐH, ông V. cho biết nhiều sinh viên đã rơi vào "bẫy lừa", vô tình đánh mất tương lai và ảnh hưởng cả cuộc đời. Trong trường hợp này, ngay khi biết rõ sự việc gia đình cần hiểu, chia sẻ và cùng tìm cách tháo gỡ.
“Các trường ĐH cần có những hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cụ thể và rộng rãi với toàn thể sinh viên. Điều này là rất cần thiết, đặc biệt với những sinh viên từ quê lên thành phố không sống chung với gia đình”, giảng viên này nêu ý kiến.
Ngay khi phát hiện sự việc, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hôm 15.11 đã cảnh báo sinh viên tuyệt đối tránh xa vay "tín dụng đen" lãi suất cao.
Từ năm 2019, trường ĐH này từng cảnh báo sinh viên tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố. Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao cần liên hệ trường để được hỗ trợ giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận