Singapore thử nghiệm lâm sàng hai vắc-xin chống biến thể Delta
Singapore sẽ sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng hai loại vắc-xin phòng Covid-19 để chống lại 4 loại biến thể, trong đó có chủng Delta.
Giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng vừa được phê duyệt bởi Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (Tiếng Anh là Health Sciences Authority - HSA), sẽ đánh giá độ an toàn của các loại vắc-xin và phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta, cùng với khả năng tiêm nhắc lại đối với những người đã tiêm chủng. Các loại vắc-xin này được phát triển bởi công ty sản xuất dược phẩm Arcturus Therapeutics.
Quá trình thử nghiệm nhắm đến các tình nguyện viên có sức khỏe tốt, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65. Quá trình này sẽ được giám sát bởi Đơn vị Điều tra Y tế Singapore (SingHealth's Investigational Medicine Unit) do Phó Giáo sư Jenny Low chủ trì.
Phó Giáo sư Low, đồng thời là Phó Giám đốc bộ phận Khoa học và Lâm sàng của Đơn vị Điều tra Y tế Singapore cho biết: “Hai loại vắc-xin mới gồm ARCT-154 và ARCT-165 sẽ được thử nghiệm cùng với vắc-xin gốc ARCT-021. Theo đó, chúng tôi sẽ so sánh trực tiếp ba loại vắc-xin này với nhau về độ an toàn và khả năng tồn lưu kháng thể”.
Vắc-xin ARCT-021, được biết đến trước đó với tên gọi vắc-xin Lunar-Cov19 vẫn đang trong giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm lâm sàng được tiến hành vào đầu năm nay. Vắc-xin này được đồng phát triển bởi Trường Y Duke-NUS và Công ty Arcturus Therapeutics nhằm chống lại chủng vi-rút SARS-COV-2 nguyên bản hoặc trong tự nhiên.
Phó Giáo sư Low cho biết vắc-xin ARCT-154 có khả năng chống lại đột biến D614G trong protein gai của vi rút, hiện đang là mối lo ngại lớn nhất trên toàn cầu. Còn vắc-xin ARCT-165 sẽ ức chế một loạt các biến thể của vi-rút. Một biến thể mới có thể bắt nguồn từ sự đột biến của nhiều hơn một bộ phận của vi-rút, mặc dù phần lớn các biến thể đang lây lan hiện tại có đột biến D614G.
Phó Giáo sư Low cho rằng một số vắc-xin sản xuất theo công nghệ mRNA như hiện nay có hiệu quả bảo vệ khỏi các triệu chứng khi nhiễm thấp hơn trước các biến chủng nhất định. Ông cũng cho biết trong tương lai, người dân sẽ cần phải tiêm nhắc lại các loại vắc-xin này khi vi-rút tiếp tục lây lan.
Thử nghiệm lâm sàng này hiện đang trong giai đoạn một và hai. Phó Giáo sư Low cho biết giai đoạn một của thử nghiệm lâm sàng sẽ kiểm tra độ an toàn của vắc-xin nhằm đảm bảo không có các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đồng thời, tình nguyện viên cũng được kiểm tra và đo lường phản ứng của hệ miễn dịch.
Có tổng cộng 72 tình nguyện viên tham gia, trong đó có 36 người chưa được tiêm chủng và 36 người còn lại đã tiêm vắc-xin Pfizer liều thứ hai trong vòng 6 tháng trước đó.
Phó Giáo sư Low cho biết các tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 liều vắc-xin bất kỳ trong ba loại vắc-xin này và mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng. Các tình nguyện viên đã hoàn thành tiêm chủng trước đó sẽ chỉ tiêm một liều vắc xin trong ba loại vắc-xin trên.
Một khi tính an toàn của các vắc-xin đã được đảm bảo, thử nghiệm lâm sàng sẽ bước vào giai đoạn hai với số lượng tình nguyện viên lớn hơn thường là vài trăm để tập trung đánh giá phản ứng miễn dịch của các tình nguyện viên.
Tiến trình bao gồm việc đánh giá lượng kháng thể trung hòa và tế bào T, nhằm đảm bảo vắc-xin có thể mang lại khả năng miễn dịch lâu dài để chống lại vi-rút và các biến thể. Giai đoạn ba của thử nghiệm lâm sàng với số lượng tình nguyện viên lên đến hàng nghìn người, có thể kết luận được hiệu quả của các loại vắc-xin trong việc chống lại bốn loại biến thể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận