Singapore: Đằng sau vị trí số một thế giới về năng lực cạnh tranh (Phần 1)
Singapore đã đánh bật Mỹ khỏi vị trí số một thế giới về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là sự công nhận đáng giá từ một tổ chức có uy tín trên thế giới.
Kể từ năm 1979, hàng năm WEF (có trụ sở ở Geneva) đều đưa ra báo cáo xếp hạng về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế theo một phương pháp đánh giá khắt khe và liên tục được cập nhật.
Trong phiên bản đánh giá mới nhất được đưa ra vào năm ngoái có tính đến thực tế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang làm thay đổi hoàn toàn cái được gọi là tính cạnh tranh và “khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai”.
Bản báo cáo này đánh giá không chỉ về việc đất nước hay vùng lãnh thổ đó có một nền kinh tế mở, mà còn về sự đổi mới sáng tạo, trao đổi ý tưởng, cộng tác xuyên biên giới, các kỹ năng cho tương lai, các chính sách về môi trường và bảo vệ xã hội cho những người bị bỏ lại phía sau.
Năm nay, WEF xếp hạng 141 nền kinh tế trên 12 lĩnh vực, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, sự ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động trong kinh doanh và khả năng đổi mới.
Mỗi lĩnh vực trong 12 lĩnh vực này lại có những thước đo đánh giá khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực “tính năng động trong kinh doanh”, báo cáo của WEF xem xét việc tạo điều kiện thuận lợi về hành chính như thời gian và chi phí để mở một doanh nghiệp mới, cũng như tính đến văn hóa kinh doanh.
Nói tóm lại, phương thức đánh giá bao gồm 103 thước đo khác nhau. Mỗi nền kinh tế được tính theo thang điểm 100, dựa vào cả những dữ liệu cứng lẫn từ các cuộc khảo sát.
Điểm trung bình cho 141 nước và vùng lãnh thổ là 61/100. Singapore đạt 84,8 điểm. Nước này đứng đầu trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và thị trường lao động, đứng thứ hai về thể chế, hiệu quả của thị trường lao động và sức mạnh của hệ thống tài chính và đứng trong top 15 trong hầu hết các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện và cần phải tìm ra đó là những lĩnh vực nào. Singapore cần tập trung vào những lĩnh vực còn tương đối thấp điểm. Một ví dụ là lĩnh vực thị trường lao động. Bất chấp việc về tổng thể đứng thứ năm, nhưng khi xét đến vấn đề nới lỏng việc thuê lao động nước ngoài, Singapore xếp thứ 93. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên do các chính sách thắt chặt của Chính phủ Singapore đối với việc thuê lao động nước ngoài trong thập kỷ qua.
Sự xếp hạng này cũng được dựa trên các cuộc khảo sát các giám đốc điều hành công ty. Câu hỏi được đặt ra cho các giám đốc điều hành là “Những quy định liên quan đến việc thuê lao động nước ngoài có hạn chế như thế nào?”
Câu trả lời của họ phản ánh mức xếp hạng. Vấn đề ở đây là dù thành tích của các chính sách hạn chế đối với việc thuê lao động nước ngoài có thể là gì, thì ít nhất nó cũng tác động đến nhận thức đánh giá về năng lực cạnh tranh.
Một ví dụ đáng quan tâm khác là trong lĩnh vực kỹ năng mà Singapore xếp thứ 19. Ở đây có sự khác biệt đáng chú ý trong việc xếp hạng đối với kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại mà Singapore đang đứng ở vị trí thứ ba và kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai mà Singapre hiện ở vị trí thứ 28.
Có hai lý do kéo xếp hạng của Singapore tụt xuống trong lĩnh vực này. Lý do thứ nhất là tỷ lệ học sinh - giáo viên trong cấp giáo dục tiểu học (Singapore xếp ở vị trí thứ 48). Nước này trung bình có hơn 15 học sinh trên một giáo viên, trong khi các nước xếp vị trí hàng đầu có chưa đến 10 học sinh trên một giáo viên. Lý do thứ hai là khả năng khuyến khích tư duy trong hệ thống giáo dục (Singapore xếp thứ 21).
Mức xếp hạng thấp nhất mà Singapore nhận được dựa trên bất kỳ tiêu chí nào là “tự do báo chí”. Họ xếp thứ 124/141 trong lĩnh vực này. Kết quả này một phần dựa vào công việc giám sát các phương tiện truyền thông toàn cầu của Tổ chức Phóng viên không biên giới.
Ngoài ra, việc xếp hạng cũng được dựa vào một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia về các vấn đề bao gồm tính đa nguyên, sự độc lập của các phương tiện truyền thông, vấn đề tự kiểm duyệt và tính công khai minh bạch.
Trong khi các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, trong đó có tác giả bài viết này, có thể tranh cãi về mức xếp hạng này đối với Singapore, dù muốn hay không điều đó cũng phản ánh những đánh giá về bức tranh truyền thông ở Singapore.
Một điểm số gây tranh cãi khác liên quan đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô mà Singapore bất ngờ xếp vị trí thứ 38. Singapore bị phạt bởi tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, ở mức khoảng 110% GDP vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, WEF không tính đến thực tế là trong trường hợp Singapore, nợ công được hậu thuẫn bởi tài sản. Trái phiếu chính phủ Singapore phát hành không dùng để chi tiêu, như ở hầu hết các nước mắc nợ khác, mà để đầu tư.
Điều mà WEF cần phải nhìn vào không phải là tổng nợ mà là nợ thực, nghĩa là tổng nợ trừ đi tài sản. Con số này của Singapore gần bằng 0. Singapore đáng nhận được mức xếp hạng cao hơn cho sự ổn định kinh tế vĩ mô của nước này.
Khi xét đến “tính năng động trong kinh doanh”, lĩnh vực trong đó Singapore xếp thứ 14, hai thước đo đáng được xem xét. Một là thái độ đối với rủi ro trong đó Singapore xếp thứ 26. Mức xếp hạng này được quyết định bởi câu trả lời chủ quan cho một câu hỏi khảo sát: “Ở đất nước bạn, người dân chấp nhận ở mức độ nào đối với rủi ro kinh doanh?”
Singapore giành được điểm số trung bình 59/100. Đây là một sự cải thiện so với những năm trước, mở doanh nghiệp là một lĩnh vực mà Singapore phần nào bắt kịp các nền kinh tế nhỏ, mở cửa như Israel (đứng đầu trong lĩnh vực này), Hong Kong (đứng thứ ba) và Ireland (xếp thứ sáu).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận