Siêu lừa xin dùng 7,3 triệu cổ phiếu 'gán nợ' 244 tỷ đồng cho VietABank
Bị tòa sơ thẩm buộc bồi thường 433 tỷ đồng cho VietABank, NCB và PVCombank và 4 "đại gia", Nguyễn Thị Hà Thành xin dùng 7,3 triệu cổ phần tại dự án MHD Trung Văn để khắc phục.
Ngày 26/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm theo kháng cáo của 13 bị cáo, 3 ngân hàng và 8 cá nhân liên quan vụ siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành câu kết 17 cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng.
Trong phiên tòa sơ thẩm tròn một năm trước, Hà Thành bị đánh giá "chủ mưu, khởi xướng, hưởng lợi nhiều nhất" từ vụ án. Với sự tiếp tay của 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietABank và PVcombank, Thành đã lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với các "đại gia", hứa trả lãi suất cao cho họ. Thành sau đó giả mạo chữ ký các "đại gia" để cầm cố các sổ này tại ba ngân hàng trên.
Ngoài án tù chung thân, cấp sơ thẩm phán quyết Thành phải khắc phục thiệt hại cho NCB 47,5 tỷ đồng, PVcombank 49,4 tỷ đồng, VietABank hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân 63 tỷ đồng, tổng cộng 433 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, Thành kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về lao động và có tiền trả cho các bị hại và người liên quan. Được chị gái nộp khắc phục thêm 100 triệu đồng, bị cáo trình bày là mẹ đơn thân nuôi 3 con, không có điều kiện khắc phục thêm.
Thành khai trước khi bị bắt và xét xử, năm 2018 có 7,3 triệu cổ phiếu, chiếm 26% cổ phần tại dự án MHD Trung Văn (29 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Số cổ phần này Thành nhờ Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark), là người cùng làm ăn lâu năm, đứng tên mua hộ.
Theo Thành, thời điểm mua năm 2018, hơn lô cổ phiếu có giá hơn 75 tỷ đồng, hiện bị VietABank phong tỏa. Bị cáo đề nghị do dự án này đã được mở bán, giá trị cổ phiếu sẽ có biến động, cụ thể là tăng. Do đó, bị cáo có nguyện vọng dùng toàn bộ 26% cổ phần trả cho VietABank.
Tùng bị tòa sơ thẩm tuyên 18 năm tù cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản song không kháng cáo. Tùng câu kết với Thành sử dụng công ty Jeongho lập khống các bộ hồ sơ năng lực, mua bán hàng hóa, vay tiền các đại gia, giả chữ ký và lăn giả vân tay của các "đại gia" này trong các hồ sơ để được các ngân hàng giải ngân hơn 270 tỷ đồng.
Toàn bộ thiệt hại trên, toà sơ thẩm không buộc Tùng liên đới khắc phục và Thành đồng ý.
Được tòa phúc thẩm trích xuất để đối chất với Hà Thành trong phiên tòa phúc thẩm, về 7,3 triệu cổ phiếu dự án MHD, Tùng xác nhận Thành khai đúng. Tùng chỉ đứng tên hộ, tiền mua do Thành đưa.
Khi Tùng khẳng định không được hưởng lợi gì từ việc mua hộ cổ phiếu, chủ tọa chất vấn "không được hưởng lợi gì mà cũng làm hộ?". Tùng đáp: "Thú thực lúc đó mong có việc làm khi Thành thực hiện dự án MHD nên những việc Thành nhờ đều giúp không công".
Tham dự phiên tòa với hai tư cách bị hại và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) được tòa hỏi ý kiến về đề nghị của bị cáo Hà Thành. Vị đại diện cho biết, hiện 7,3 triệu cổ phiếu này vẫn đứng tên Tùng. Trước khi bị bắt, Tùng đã ký thế chấp cho VietABank với mục đích khắc phục hậu quả các khoản vay của Thành tại ngân hàng này.
"Nếu tòa xác định được bản chất số cổ phần đó là của Hà Thành, nếu Tùng và Thành đều đồng ý cho VietABank khấu trừ vào số tiền Thành phải khắc phục cho VietABank, chúng tôi chấp nhận", vị đại diện nói. Song theo ông, cơ quan thi hành án cần xác định lại giá trị sát thực tế, sau 6 năm từ khi Thành mua.
Dự án căn hộ MHD Trung Văn diện tích 0,8 ha, gồm hai tòa tháp cao 37 và 39 tầng với 462 căn hộ dịch vụ khách sạn và 276 căn hộ để ở lâu dài.
PVCombank và NCB đề nghị "đại gia" trả lại tiền lãi đã hưởng bất chính
Hai ngân hàng PVCombank và NCB đều kháng cáo phần dân sự liên quan "đại gia" Đặng Nghĩa Toàn, chủ sở hữu của các sổ tiết kiệm tổng trị giá 122 tỷ đồng.
Ông Đặng Nghĩa Toàn, 47 tuổi, không được tòa xác định là bị hại mà chỉ có quyền nghĩa vụ liên quan. Ông nằm trong số 5 đại gia không được tòa tuyên trả lại tiền trong sổ tiết kiệm mà tiếp tục bị "giữ lại" tại 3 ngân hàng để đảm bảo thi hành án phần trách nhiệm dân sự của Hà Thành với 3 ngân hàng, đến khi Cục Thi hành án dân sự thi hành phần quyết định này.
Tòa sơ thẩm đánh giá, các đại gia này đưa sổ cho Thành quản lý vì "ham tiền thưởng hứa hẹn" và thực chất họ có quan hệ vay mượn riêng với Thành. Bản chất việc gửi tiền vào ngân hàng của các đại gia như ông Toàn là để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành, khi cô ta không trả được nợ. Do vậy, đây là hợp đồng giả cách che giấu quan hệ vay nợ giữa các đại gia và Thành.
Trình bày tại tòa, đại diện NCB và PVCombank đều đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Do tòa sơ thẩm tuyên các giao dịch, hợp đồng liên quan ngân hàng mà ông Toàn và Thành thực hiện, đều nhằm che giấu việc vay tiền giữa hai người này.
"Nhưng tòa sơ thẩm vẫn tuyên việc gửi tiền vào ngân hàng là đúng, tuyên ngân hàng phải trả tiền lãi cho ông Toàn, bác yêu cầu của ngân hàng về việc ông Toàn phải trả tiền lãi đã nhận", đại diện NCB cho hay. Do đó, NCB hôm nay kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên buộc ông Toàn phải trả số tiền lãi đã hưởng lợi không đúng, sau khi đối trừ, còn hơn 1,3 tỷ đồng.
PVCombank, phía chịu thiệt hại 49,4 tỷ đồng từ sai phạm của Hà Thành, đại diện ngân hàng này cũng kháng cáo nội dung tương tự. Vị đại diện cho hay, ông Toàn đã được PVCombank trả lãi trong 13 tháng, từ tháng 10/2018-11/2019, tổng hơn 4 tỷ đồng, ngân hàng đề nghị ông Toàn trả lại.
"Hợp đồng tiền gửi giả cách, không có hiệu lực nhưng tòa sơ thẩm lại không buộc ông Toàn trả lại tiền lãi đã nhận từ ngân hàng là không hợp lý", đại diện PVCombank nói.
Ông Toàn hôm nay vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe, được hai người đại diện trả lời một số câu hỏi của HĐXX. Người đại diện khẳng định ông Toàn tin tưởng do Thành tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đang cần chạy chỉ tiêu, hứa trả lãi gấp đôi ngân hàng nên lập sổ tiết kiệm rồi đưa sổ cho Thành.
Đại diện VKS lập tức hỏi: "Thế Thành có nói là nhân viên ngân hàng nào không? Nếu bị một vụ, ở một ngân hàng thôi thì còn nghe được, chứ đây là cùng thủ đoạn, diễn ra ở 3, 4 ngân hàng mà ông Toàn bảo bị lừa thì sao mà tin được". Đại diện của ông Toàn đáp: "Thực ra ông Toàn có nói, chỉ quan tâm lãi cao, cũng không quan trọng hay để ý Thành nói làm ở ngân hàng nào", song tiếp tục bị VKS cho rằng "chưa hợp lý lắm".
Đối chất sau đó, Hà Thành phủ nhận, nói chưa bao giờ tự giới thiệu mình là nhân viên ngân hàng để "dụ" ông Toàn. Thành khai gặp ông Toàn với mục đích vay tiền để làm ăn, "yêu cầu anh Toàn gửi tiền tại các ngân hàng đó, để nếu có vấn đề gì mà bị cáo không trả được nợ thì ngân hàng phải chịu thay".
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận