"Siết thuế" cho thuê nhà, văn phòng trong điều kiện dịch bệnh bùng phát có hợp lý?
Vừa qua 2 cục thuế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có những động thái nhằm quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê văn phòng. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn thì việc siết thuế này cần phải tính toán kỹ để làm sao hài hòa lợi ích được các bên.
Ngày nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, có những người có cuộc sống sung túc hơn, thậm chí được gọi là "đại gia" vì cùng lúc sở hữu nhiều căn nhà. Họ cho thuê nhà ở, văn phòng làm kinh doanh,... trong khi đó, số thuế thu được từ hoạt động kinh doanh này lại không phản ánh đúng thực tế khiến Nhà nước thất thu.
Theo Điều 4 Thông tư 92/2015/TT - BTC, cá nhân cho thuê nhà mà có tổng doanh thu trong năm lớn hơn 100 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Pháp luật quy định rõ như vậy, nhưng việc trốn thuế xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau. Chiêu thức trốn thuế chủ yếu là chủ nhà thông đồng với khách thuê để không làm hợp đồng thuê. Ví dụ, có những căn nhà cho thuê với giá 16 triệu đồng/tháng nhưng khi kiểm tra hợp đồng thì trên hợp đồng chỉ ghi 8 triệu đồng/tháng.
Hay có những trường hợp khi bị đơn vị thuế kiểm tra, cả chủ nhà và khách đều chống chế nhận nhau làm “người nhà” cho ở nhờ không thu tiền để có thể tránh thu thuế. Hợp đồng không có, thanh toán lại bằng tiền mặt trao tay, thế nên cơ quan thuế rất khó để xử lý.
Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cơ sở lưu trú cùng với việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, mới đây Cục Thuế TP.Hà Nội có công văn chỉ đạo các chi cục thuế quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà.
Trước đó, Cục Thuế TPHCM cũng đã tiến hành rà soát các hộ cho thuê nhà để quản lý thuế; đồng thời cũng đã tham mưu UBND TPHCM về phối hợp quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân cho thuê nhà. Tuy nhiên, việc này cũng dễ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Ngoài việc có thể mang lại lợi ích cho ngân sách, nhưng cũng phải cân đối, chọn thời điểm để hài hòa với người dân đi thuê, tránh tình trạng không đạt được chính sách điều tiết của chính sách thuế.
Ghi nhận của phóng viên dọc các tuyến phố lớn của Hà Nội như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi hay trên các khu phố cổ… trước đây vẫn sầm uất với việc kinh doanh, buôn bán. Nhưng khi dịch COVID-19 ập đến nhà hàng kinh doanh, mua bán đang thưa thớt dần.
Trên các tuyến phố lớn xuất hiện nhiều biển hiệu bán nhà, chuyển nhượng cửa hàng, cho thuê mặt bằng kinh doanh và điều này cho thấy, hoạt động nhà cho thuê ở, cho thuê kinh doanh cũng đang có dấu hiệu khó khăn, thất thu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận