24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Siết quy định ví điện tử: Rào cản cho người dùng?

Nếu áp dụng chính sách quá thắt chặt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán khó “thở” nổi.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó quy định khá chặt chẽ về những hoạt động của ví điện tử (VĐT).

Cụ thể, hạn mức giao dịch tối đa của VĐT của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng, tổng hạn mức giao dịch của VĐT của tổ chức tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, đự thảo còn quy định mỗi khách hàng có nhu cầu chỉ được phép mở một VĐT tại mỗi đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ.

Tốn kém chi phí xã hội, đi ngược xu thế phát triển kinh tế số

Trong bản góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán nhận thấy quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng VĐT của khách hàng. Bởi nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng/ngày. Đối với các doanh nghiệp, hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày. Việc đặt ra hạn mức sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc, không thể hạn chế việc sử dụng tiền mặt. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.

Với nhu cầu sử dụng ngày càng cao, việc siết hạn mức ví điện tử liệu có thực sự cần thiết

Theo NHNN, cơ quan soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 lý giải quy định này nhằm “giảm thiểu rủi ro về lợi dụng VĐT để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ VĐT là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng các giải trình này không nêu rõ thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua VĐT với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức như được nêu trong dự thảo. Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại đưa ra chủ trương chính sách là “mục đích sử dụng dịch vụ VĐT là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.

Chia sẻ của chị T. M. Nguyên (ở TP.HCM), một người tiêu dùng cho biết: Với quy định về số lượng VĐT được mở tại mỗi đơn vị tổ chức cung ứng, người tiêu dùng cũng bị hạn chế về nhu cầu sử dụng VĐT chính đáng. Bởi khách hàng hoàn toàn có thể có nhiều ví để quản lý chi phí cho gia đình, người thân hay phục vụ các nhu cầu chi tiêu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ khác nhau…

Pháp luật không hạn chế một khách hàng mở nhiều tài khoản tại một ngân hàng, vì vậy nếu đã yêu cầu VĐT liên kết với tài khoản ngân hàng thì việc hạn chế số ví là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nếu phát hành nhiều VĐT cho một khách nhưng vẫn đảm bảo nhận diện được chủ VĐT và kiểm soát rủi ro rửa tiền chặt chẽ do các VĐT gắn với tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các tổ chức cung ứng VĐT đã luôn phải tuân thủ quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền.

Doanh nghiệp kiến nghị nới lỏng hành lang pháp lý

Ông Phạm Thanh Đức, CEO M-Service, công ty chủ quản của VĐT MoMo cho biết: “Thông tư 39 liên quan đến điều chỉnh VĐT còn tồn tại một số hạn chế, việc kiểm soát chặt như vậy có thể khiến các công ty fintech cảm thấy lo ngại về định hướng phát triển, khó có thể hoàn thành mục tiêu phổ cập VĐT trên tất cả mọi hoạt động thanh toán trong đời sống. Nếu hành lang pháp lý không đủ hỗ trợ thông thoáng thì sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng lẫn công ty fintech trong quá trình chuyển đổi số”.

Đứng từ góc độ nhà điều hành, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nêu quan điểm: “Với xu hướng mới, VĐT ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Tính đến hiện tại, số lượng VĐT đã đạt gần 5 triệu ví và được phổ cập tới mọi hoạt động thanh toán trong cuộc sống xã hội. Chính sách của NHNN là sẽ đảm bảo cho VĐT hoạt động bình thường, không làm gián đoạn và khuyến khích việc sử dụng VĐT mở rộng. Chứ không có một chính sách nào đưa ra để kìm hãm hay làm khó với VĐT. Sắp tới, trong Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng có nhắc đến việc nghiên cứu báo cáo về nạp tiền vào VĐT mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng. Song song với sự phát triển thì công nghệ cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là công tác giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Có nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra các quy định, thành lập trung tâm dự phòng là không cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các quy định mà NHNN đưa ra đều nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng là trên hết”.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN khẳng định các chính sách là để đảm bảo ví điện tử hoạt động bình thường

“Các công ty đang nắm giữ tiền của hàng triệu người dùng, nếu có vấn đề về hệ thống thì người dân biết đòi ai? Vì vậy các công ty tham gia bắt buộc phải đảm bảo tiêu chí về an toàn. Đây là cuộc chơi có điều kiện, không đủ điều kiện thì không thể tham gia cuộc chơi”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Dù vậy, trước những nguyện vọng chính đáng của người dùng nói chung và các công ty cung cấp VĐT nói riêng, vẫn cần thiết có những điều chỉnh linh hoạt hơn trong Dự thảo sửa đổi để phục vụ nhu cầu sử dụng thiết thực của thị trường, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả