Siết đấu giá đất công
Ðể việc đấu giá đất công được hiệu quả, ngoài bít các lỗ hổng nảy sinh, Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho quay video, chụp lại hình ảnh của từng khu đất.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa có văn bản gửi các cơ quan liên quan để chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất công. Trong đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản.
Ðánh giá về thực trạng đấu giá đất ở BR-VT thời gian qua, đại diện Sở Tư pháp tỉnh này cho hay qua công tác quản lý nhà nước, việc kiểm tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sở nhận thấy các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất không diễn ra trực tiếp tại cuộc đấu giá mà diễn ra trước khi tổ chức đấu giá.
Dẫn chứng cụ thể, Sở Tư pháp nêu trường hợp đấu giá khu đất hơn 79.481 m2 tại xã An Hải - An Hội (huyện Côn Ðảo) - đây là vụ việc được Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh. Cụ thể, vào năm 2019, BR-VT có quyết định đấu giá khu này với giá khởi điểm 537,129 tỉ đồng, hình thức thuê đất trả tiền một lần. Có 2 cá nhân tham gia là bà Trần Ngọc Bích (ngụ đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM) và bà Võ Thị K.C (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM). Tại vòng 1, bà Ngọc Bích trả giá hơn 537,3 tỉ đồng, còn bà K.C trả giá 537,2 tỉ đồng. Sang vòng 2, cả hai người này đều không nhận phiếu trả giá và kết quả, bà Ngọc Bích trúng đấu giá với số tiền như trên.
Sau khi có kết quả đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh BR-VT có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Thế nhưng, nhận thấy có vấn đề trong quá trình đấu giá, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành chức năng thẩm định lại việc đấu giá. Ðể rồi, qua rà soát, các sở, ngành liên quan xác định 2 cá nhân tham gia đấu giá nói trên có sự "trùng khớp" về thời gian, địa điểm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng cũng như bản cam kết cấp tín dụng của ngân hàng. Theo nhận định của các ngành, việc này pháp luật không cấm nhưng trên cơ sở kết quả đấu giá và quy chế đấu giá, cần xem xét lại mối quan hệ nhân thân của những người tham gia đấu giá. Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BR-VT đã có bản kết luận điều tra trong đó kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp 2 cá nhân tham gia đấu giá do đã vi phạm quy chế đấu giá tài sản.
Ngoài việc trên, năm 2021, tỉnh BR-VT cũng thanh tra toàn diện việc đấu giá Bến xe khách Bà Rịa (cũ) và phát hiện nhiều sai phạm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án đấu giá tài sản. Trong đó, khu đất đấu giá có diện tích 13.681 m2, tài sản trúng đấu giá hơn 3,7 tỉ đồng (giá tài sản trên đất là hơn 2,3 tỉ đồng, giá đất là hơn 1,3 tỉ). Như vậy giá đất trúng đấu giá chỉ gần 100.000 đồng/m2. Ở vụ việc này, Thanh tra tỉnh BR-VT xác định UBND TP Bà Rịa chưa thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định tài sản trên đất mà căn cứ vào giá trị còn lại tài sản trên đất của Bến xe khách Bà Rịa trên sổ sách kế toán để làm giá khởi điểm bán đấu giá tài sản; chưa tổ chức thẩm định đối với 3 doanh nghiệp tham gia đấu giá, TP Bà Rịa chọn tổ chức bán đấu giá mà không thực hiện đấu thầu…
Khu đất mũi Nghinh Phong (ảnh 1) và khu đất Cụm 5 nằm ở vị trí vàng với 4 mặt tiền tại TP Vũng Tàu (ảnh 2) đang được hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đấu giá
Xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm
"Ở những vụ việc trên, hành vi hết sức tinh vi và có xu hướng ngày càng phức tạp. Ðấu giá viên và cơ quan quản lý không thể phát hiện bằng các biện pháp thông thường mà phải đòi hỏi nghiệp vụ chuyên ngành điều tra của cơ quan công an" - lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh BR-VT phân tích.
Ðể ngăn chặn hành vi trên, theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đấu giá tài sản ngay từ khâu xác định, phê duyệt giá khởi điểm cho đến kết thúc cuộc đấu giá và công nhận kết quả đấu giá. Trong đó, Sở TN-MT có nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất sát với giá thị trường bảo đảm đúng quy định, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá, nhất là về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, phương án thực hiện dự án đầu tư. "Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong quá trình đấu giá đất, cơ quan điều tra phải lập tức xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về hoạt động đấu giá trên địa bàn" - ông Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.
Theo Sở TN-MT tỉnh BR-VT, sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại vướng mắc của khu đất, ranh mốc, nguồn gốc đất, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh tái chiếm, lấn chiếm đất công; phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ để việc đấu giá đất được thực hiện đúng mục đích, đúng định hướng phát triển của tỉnh. "Năm 2022, toàn tỉnh có 7 khu đất công được tổ chức đấu giá. Để việc đấu giá đất diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao cũng như đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã cho quay video và chụp lại hình ảnh của từng khu đất; đồng thời, hoàn thiện thông tin pháp lý của các khu đất được đấu giá đưa lên Cổng thông tin điện tử của sở, nhằm giúp các nhà đầu tư cập nhật thông tin nhanh chóng và tiện lợi nhất để có thể nghiên cứu và tham gia đấu giá đất" - đại diện lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh BR-VT thông tin.
"Theo Sở TN-MT tỉnh BR-VT, giai đoạn 2022-2025, tỉnh BR-VT đấu giá 18 khu đất, dự kiến nguồn thu hơn 17.243 tỉ đồng. Trong đó, có 7 khu “đất vàng” tại TP Vũng Tàu gồm khu đô thị sinh thái Cù lao Bến Ðình, khu đất Cụm 5, khu đất tại mũi Nghinh Phong, khu One Opera Complex, khu đô thị 3/2, khu đất Xí nghiệp Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro, khu đất Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam, với tổng số tiền dự kiến thu hơn 15.688 tỉ đồng”. |
Hàng ngàn thửa đất bị tranh chấp, lấn chiếm Theo thông tin trong quyết định phê duyệt phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai vào tháng 8-2018, toàn tỉnh có gần 29.100 thửa đất công, tổng diện tích trên 13.100 ha đang được quản lý, sử dụng. Những địa phương có nhiều đất công là huyện Ðịnh Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP Biên Hòa. Ngoài đất công do cấp xã, huyện, các sở, ngành quản lý sử dụng thì nhiều DN có vốn nhà nước cũng quản lý sử dụng nhiều diện tích đất công. Từ năm 2017, các địa phương trong tỉnh đã tổng hợp được gần 1.400 thửa đất công bị tranh chấp, lấn chiếm nhưng đến nay, chưa thửa đất nào xử lý xong để đưa vào khai thác, sử dụng. Các khu đất đang tranh chấp, lấn chiếm đa số có liên quan đến đất của các nông, lâm trường. Nguyên nhân là do trước đây, các nông, lâm trường không cắm mốc và quản lý lỏng lẻo dẫn đến nhiều hộ dân tranh chấp, lấn chiếm. Theo đánh giá, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, việc quản lý đất công tại một số địa phương chưa chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát và một số cán bộ, người đứng đầu DN đã bị khởi tố, bắt giam. Bên cạnh đó, một số thửa đất công là "đất vàng" đã sử dụng sai mục đích hoặc khai thác chưa hiệu quả. Trước thực tế này, UBND tỉnh Ðồng Nai đã yêu cầu Sở TN-MT phối hợp các đơn vị, địa phương tiến hành cắm mốc các thửa đất công và rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công tác quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn và tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm gây thất thoát đất công. Nguyễn Tuấn |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận