Siết chặt giãn cách, số ca mắc COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu dừng lại
Số ca mắc COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu dừng lại.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 63 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau, trong đó có Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12/CT-TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố đã và đang đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực.
Để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, tiến tới kiểm soát và khống chế dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 2/8, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày.
* Người dân cơ bản chấp hành nghiêm
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (bắt đầu từ 0 giờ ngày 2/8), Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền rộng rãi và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân Thành phố an tâm “ai ở đâu ở đấy”.
Thành phố yêu cầu các sở ngành, thành phố Thủ Đức, các quận huyện tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi Thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giảm mật độ giao thông với các nhóm đối tượng, thời gian đã được quy định cụ thể tại các chỉ đạo trước đó của Ủy ban nhân dân Thành phố; tổ chức tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả, không để hết hạn.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 2/8, trên nhiều tuyến đường, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, mật độ lưu thông đã giảm rất lớn. Mặc dù vẫn còn một số phương tiện di chuyển trên đường nhưng mật độ thưa thớt, tập trung chủ yếu vẫn là lực lượng phòng, chống dịch, cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan nhà nước, các shipper, xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo quy định.
Tại địa bàn vùng ven, ở các chốt ngã tư Nguyễn Ảnh Thủ - Tô Ký (nối Quận 12 và huyện Hóc Môn), ngã tư Tô Ký - Nguyễn Văn Quá (nối Quận 12 - quận Gò Vấp), chốt trên đường Nguyễn Kiệm (lối ra của quận Gò Vấp)… lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ phương tiện di chuyển.
Ở chốt kiểm soát ngã tư Tô Ký - Nguyễn Văn Quá (cầu Chợ Cầu phía Quận 12), lượng phương tiện lưu thông không đông, phần lớn là xe tải chở hàng hóa và shipper, được lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn lưu thông theo quy định.
Phía bên kia cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận Gò Vấp), chỉ cách khoảng 100m, là chốt kiểm soát của quận Gò Vấp. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ… thực hiện kiểm soát phương tiện đã được kiểm tra tại phía Quận 12.
Một cán bộ công an tại chốt phía quận Gò Vấp chia sẻ: “Trong sáng 2/8, lượng phương tiện lưu thông không đông, hầu hết đều ra đường có lý do chính đáng và chấp hành tốt quy định, kể cả lực lượng shipper. Chúng tôi tạo điều kiện để người dân di chuyển qua chốt khi có lý do cần thiết”.
Trong khi đó, nhiều tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố thưa thớt người qua lại như Lê Quý Đôn, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế… Tại chốt trạm cầu Sài Gòn, lượng phương tiện di chuyển hướng từ thành phố Thủ Đức về trung tâm Thành phố có khá ít.
Tại khu vực giáp ranh phường An Phú với phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra và đã xử phạt một số trường hợp vi phạm quy định của Thành phố khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, như: ra đường không cần thiết, không cung cấp đủ các giấy tờ theo quy định.
Tương tự, Vòng xoay Điện Biên Phủ (Quận 1), lực lượng chức năng lập chốt, phương tiện di chuyển qua khu vực này thưa vắng, chủ yếu là shipper giao hàng và xe tải nhỏ chở hàng thiết yếu vào khu vực trung tâm.
Tương tự, các tuyến đường chạy ngang Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức để về Quận 1 cũng thưa vắng người di chuyển. Lực lượng chức năng lập chốt trạm kiểm soát hướng từ thành phố Thủ Đức qua cầu Thủ Thiêm 1 để về trung tâm Thành phố.
Trước đó, vào tối 1/8, để tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thông báo các phương tiện đã cấp mã QR Code từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) được tiếp tục sử dụng đi đến qua các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường hợp được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp mã QR Code được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/8.
Đối với các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, từ ngày 1/8, Sở Giao thông Vận tải Thành phố dừng cấp mã QR Code mới khi các phương tiện đăng ký trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố chỉ cấp mới thông qua các cơ quan, đầu mối của Thành phố, không tiếp nhận và giải quyết đối với các trường hợp hồ sơ gửi từ các doanh nghiệp, đơn vị vận tải.
* Hiệu quả từ việc siết chặt các biện pháp tăng cường
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1/8, Thành phố đã trải qua 63 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy, trung bình quân mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện hơn 3.300 trường hợp mắc mới, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
Trong những ngày qua, theo dõi biểu đồ COVID-19, ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã có dấu hiệu dừng lại, "đi ngang" và hy vọng đi xuống dần trong những ngày tới.
Đánh giá các kết quả đạt được, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Thành phố đã đi đúng hướng, có kết quả bước đầu, cần tiếp tục phát huy, mở rộng “vùng xanh”, tập trung nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sẽ hoàn thành và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Công tác chống dịch của Thành phố đi vào nền nếp, bài bản và hiệu quả hơn. Trong đó, sự ứng phó triển khai các vấn đề khẩn cấp diễn ra nhanh hơn, từng địa phương chủ động tốt hơn, từng cấp từng bộ phận phối hợp chặt chẽ hơn, nhân dân đồng tình ủng hộ mạnh mẽ hơn.
Hiện tại Thành phố đã cơ bản kiểm soát được ca lây lan mới, hầu hết các ca F0 trong khu phong tỏa. Vai trò của nhân dân tự quản rộng hơn, hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu chống dịch tổ chức phối hợp từng tuyến đồng bộ và chặt chẽ hơn. Thành phố có đủ niềm tin thực hiện triệt để Chỉ thị 16 và ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng chức năng đã quyết liệt kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm, qua đó nâng cao ý thức chấp hành của người dân về giãn cách xã hội.
Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 26/7 (thời điểm quy định yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18 giờ) đến ngày 31/7, lực lượng Cảnh sát Giao thông Thành phố đã xử phạt 3 trường hợp không đeo khẩu trang, 928 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy.
Bên cạnh đó, đơn vị Công an Thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố xử lý 159 trường hợp và nhắc nhở 15 trường hợp.
Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, từ 18 giờ ngày 26/7 đến nay, tại 12 chốt cửa ngõ và 446 chốt tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 14.200 trường hợp. Riêng 821 đội tuần tra cơ động thuộc Công an Thành phố đã kiểm tra hơn 311.000 phương tiện, lập biên bản 5.438 trường hợp.
Xác định nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, do biến chủng Delta khó lường, phức tạp. Thành phố tiếp tục tập trung triệt để giãn cách xã hội, nhất là phát huy vai trò nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư.
Thành phố cần tập trung quản lý, theo dõi, hướng dẫn, vận chuyển F0 theo quy trình, quy định đã đề ra, không để lây lan. Nơi nào để xảy ra tình trạng F0 chậm được chăm sóc, người đứng đầu nơi đó chịu trách nhiệm. Khi người dân cần tư vấn hay khi vào bệnh viện phải đảm bảo người trực, luân phiên chia ca 24/7 ca để giải quyết việc này.
“Từng cấp ủy, người đứng đầu, địa phương nêu cao trách nhiệm, bám sát công tác phòng, chống dịch, công tác chăm lo cho nhân dân. Các giải pháp thực hiện cần đồng bộ, chủ động, tránh bị động, lúng túng. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch, không để phát sinh mâu thuẫn trong hoạt động cung ứng hàng hóa”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Về vấn đề vaccine, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, đây là "chìa khóa" quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thành phố quyết tâm đến tháng 8/2021 tiêm chủng đạt trên 70% cho người dân Thành phố bằng những giải pháp thích hợp, khẩn trương, chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thực hiện chiến lược bảo vệ nguồn lực y tế, chính sách dưỡng quân, triển khai nhanh chóng việc mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cho công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hiện nay, Thành phố đang tập trung siết chặt, triệt giãn cách, yêu cầu hạn chế tối đa ra đường theo Chỉ thị 16. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ áp dụng mạnh mẽ các biện pháp, mong rằng có sự đồng thuận của người dân để Thành phố sớm chiến thắng dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, cả hệ thống chính trị Thành phố đang khẩn trương, quyết liệt vào cuộc với sự chỉ đạo, ủng hộ kịp thời của Trung ương, các bộ, ngành và sự đồng lòng hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân.
Việc thực hiện tiếp Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết, cần tiếp tục nhận được sự chia sẻ rộng rãi cũng như ý thức chấp hành nghiêm của người dân để sớm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận