Siết chặt cho vay không có nghĩa dòng tiền không vào bất động sản?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chia sẻ về vấn đề này tại buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022, dòng vốn sẽ được ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khó khăn vì Covid-19; trong khi đó tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, có thể tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng cho một số dự án, doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa, mà NHNN chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm tăng trưởng tín dụng với ngành bất động sản trong những năm qua đã có xu hưởng giảm, từ mức hơn 26% vào năm 2018 xuống còn dưới 12% trong năm 2020.
Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực bất động sản cũng khoảng 12%. Trong đó dư nợ cho vay với mảng kinh doanh bất động sản chỉ tăng 8,9% còn tín dụng với bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng hơn 13%.
Kết quả một cuộc khảo sát điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12/2021 do NHNN thực hiện mới đây cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và thắt chặt hơn yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.
Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi, dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Cụ thể, các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận