24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

Shark Hưng cho biết trong quá trình đầu tư, có những lúc ông đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Nhưng cái sai ở đây không phải là mô hình kinh doanh, mà là cái sai ở con người – những nhà sáng lập. Họ hoặc không biết lắng nghe, hoặc không trung thực, minh bạch trong hoạt động đầu tư. Thậm chí có startup, sau khi được giải ngân xong thì số liệu kinh doanh bị “hô biến” với một mức không thể tưởng tượng nổi, gần như là “phá cờ chơi lại”...

Cuộc trò chuyện kéo dài gần 1 giờ đồng hồ với Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group, thi thoảng bị gián đoạn bởi những tiếng gõ cửa. Vị cá mập được ví như "bách khoa toàn thư" ra dấu hiệu "dừng một chút" để giải quyết việc công ty, và chừng 30 giây sau lại tiếp tục nối đúng mạch câu chuyện.

Cởi mở và hài hước, vị Shark chính tại vị 3 mùa Shark Tank Việt Nam chia sẻ thẳng thắn cả những câu chuyện đầu tư thất bại và chuyện Luxstay – deal triệu USD "khủng" nhất Shark Tank Việt Nam, đã tăng gấp đôi giá trị công ty sau khi ký hợp đồng…

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Cơ duyên nào đưa Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group thành "Shark Hưng" trong chương trình Shark Tank Việt Nam và trở thành nhà đầu tư chính duy nhất tại vị suốt 3 mùa?

Ông Phạm Thanh Hưng: Ban tổ chức mời (cười).

Ngày ấy, Shark Vương (ông Trần Anh Vương, khi ấy giữ cương vị Tổng Giám đốc CTCP SAM Holdings) – một trong những người tham gia vào việc đàm phán và mua bản quyền chương trình Shark Tank về Việt Nam, chia sẻ với tôi từ ngày mới tiếp cận với format này, khoảng gần 2 năm trước khi chính thức ghi hình.

Khi nhận được chia sẻ ấy, tôi suy nghĩ 2 vấn đề: Một là, mình cũng rất muốn tiếp cận với những ý tưởng về công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Cuộc cách mạng 4.0 làm thay đổi rất nhiều mô hình kinh doanh. Rất nhiều mô hình kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ đã thay đổi hẳn. Tôi rất muốn tiếp cận với các bạn trẻ để tìm hiểu, cập nhật và có thể có những cơ hội đầu tư tốt.

Hai là, tôi cũng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm trong khả năng mình có để cho các bạn trẻ khởi nghiệp đỡ vất vả hơn. Chúng tôi là doanh nhân, ý tưởng nhiều, tài chính cũng có thể thu xếp được, nhưng cái quan trọng nhất là cần người thực hiện. Các bạn trẻ thì ngược lại. Các bạn có đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng thực hiện, nhưng lại cần người hướng dẫn cho các bạn đi đúng hướng. Đó là một trong những lý do, cũng vừa là cái duyên, khiến tôi duy trì sự hứng thú của mình đến tận mùa 3.

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Trong quá trình đầu tư của mình, có khi nào anh đưa ra quyết định đầu tư sai lầm hay không?

Ông Phạm Thanh Hưng: Có. Nhưng cái sai ở đây cũng là vấn đề con người, chứ không phải mô hình kinh doanh. Trong các doanh nghiệp tôi đầu tư, tất cả những mô hình kinh doanh cho đến nay đầu tư bị thất bại là do con người. Tôi đưa ra lời khuyên, cũng bởi đầu tư không định chi phối nên quyết định cuối cùng là của các bạn. Và lời khuyên ấy các bạn có thể không lắng nghe, hoặc là các bạn không trung thực, không minh bạch trong các hoạt động đầu tư.

Cho nên các bạn ấy cứ "giật gấu vá vai", lấy tiền của khoản đầu tư này chi tiêu cho những việc khác, sử dụng tiền đầu tư không đúng mục đích. Đấy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các bạn.

Chẳng hạn khi chúng tôi làm DD (Due Diligence – thẩm định doanh nghiệp), hay đàm phán trên chương trình, các bạn đưa ra một con số tài chính là vốn chủ hiện nay đã đóng góp như thế này, hiện đã biến động vốn chủ như thế kia. Dựa trên con số đó, chúng tôi ra quyết định đầu tư. Nhưng ngay lập tức sau khi giải ngân xong thì con số đó bị điều chỉnh với một mức không thể tưởng tượng nổi, gần như là "phá cờ đánh lại" luôn. Đấy cũng là cái rủi ro.

Những rủi ro đấy đều liên quan đến con người. Còn tất nhiên là đầu tư thì có muôn vàn rủi ro, nhất là những mô hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ. Tất cả chỉ là sự phán đoán và dựa trên kinh nghiệm, chứ đầu tư mà nói chắc chắn 100% thành công thì không phải là đầu tư nữa, kể cả gửi ngân hàng vẫn còn chưa chắc chắn là 100% không mất tiền, chứ nói gì đến chuyện đầu tư. Đã nói đến đầu tư là có rủi ro, những yếu tố rủi ro ở Việt Nam thì tôi thấy đầu tư rủi ro nhất chính là con người.

Bên cạnh rủi ro về tính không trung thực, thiếu minh bạch của các nhà sáng lập, còn có rủi ro về năng lực thực hiện của các bạn và rủi ro liên quan đến thị trường. Nhưng rủi ro liên quan đến thị trường có thể điều chỉnh được.

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Các thương vụ mà anh gật đầu trên truyền hình, nhưng sau đó lại từ chối có nhiều không?

Ông Phạm Thanh Hưng: Nhiều chứ! Không đến quá nửa nhưng có khá nhiều trường hợp mà trên truyền hình thì OK, nhưng lúc làm DD thì... Các Shark đều vậy. Thậm chí có những Shark kỹ tính, bạn thấy gần như là từ chối hết.

Lý do từ chối thì có muôn vàn. Có nhóm thì do số liệu không đúng với thực tế. Có nhóm thì do mô hình kinh doanh. Có nhóm thì liên quan đến nhân sự, hoặc xung đột, thậm chí có những nhóm chỉ đơn thuần là khi nhà đầu tư vào một cái thì lập tức có rất nhiều vấn đề. Bạn vừa lên hình xong thì đã có rất nhiều khiếu kiện của đối tác. Các bạn chưa làm mà đã có vấn đề về sự trung thực, tức là tư cách doanh nhân có vấn đề.

* Là cá mập duy nhất tại vị xuyên suốt 3 mùa Shark Tank Việt Nam, anh thấy đâu là sự khác biệt lớn nhất của các bạn startup mùa 3 so với hai mùa còn lại?

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!
Ông Phạm Thanh Hưng: Càng ngày các bạn startup càng tốt hơn rất nhiều. Mùa 1 là mùa nhiều bỡ ngỡ nhất. Lúc ấy các bạn startup cũng chưa có nhiều bạn đi vào hướng công nghệ hoặc đi vào hướng làm nền tảng, mà chủ yếu là những mô hình kinh doanh truyền thống rất phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp, như làm hoa quả, trái cây sấy, trồng cà chua, làm giấm... những sản phẩm rất truyền thống. Mặc dù được một số Shark đầu tư, cho đến thời điểm này thì không có nhiều kết quả thành công lắm.

Nhưng đến mùa 2 và mùa 3, đặc biệt mùa 3, các bạn startup liên quan đến công nghệ, nền tảng rất nhiều. Và chúng ta thấy số tiền các bạn huy động được ở mùa 3 lớn gấp nhiều lần so với mùa 1.

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Trong 3 mùa Shark Tank, anh tâm đắc nhất với startup nào?

Ông Phạm Thanh Hưng: Mùa 1, tôi không có deal nào ấn tượng lắm. Mùa 2 thì tôi rất thích deal Mopo - pin thân thiện với môi trường. Mùa 3 thì tôi nghĩ rằng Luxstay là một startup rất thú vị. Cho đến thời điểm này các bạn đang tăng trưởng rất tốt. Tôi vừa mới hoàn thiện thủ tục giải ngân giai đoạn 1, giá trị của công ty đã tăng lên rất đáng kể ở round (vòng gọi vốn) tiếp theo.
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Anh có thể tiết lộ con số...

Gần gấp đôi. Tức lãi gần gấp đôi. Đó là deal rất tốt, rất ấn tượng, và thú vị. Tại sao deal Luxstay lại thành công? Bởi các bạn có một mentor cực kỳ tốt là Shark Dzung. Rất sâu sát, hướng dẫn cụ thể. Và Founder là người có năng lực triển khai tốt, quyết tâm, trung thực, biết lắng nghe.

Founder có quan điểm là tốt, nhưng biết lắng nghe cũng là cần thiết, để từ đó phân tích và ra quyết định chính xác hơn. Nhiều bạn startup không có quá nhiều kinh nghiệm nhưng rất tự tin. Đôi khi các bạn thậm chí còn không chịu xem trong môi trường kinh doanh đấy, những đối thủ khác đã làm gì, thậm chí còn không chịu tìm hiểu kỹ thị trường trong nước chứ chưa nói gì đến nước ngoài. Nhiều người làm thế rồi.

Ở vị trí các Shark khi tham gia đầu tư là các Shark nhận được cực kỳ nhiều các bản proposal (đề nghị đầu tư) như vậy. Có những mô hình kinh doanh chẳng hạn như bạn làm ống hút cỏ, có phải một mình bạn nghĩ ra và làm thế đâu. Trước khi lên Shark Tank thì nhiều người làm rồi. Vấn đề là ai làm nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn, chứ đấy không phải là một phát kiến gì mới, thậm chí chưa chắc bạn ấy đã là người đầu tiên triển khai.

Hay những platform kiểu như đỗ xe, người ta làm rất nhiều. Nhiều bạn nghĩ làm platform kiểu cho thuê bất động sản, nhưng cũng vô vàn người đi theo hướng như thế. Các bạn thậm chí còn không chịu phân tích các mô hình kinh doanh như vậy, xem đối thủ đã làm gì, thì chuyện các bạn có thể gặp phải sai sót là chuyện bình thường.

* Deal của Luxstay tôi xem khá hồi hộp, vì ban đầu các Sharks khá dè chừng và dường như không có ý định đầu tư. Nhưng khi Shark Dzung xuống pitching cùng startup thì cục diện hoàn toàn xoay chuyển…

Ông Phạm Thanh Hưng: Sôi nổi hẳn đúng không? Các Shark bảo lâu lắm mới có một đối thủ xứng tầm để đấu trí (cười)
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Anh đầu tư vào Luxstay vì Shark Dzung? Vì Founder Steven? Hay vì cả hai?

Ông Phạm Thanh Hưng: Cả hai. Thực ra tất cả các Shark biết trước về Luxstay. Còn lúc đấy thực sự rất bất ngờ khi Luxstay vào gọi vốn. Một nguyên tắc của chương trình là chúng tôi không được biết trước startup nào sẽ vào gọi vốn. Thậm chí các Shark ngồi còn đoán, nhìn mô hình sản phẩm hoặc mấy bức tranh đoán xem, hay cược xem bạn này làm gì.

Khi Steven vào chúng tôi khá ngạc nhiên, nên mới có chuyện "À, đây là người nhà… Đề nghị Shark Dzung xuống". Deal đó thực sự căng! Thực tế, có những Shark như Shark Việt thay đổi hẳn offer, từ chối quyền mua nhưng sau đó lại nhận. Mức giá cũng thế. Có 3 Shark ra deal cho nên các Shark muốn không quá chênh lệch về giá. Đó là deal khá hấp dẫn.

* Sau khi kết thúc công chiếu mùa 3, anh đã tiến hành DD và giải ngân những startup nào?

Ông Phạm Thanh Hưng: Đến thời điểm này, chúng tôi đã ký hợp đồng với Luxstay và đang làm thủ tục giải ngân. Thủ tục giải ngân Luxstay phức tạp vì là đầu tư ra nước ngoài. Luxstay là công ty đặt trụ sở tại Singapore.

Astra đã giải ngân giai đoạn 1. App của các bạn đang phát triển rất tốt. Đây cũng là startup tôi thấy khá tiềm năng. Revex cũng đã giải ngân giai đoạn 1.

Tức là 3 deal triệu USD cơ bản đã giải ngân. Còn một số deal nhỏ tôi cũng đang xem xét.

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!
Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

* Hình như anh rất tâm đắc câu "Bắt đầu công việc kinh doanh giống như lái một chiếc xe hơi". Anh có thể giải thích rõ hơn?

Ông Phạm Thanh Hưng: Điều khiển một chiếc xe hơi, đầu tiên phải xác định đích đến/mục tiêu là gì, chứ không phải lên xe rồi mới nghĩ "đi đâu nhỉ?" Để đi đến đích ấy thì chọn con đường nào? Với con đường ấy thì nên chọn phương tiện gì?

Còn đường đến đích thì có nhiều con đường, chúng ta có thể chọn con đường nào thấy thích hợp nhất. Có những con đường cao tốc – chạy nhanh nhưng lại tốn tiền phí. Có người bỏ cao tốc, chọn chạy đường cũ, bởi không mất phí, và họ không cần tốc độ nhanh.

Lựa chọn phương tiện giống như việc các bạn đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, công nghệ, và cả con người – các nguồn lực để triển khai công việc kinh doanh, và các bạn cần biết lựa chọn ở mức nào là phù hợp. Đường cao tốc thì không thể chọn phương tiện cũ rích, tốc độ chậm. Đường mòn không nên sử dụng xe quá xịn, vừa tốn kém trong đầu tư, vận hành, lại không tận dụng được hết công suất.

Shark Phạm Thanh Hưng: Có startup khi nhà đầu tư xuống tiền thì “phá cờ chơi lại”!

Sau khi lựa chọn mục tiêu, con đường, phương tiện thích hợp, đến quá trình điều khiển: Ga, số, tốc độ, đi đúng làn đường, không phạm luật… sao cho tốc độ xe ở mức nhanh nhất trong khả năng mà lại tiết kiệm xăng nhất, không hại xe. Kinh doanh cũng như vậy, sau khi xác định mục tiêu, phương cách thực hiện, nguồn lực triển khai, cuối cùng sẽ là khả năng lái xe, tức năng lực điều hành.

Có rất nhiều con đường để đi tới đích, có rất nhiều phương tiện để đi con đường đó. Thậm chí các bạn có thể đi bộ, tại sao không? Nếu các bạn không có tiền, không có xe hơi, thì đi bộ mãi cũng đến mà. Không đi bộ được thì đi nhờ.

* Người ta hay khen Shark Hưng là "bách khoa toàn thư", hiểu biết sâu rộng, kể cả trong giới người đẹp, hoa hậu… Anh thấy nhận định trên chính xác không?

Ông Phạm Thanh Hưng: Sao lại trong lĩnh vực sắc đẹp?

* Người đẹp nào từng tham gia các cuộc thi nhan sắc anh đều có thể đọc được tên…

Ông Phạm Thanh Hưng: Nhưng tôi không nhận ra Phi Thanh Vân (cười).

Chắc tình cờ thôi chứ sao tôi có thể biết hết được. Tôi không nghĩ mình là "bách khoa toàn thư" trong lĩnh vực ấy đâu. Vì bà xã tôi hay xem và hay nhắc tên, nên tôi biết thôi.

Trong màn gọi vốn triệu USD của nhà khoa học Lại Bá Ất, rất nhiều kiến thức từ trường đại học mà chính cựu sinh viên trong trường cũng "ồ" lên khi thấy anh nói về kiến thức thủy khí động lực học với công thức Betz, T trung bình, góc alpha... Làm sao anh nhớ được cả kiến thức từ thời đi học như vậy?

Ông Phạm Thanh Hưng: Tôi nhớ được cả những bài thơ học từ cấp 1, cả bài lịch sử, văn, thơ từ cấp 1. Tôi không rõ có phải do thiên bẩm hay không, nhưng tất cả kiến thức đó tôi thường xuyên tìm hiểu. Tôi luôn đặt câu hỏi "Tại sao" với các vấn đề xảy ra. Ví như chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, tôi sẽ tìm hiểu xem bụi mịn là gì? Từ đâu ra? Bao nhiêu nguyên nhân sinh ra bụi mịn? Ngoài bụi mịn còn bụi siêu mịn và siêu siêu mịn hay không?

Mỗi lĩnh vực tôi đều tự đặt câu hỏi như vậy. Khi mọi thứ đã có trên Internet thì vấn đề của mình là đặt câu hỏi thôi. Cá nhân tôi thứ nhất là trước nay gần như không bao giờ chơi game. Tôi thấy đó là một trò vô bổ.

Thứ nữa, tôi rất hạn chế đọc các tin "xã hội", về nhân vật này, nhân vật nọ. Nếu đọc tin, tôi hay đọc tin về kinh tế, chính trị. Thể thao cũng không đọc nhiều lắm.

Nhưng tất cả vấn đề liên quan đến kiến thức thì mình rất thích thú.

* Xin cảm ơn anh!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả