Sếp quỹ tiền số 10 tỷ USD lần đầu lên tiếng sau thảm họa
Hai nhà sáng lập của Three Arrows Capital đã xuất hiện trở lại sau 5 tuần im hơi lặng tiếng. Dù hai người từ chối tiết lộ nơi ở hiện tại, một luật sư trò chuyện với họ cho hay điểm đến mới nhất của họ là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Su Zhu và Kyle Davies, đều 35 tuổi, là những người đứng đầu quỹ tiền số Three Arrows Capital (3AC). Dù có thời điểm quỹ này quản lý khối tài sản lên đến 10 tỷ USD, nhưng sự sụp đổ nhanh chóng khiến cả hai phải chạy trốn.
Tại một địa điểm bí mật, Su Zhu và Kyle Davies thừa nhận vụ việc có tác động rộng rãi lên thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh bản thân đã chịu tổn thất nặng nề và không hề rút tiền khỏi 3AC trước khi quỹ sụp đổ.
"Mọi người có thể nói chúng tôi ngu ngốc hoặc ảo tưởng. Tôi chấp nhận điều đó. Nhưng nếu họ cho rằng tôi rút tiền khỏi quỹ vào phút chót, thì điều đó không đúng sự thật", Zhu chia sẻ.
Hai nhà sáng lập là bạn từ thời trung học. Sau này, họ cùng nhau gây dựng quỹ Three Arrows Capital (3AC) thành một tập đoàn tiền số lớn trước khi quỹ phá sản và làm rung chuyển toàn thị trường.
Ngày 8/7, cố vấn phụ trách thanh lý quỹ cho hay Zhu và Davies không hợp tác với họ và không rõ tung tích của những người sáng lập. Theo Zhu, họ buộc phải bỏ trốn do bị đe dọa đến tính mạng. Đồng thời, nhà sáng lập khẳng định họ vẫn giữ liên lạc với các cơ quan có liên quan từ những ngày đầu sự cố.
Dù hai người từ chối tiết lộ nơi ở hiện tại, một luật sư trò chuyện với họ cho hay điểm đến mới nhất của họ là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là khu vực nổi tiếng cởi mở với tiền số.
Cũng trong cuộc gọi, hai nhà sáng lập trình bày chi tiết chuỗi sự kiện khiến 3AC vỡ nợ. "Câu chuyện rất đáng buồn. Mọi người đã mất rất nhiều tiền", Davies chia sẻ.
Đòn bẩy tài chính sai lầm
Gần đây, các chủ nợ của quỹ đã đệ đơn lên Quần đảo Virgin (Anh). Hồ sơ tòa án cho thấy Davies và Zhu đang nợ hơn 2,8 tỷ USD và con số dự kiến vẫn còn tăng. Đến nay, các nhà thanh lý đã giành quyền kiểm soát tài sản trị giá ít nhất 40 triệu USD.
Bên cạnh đó, họ khẳng định mình không phải là những người duy nhất làm như vậy. Các khoản vay mượn dây chuyền đã dẫn đến sự lung lay của hàng loạt công ty cho vay như Celsius Network, Voyager Digital và BlockFi.
"Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi và những công ty kiểu này đều gặp phải vấn đề. Chúng tôi có vốn riêng, bảng cân đối kế toán riêng. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận tiền gửi từ những nhà cho vay khác rồi tạo ra lợi nhuận từ họ", Zhu nhận xét.
Những lời xoa dịu của Zhu và Davies dường như trái ngược với cáo buộc của các nhà đầu tư. Cách đây vài ngày, hàng loạt chủ nợ của 3AC tuyên bố hai nhà sáng lập đã đặt mua trước một du thuyền trị giá 50 triệu USD bằng chính các khoản vay.
Đáp lại, Zhu cho biết con thuyền “đã được mua hơn một năm trước và ủy quyền đóng cũng như sử dụng ở châu Âu”. Ngoài ra, Zhu bác bỏ nhận định mình thích lối sống xa hoa. Nhà sáng lập khẳng định mình đạp xe đi làm mỗi ngày và “chỉ có 2 căn nhà ở Singapore”.
Ảnh hưởng từ thảm họa LUNA
Davies và Zhu thừa nhận khoản lỗ nặng nề liên quan đến giao dịch LUNA và stablecoin thuật toán TerraUSD. Họ hoàn toàn không kịp trở tay trước tốc độ sụp đổ của hai token này.
"Chúng tôi không nhận ra LUNA sẽ giảm về 0 chỉ trong vài ngày. Sự kiện này siết chặt tín dụng toàn ngành, gây áp lực đáng kể lên những vị thế kém thanh khoản của chúng tôi", Zhu nói
Khi nhìn lại, Zhu nhận ra công ty có thể đã quá thân thiết với Do Kwon, nhà sáng lập của Terra.
“Chúng tôi biết đến Do Kwon với tư cách cá nhân khi anh ấy chuyển đến Singapore. Và chúng tôi cảm thấy dự án sẽ đạt được những thành tựu lớn", Zhu đề cập đến sai lầm của công ty.
Không dừng lại ở đó, 3AC tiếp tục trượt dài khi đặt lòng tin vào đồng stETH. Theo lý thuyết, stETH được neo (peg) giá tương đương với ETH. Tuy nhiên, dù bản nâng cấp Ethereum 2.0 còn chưa kịp có hiệu lực, thị trường hoảng loạn sau thảm họa LUNA đã đẩy giá stETH liên tục lao dốc.
Dẫu đương đầu với khó khăn lớn, quỹ đã kịp bán gấp stETH để mua ETH. Quỹ vẫn có thể tiếp tục nhận tiền từ những nhà cho vay lớn và các nhà đầu tư giàu có. Sau vụ việc của LUNA, Zhu cho hay những người cho vay “cảm thấy thoải mái” với tình hình tài chính của 3AC. Theo hồ sơ tòa án, nhiều khoản vay thậm chí chỉ yêu cầu một lượng tài sản thế chấp rất nhỏ.
“Vì vậy, trong suốt thời gian đó, chúng tôi vẫn tiếp tục kinh doanh như bình thường. Nhưng rồi một ngày, Bitcoin giảm từ 30.000 USD xuống 20.000 USD. Bạn biết đấy, điều đó đã để lại thiệt hại lớn với chúng tôi", Zhu kể lại.
Một giao dịch tăng giá khác "phản bội" 3AC là Grayscale Bitcoin Trust (GBTC).
Grayscale cho phép các nhà đầu tư lớn như 3AC mua cổ phiếu trực tiếp bằng cách gửi Bitcoin cho quỹ tín thác. Những người nắm giữ GBTC có thể bán cổ phiếu ra thị trường thứ cấp. Cuối năm 2020, 3AC là công ty nắm giữ GBTC lớn nhất với giá trị lên đến 1 tỷ USD. Dù vậy, loại tài sản này nhanh chóng mất giá trước sức cạnh tranh của những tài sản tương tự.
Lợi nhuận đi đôi với rủi ro
Zhu cho hay hai nhà sáng lập đã tự tin thái quá do đi qua thị trường tăng giá kéo dài. Hậu quả không chỉ tác động đến Zhu và Davies mà còn bao trùm lên gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng tín dụng của ngành tiền mã hóa.
"Phải hiểu rõ nơi bản thân đang dấn thân vào. Nếu bạn truy cập vào trang web của chúng tôi, bạn sẽ thấy tuyên bố miễn trừ trách nhiệm về rủi ro tiền số. Chúng tôi chưa bao giờ tự khẳng định mình không có rủi ro", Zhu chia sẻ.
Anh nói thêm, khi thị trường tiền số lần đầu lung lay vào tháng 5, họ "luôn đáp ứng lệnh gọi ký quỹ". Do đó, mọi người sẽ nhận thấy có rủi ro liên quan.
Khép lại buổi trò chuyện, hai nhà sáng lập bắt đầu quá cảnh sang Dubai. Zhu hy vọng có thể tuần tự thanh lý số tài sản của họ theo đúng quy trình.
"Hiện tại, mọi thứ đang rất trôi chảy. Công việc chính là hỗ trợ đền bù cho các chủ nợ", Zhu tiết lộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận