Sẽ sửa điều kiện nhận hỗ trợ gói 62.000 tỉ
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đang được dự thảo sửa đổi theo hướng giảm bớt các điều kiện, để người dân dễ tiếp cận.
Ông Lê Quân, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc hiện vẫn còn ít doanh nghiệp, người lao động được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Ông Quân nói:
- Gói hỗ trợ an sinh theo nghị quyết 42 của Chính phủ đến nay đã phê duyệt hỗ trợ cho khoảng 16 triệu người, với tổng kinh phí chi hỗ trợ trên 17.500 tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã giải ngân 10.500 tỉ đồng để hỗ trợ cho trên 10 triệu người và trên 2.600 hộ kinh doanh.
Nhiều địa phương quá thận trọng, cầu toàn
* Thực tế, số lượng người chưa được nhận vẫn còn khá lớn?
- Qua triển khai, một số tỉnh, thành phố (TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Quảng Ninh...) đã chủ động tạm ứng ngân sách, mở rộng chi trả tới gần 18.000 đối tượng khác không có trong chính sách.
Tuy nhiên đến thời điểm này, cũng có một số nhóm đối tượng vẫn chưa tiếp cận được nên việc hỗ trợ được rất ít.
Cụ thể, với nhóm đối tượng là hộ kinh doanh, số lượng hộ kinh doanh kê khai nhận chính sách rất ít. Hiện mới có gần 18.000 hộ kinh doanh được cơ quan thuế thẩm tra và mới chi trả cho gần 3.000 hộ...
* Không chỉ số hộ kinh doanh kê khai để nhận hỗ trợ ít, số doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn để trả lương cho người lao động cũng ít. Vì sao vậy, thưa ông?
- Đúng là vẫn còn một số trường hợp tại các địa phương đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ, do họ không có mặt tại địa phương, hoặc trùng lặp, cần rà soát kỹ.
Thậm chí một số địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện.
Một số địa phương triển khai chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát do quá thận trọng, cầu toàn dẫn đến việc hỗ trợ đối tượng chưa kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ, nhất là với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
Với hỗ trợ hộ kinh doanh, do hầu hết hộ kinh doanh không kê khai thuế nên không đủ điều kiện làm hồ sơ. Nhiều hộ kinh doanh không kê khai vì lo ngại sau này sẽ bị kê khai nộp thuế nhiều lên...
Còn nhóm doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đúng là rất ít doanh nghiệp làm thủ tục. Nhiều doanh nghiệp cho rằng gói vay này bị bó buộc chặt về mục đích sử dụng nên không hấp dẫn (chỉ để trả lương cho người ngừng việc và tiền giải ngân trực tiếp đến người ngừng việc).
Khảo sát cho thấy doanh nghiệp nếu quá khó khăn về tài chính sẽ cho lao động nghỉ việc chứ không vay để trả lương ngừng việc. Riêng tháng 5-2020 có 131.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhóm đối tượng thứ ba chưa có nhiều lao động tiếp cận được hỗ trợ là số người lao động có hợp đồng phải ngừng việc (sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng). Gói này điều kiện là doanh nghiệp phải chứng minh không có tiền để trả lương ngừng việc.
Sửa để đơn giản hóa điều kiện
* Bộ có giảm các điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ?
- Với người lao động, cần nhắc lại chính sách chỉ hỗ trợ cho người lao động bị mất việc mà có mức sống thấp hơn mức sống tối thiểu, chứ không phải hỗ trợ cho tất cả lao động mất việc hoặc ngừng việc.
Trước những vướng mắc trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp các bộ ngành dự thảo sửa đổi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo hướng giảm bớt các điều kiện.
Ví dụ, doanh nghiệp không cần chứng minh về mất cân đối quỹ lương khi vay vốn mà chỉ cần sụt giảm doanh thu. Với người lao động ngừng việc do COVID-19 (được hỗ trợ 1,8 triệu đồng), bộ đề xuất bỏ tiêu chí "hỗ trợ khi doanh nghiệp không có doanh thu"...
Số người ngừng việc, mất việc sẽ tăng
* Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đặt thời hạn khi nào sẽ kết thúc việc hỗ trợ hay cứ dây dưa kéo dài?
- Gói hỗ trợ có thời hạn từ tháng 4 đến hết tháng 6. Đây là gói cứu trợ trong dịch. Bộ đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung cao độ để triển khai thực hiện gói hỗ trợ này, bảo đảm việc chi trả hoàn thành xong cho tất cả các nhóm đối tượng trong tháng 7-2020.
Nhiều dự báo số lượng người lao động ngừng việc và mất việc có xu hướng tăng nhẹ trong quý 3. Do đó, cần tiếp tục làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bộ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính để sử dụng hiệu quả nhất Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (hiện kết dư hơn 80.000 tỉ đồng) để hỗ trợ người mất việc, hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm...
Là số tiền chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm đến nay. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5-2020 là gần 344.000 người (tăng 19% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019).
Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH
Một số kết quả việc hỗ trợ
Tính đến ngày 10-6, cả nước đã hỗ trợ gần 47.000 người lao động với kinh phí trên 50 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 12-6, số hộ kinh doanh do UBND cấp xã gửi chi cục thuế đề nghị thẩm định là trên 26.000 hộ. Kết quả xem xét, gần 20.000 hộ thuộc diện được hỗ trợ.
Gần 1.400 đơn vị sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho trên 121.000 lao động với tổng kinh phí gần 436 tỉ đồng.
TS Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội):
Hỗ trợ mức tối thiểu chung cho người lao động tự do
Việc chi trả cho những người mất việc, giảm thu nhập do COVID-19 cần xem lại về phương thức hỗ trợ. Người đã đóng thuế, hệ thống thuế sẽ thể hiện thu nhập giảm, từ đó hỗ trợ cho họ. Với người chưa nộp thuế (như giúp việc, cắt tóc, tiểu thương, bán hàng rong… - PV) thì nên áp dụng biện pháp hỗ trợ bình quân như các nước đã làm. Cứ giảm sâu thu nhập thì được hỗ trợ. Người dân có thể sử dụng khai báo điện tử.
Thủ tục còn phức tạp như hiện nay, chính sách không thể đi vào cuộc sống. Đa số những người lao động mất việc, giảm thu nhập là di cư. Nếu họ phải về địa phương hoặc nơi họ cư trú xin xác nhận thì rất phiền toái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận