menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Ngọc

Sẽ siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook?

Bộ TT-TT đề xuất các mạng xã hội xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận khiếu nại ở Việt Nam. Đặc biệt, chỉ cấp phép livestream hoặc bật kênh kiếm tiền cho các kênh từ 10.000 người theo dõi đăng ký với Bộ.

Đây là động thái mới nhất về quản lý hoạt động livestream, kiếm tiền trên các kênh online YouTube, Facebook được Bộ TT-TT đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet.

Theo Bộ TT-TT, từ thời điểm Nghị định 72 được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng đã mở rộng đa dạng hơn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram…

Tuy nhiên, hoạt động này sau một thời gian đã bộc lộ những bất cập, những khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện.

Theo đó, Bộ TT-TT đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tuân thủ những quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng…

Cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Người dùng có quyền khởi kiện

Bộ TT-TT cũng đề xuất, các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 10.000 lượng người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT-TT và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Các dịch vụ xuyên biên giới cũng phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam.

Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh đến quyền của người sử dụng tại Việt Nam. Người sử dụng có quyền thông báo vi phạm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý và khởi kiện nếu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nội dung vi phạm thuộc phạm vi, chuyên ngành quản lý và chuyển Bộ TT-TT là đầu mối yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Ngoài ra, Bộ TT-TT đề xuất bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam như: phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Tạm khóa, xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát những tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam.

Ngoài ra, các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh, tài khoản đã thông báo với Bộ TT-TT mới được cung cấp dịch vụ phát trực tuyến (livestream) và dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu có trách nhiệm thực hiện biện pháp ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của Bộ TT-TT trong thời gian 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Mạng xã hội ngoại chiếm ưu thế

Bộ TT-TT cũng cho biết, các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok đang chiếm ưu thế so với mạng xã hội trong nước.

Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến hết tháng 6, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.

Tuy nhiên, các mạng xã hội này chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức livestream nhằm cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật.

Do đó, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh. Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại