menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ly Na

Sẽ quản lý hiệu quả hơn hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Tình trạng khai thác khoáng sản ở một số địa bàn vẫn còn gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. 

Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu xây dựng và đô thị hóa; Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, thì hoạt động này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực…

Ngày 12/1, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1626/QĐ-TTg ngày 25/12/ 2023).

TIỀM NĂNG KHOÁNG SẢN LỚN NHƯNG KHAI THÁC CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết tiềm năng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Việt Nam tương đối lớn, phân bổ rộng ở nhiều tỉnh, thành.

Ví như về khoáng sản làm xi măng, hiện có hơn 327 khu vực đá vôi đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên trữ lượng ước hơn 31 tỷ tấn, 294 khu vực sét, đá sét đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên trữ lượng ước hơn 8,4 tỷ tấn và 167 khu vực nguyên liệu phụ gia các loại đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên, trữ lượng ước gần 2,4 tỷ tấn; Số khu vực khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ đã được thăm dò, khảo sát trên phạm vi toàn quốc là 426 khu vực, tổng tài nguyên, trữ lượng khoảng gần 22 tỷ m3 đá.

Tính đến ngày 31/12/2021, tại 44/63 tỉnh, thành phố có khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ khoáng sản. Trên cả nước có 308 giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đang còn hiệu lực với tổng diện tích đã cấp phép các loại khoáng sản là 13,625 ha với tổng trữ lượng đã được cấp phép đưa vào khai thác là 4.382,8 triệu tấn…

Về cơ sở pháp lý, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã được tổng hợp và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tại 03 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, thời điểm lập quy hoạch trước đây, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện còn hạn chế nên một số thông tin về vị trí, tọa độ, diện tích, địa danh và tiềm năng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chưa đầy đủ và chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản.

Diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây cũng không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác. Tình trạng khai thác khoáng sản ở một số địa bàn vẫn còn gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó, thực tế, quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản thường chiếm dụng một lượng lớn tài nguyên đất trong thời gian dài nhưng sau khi kết thúc khai thác, việc hoàn phục khu vực khai thác thường không được quan tâm đúng mức, dẫn đến các khu vực đã khai thác không sử dụng được cho các mục đích khác trong thời gian dài. Việc chiếm dụng đất có thể phải lấy đến đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp hoặc đất quy hoạch cơ sở hạ tầng nên làm thu hẹp diện tích đất khác và việc chiếm dụng đất còn tác động, làm thay đổi chất lượng đất theo chiều hướng tiêu cực.

Ở một số khu vực sản xuất vật liệu xây dựng, do rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất không được thu gom và xử lý kịp thời gây nên ô nhiễm môi trường. Chưa kể, việc khai thác các mỏ đá vôi, đá sét bằng phương pháp lộ thiên, sử dụng công nghệ khoan, nổ mìn… còn tạo thành những khu vực địa hình trũng, địa hình âm, địa hình lồi lõm, làm mất kết nối với địa hình nguyên thủy xung quanh. Các công đoạn chính trong quá trình khai thác và chế biến có thể làm phát sinh một số tác nhân gây ô nhiễm như tiếng ồn, bụi, nước thải, chất thải rắn, thậm chí có thể gây ra các nguy cơ sạt lở núi...

Sẽ quản lý hiệu quả hơn hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Ngoài ra, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện nhưng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng cao lanh, đá cảnh, khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình; và khai thác vật liệu xây dựng thông thường (san lấp) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc...

QUY HOẠCH CỤ THỂ KHOÁNG SẢN CHO TỪNG LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Nói về quy hoạch này, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định của Luật Quy hoạch, nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực sử dụng tài nguyên thuộc đối tượng phải lập lại theo quy định mới với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 30-50 năm.

Trên cơ sở tiềm năng tài nguyên khoáng sản đã điều tra, đánh giá và hiện trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, quy hoạch lần này đã phân tích các kịch bản phát triển, dự báo nhu cầu để xây dựng phương án quy hoạch nhằm khoanh định các khu vực khoáng sản đưa vào thăm dò - khai thác thời kỳ 2021-2030 và định hướng cho giai đoạn tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đã quy hoạch thăm dò 518 khu vực khoáng sản giai đoạn 2021-2030 và 177 khu vực khoáng sản giai đoạn tầm nhìn đến 2050; quy hoạch khai thác 774 khu vực giai đoạn 2021-2030 và 931 khu vực giai đoạn tầm nhìn đến 2050. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.

Sẽ quản lý hiệu quả hơn hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

"Bản quy hoạch lần này đã quy hoạch cụ thể khoáng sản cho từng loại vật liệu xây dựng, xác định rõ số lượng, trữ lượng..., chi tiết đến từng địa phương. Tại quy hoạch, tất cả các khu vực khoáng sản đều được khoanh định tọa độ khép góc, xác định cụ thể diện tích, dự kiến tài nguyên, trữ lượng và công suất khai thác để thuận lợi cho công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; đồng thời được sắp xếp khoa học theo danh mục từng địa phương ở 06 vùng kinh tế cho từng loại khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, tra cứu và cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện quy hoạch sau này", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá..

Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, phạm vi ranh giới của quy hoạch được lập cho tất cả các nhóm/loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản) trên diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa. Trên cơ sở đó, khoanh định cụ thể các khu vực khoáng sản để đưa vào thăm dò, khai thác, chế biến nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng theo các giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch cũng đã giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của quy hoạch thời kỳ trước, đặc biệt là việc giao thoa, chồng lấn giữa các khu vực/mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng với các quy hoạch/dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại