Sẽ nới room ngoại cho nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu trên sàn niêm yết?
Trong tờ trình Bộ Công Thương trình Chính phủ vào cuối tháng 3, Bộ đã kiến nghị bỏ nội dung quy định mức trần chuyển nhượng 35% cổ phần tại các doanh nghiệp xăng dầu cho các thương nhân nước ngoài...
Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu đã thoát đáy và tạo một nền mới khá vững chắc. Điển hình là cổ phiếu BSR - Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn cán mốc từ vùng đáy lên 19.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu OIL - Tổng Công ty Hoá dầu cán mốc 14.300 đồng/cổ phiếu, PLX- Tổng Công ty Petrolimex cán mốc 53.000 đồng/cổ phiếu…
Báo cáo Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, động lực tăng giá nhóm cổ phiếu ngành dầu là do giá dầu thô. Cụ thể, giá dầu thô Brent đã vượt mốc 70 USD/thùng vào ngày 1/6/2021, đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2019. Giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ trong thời gian gần đây do triển vọng về nhu cầu năng lượng năng vào mùa hè tăng, nhất là khi các quốc gia phát triển đang mở cửa trở lại sau khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi, trong khi chỉ số sản xuất tiếp tục thể hiện mức phục hồi tốt tại Trung Quốc.
Mới đây OPEC cũng đã giữ nguyên lộ trình cắt giảm sản lượng như tổ chức này đã quyết định hồi tháng 4/2021, theo đó, OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng khoảng 2,1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7. Kết quả cuộc họp khá phù hợp với kỳ vọng của thị trường trước đó, và điều này cũng phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong những tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, động lực tăng giá của cổ phiếu nhóm xăng dầu sẽ còn tăng mạnhtrong những tháng cuối năm, bởi Bộ Công thương đã có tờ trình về nội dung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, kiến nghị tới Chính phủ liên quan đến việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào thị trường.
Cho đến thời điểm này, tại những doanh nghiệp đầu ngành, tỷ lệ đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế mặc dù các tổ chức vô cùng mong đợi được tăng góp vốn. Hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bán cho NĐTNN 20% cổ phần; Tỉ lệ tham gia của nước ngoài vào Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 35%; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn là 49%...Đây đều là những doanh nghiệp kinh doanh rất hiệu quả.
Riêng BSR đã công bố số ước tình hình kinh doanh quý 1/2021 với tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ đạt 1,56 triệu tấn, vượt 2,9 % kế hoạch quý. Tương ứng, doanh thu ghi nhận gần 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.803 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 2.245 tỷ đồng.
Năm 2021, BSR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.661 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng, dựa trên kịch bản giá dầu 45 USD/thùng. Song, nhu cầu đang dần cải thiện do dịch COVID-19 dần được kiểm soát, thậm chí nhu cầu nhận dầu diesel và xăng ở mức cao đang đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại. Tính đến cuối tháng 3, giá dầu Brent tăng chạm mốc 70 USD/thùng, giúp công tác sản xuất kinh doanh BSR có nhiều thuận lợi.
Năm 2021, BSR đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 70.661 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng, dựa trên kịch bản giá dầu 45 USD/thùng. Dự báo giá dầu tăng sẽ giúp BSR điều chỉnh kế hoạch tăng.
Theo Bộ Công Thương, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính, qua đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
Ông Nguyễn Hữu Đạt - Nhà đầu tư sàn MBS, cho rằng nới room cho phép doanh nghiệp xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nước ngoài là phù hợp với thực tế từ nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước. Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Công thương cần cân nhắc lợi ích của việc mở cửa cho NĐTNN mua cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên sàn niêm yết. Việc mở cửa thị trường xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh…
Cũng theo Bộ Công thương, việc quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp song vẫn hạn chế được mức độ can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, là xu hướng chung tương tự các thị trường xăng dầu đã mở cửa của Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản,...
Do đó, Bộ Công Thương cũng nêu rõ: Trường hợp Thủ tướng Chính phủ thấy nội dung "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%" cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm, Bộ kiến nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Như vậy, tới đây, nếu Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 chính thức được thông qua bao gồm kiến nghị của Bộ Công Thương, thì đây chính là cơ hội để thị trường chuyển nhượng vốn các doanh nghiệp kinh doanh ngành xăng dầu sẽ sôi động hơn; cổ phiếu ngành xăng dầu cũng sẽ có điều kiện chinh phục những đỉnh cao mới…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận