24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sẽ không ghi 'xuất xứ Việt Nam'

Việc lợi dụng nhãn mác, cách ghi xuất xứ sản xuất tại Việt Nam để trục lợi đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng, mất uy tín đối với hàng Việt và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - đã khẳng định như vậy ở buổi trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội, ngành hàng tại TP.HCM về dự thảo thông tư "Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam" được tổ chức sáng 21-9.

Giả mạo xuất xứ Việt Nam để trục lợi

Trao đổi tại buổi nói chuyện, ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết khoảng 10 năm trước, khi uy tín của hàng Việt Nam chưa cao, nếu ghi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ không mang lại giá trị về mặt tiếp thị, thậm chí phản tác dụng.

Nhưng những năm gần đây, việc gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam đã mang lại giá trị tiếp thị tốt, doanh nghiệp không còn ngại dán nhãn hàng Việt, thậm chí dù không phải hàng Việt Nam nhưng cũng có doanh nghiệp giả mạo, dán nhãn "sản xuất tại Việt Nam" để dễ bán.

"Năm năm trở lại đây, hàng Việt đã có sự phát triển vượt bậc, uy tín được nâng cao, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nên dẫn đến một vài vụ tiêu cực, sản phẩm ghi "sản xuất tại Việt Nam" nhưng thực tế không phải như thế" - ông Khánh nói, đồng thời cho rằng người tiêu dùng có quyền được thông tin trung thực về sản phẩm mà mình mua.

Và từ một số vụ việc tiêu cực liên quan đến việc sản phẩm giả mạo xuất xứ Việt Nam, thực tế phát sinh nhu cầu cần phải hiểu như thế nào là hàng hóa của Việt Nam, thế nào là sản xuất tại Việt Nam..., Bộ Công thương nhận thấy cần phải có quy định để các doanh nghiệp chân chính tự tin khi gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam vào sản phẩm của mình.

Cũng theo ông Khánh, thông tư này hướng đến nhiều mục tiêu như bảo vệ uy tín cho hàng Việt Nam, những mặt hàng chất lượng tốt, sản xuất tại Việt Nam cũng như bảo vệ quyền được thông tin chính xác của người tiêu dùng đối với sản phẩm, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và giảm hành vi cạnh tranh không lành mạnh. "Không thể để cho bất cứ người nào cũng sử dụng mác "sản xuất tại Việt Nam" để dán lên một mặt hàng nào đó không phải sản xuất tại Việt Nam" - ông Khánh khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác, cách ghi xuất xứ sản xuất tại Việt Nam để trục lợi dẫn đến nhiều hệ lụy. "Điều này sẽ gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng, mất uy tín đối với hàng Việt và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với nhau cũng như doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài" - ông Hải nói.

Không phải công cụ để kiểm tra doanh nghiệp

Cũng tại buổi trao đổi, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, thừa nhận việc ban hành thông tư sẽ có tác động tích cực đối với doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp có thương hiệu, sản xuất hàng hóa rõ ràng, minh bạch, khẳng định được hàng hóa của mình. Tuy nhiên, khi kiểm tra doanh nghiệp về việc thực hiện thông tư này, các cơ quan chức năng phải đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng các quy định tại thông tư này chỉ được sử dụng như một công cụ để phân xử khi có chuyện xảy ra, chứ không nên sử dụng như một công cụ để đi vào kiểm tra doanh nghiệp. Dẫn trường hợp Khaisilk, ông Khánh cho rằng đối chiếu với các quy định của thông tư để khẳng định Khaisilk sai.

"Không nên sử dụng thông tư này để can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp bằng cách đến kiểm tra có dán nhãn đúng hay không" - ông Khánh nói và cam kết khi hoàn thiện thông tư sẽ làm rõ hơn vấn đề này, đồng thời cho biết Nhà nước sẽ không tổ chức cấp xác nhận, thay vào đó sẽ đề cao tính tự giác của doanh nghiệp, việc thực thi thông tư này sẽ không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dưng - chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM - bày tỏ băn khoăn rằng việc nhập khẩu vàng, dập thành vàng miếng, đóng logo thương hiệu liệu có được xem là hàng Việt Nam? Hay việc sản xuất, chế tác vàng nhập khẩu bởi các người chế tác VN thì được quy định ra sao nếu thông tư này áp dụng?

Khẳng định việc ban hành quy định về xuất xứ hàng hóa nội địa là một điều hơi muộn nhưng còn hơn không, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết các nước phát triển cũng đau đầu về quy tắc xuất xứ bởi mỗi nước có một quy tắc khác nhau.

Chẳng hạn, Thụy Sĩ quy định xuất xứ chiếc đồng hồ của quốc gia này là nội địa hóa phải trên 70-80% và công đoạn cuối cùng phải ở Thụy Sĩ. Mỹ cũng có những quy định xuất xứ mà Việt Nam không thể theo được, ví dụ một cái lò nướng phải sản xuất nội địa 90% mới được ghi "Made in USA".

Theo chia sẻ của ông Vũ Anh Tuấn - tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, có những doanh nghiệp Việt làm được những chiếc máy thương hiệu Việt nhưng sử dụng cụm từ "lắp ráp tại Việt Nam" thay vì dán nhãn sản xuất tại Việt Nam, bởi các sản phẩm này sử dụng phần lớn linh kiện nhập khẩu.

Sẽ không ghi "xuất xứ Việt Nam"

Sẽ không ghi 'xuất xứ Việt Nam'

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh (giữa) trao đổi với các doanh nghiệp TP.HCM vào sáng 21-9 về quy định xuất xứ hàng hóa - Ảnh: N.HIỂN

Chia sẻ tại buổi trao đổi, ông Trần Quốc Khánh cho biết thông tư này không cho phép doanh nghiệp sử dụng cụm từ "xuất xứ Việt Nam" để ghi lên bao bì sản phẩm, bởi đây là khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn.

"Một sản phẩm đáp ứng xuất xứ chưa chắc là một sản phẩm được xem là sản xuất tại Việt Nam, chưa kể nhiều trường hợp dù nước ngoài đã thừa nhận là sản phẩm "xuất xứ Việt Nam" nhưng chưa chắc đã là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy định của thông tư này" - ông Khánh nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Thay vì sử dụng cụm từ "Made in Vietnam", các doanh nghiệp phải sử dụng một trong các thuật ngữ như sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam, hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam...

Nếu muốn sử dụng cụm từ "Made in Vietnam" hoặc các thứ tiếng khác với nghĩa tương đương, trước hết phải có cụm từ với nội dung thể hiện xuất xứ bằng tiếng Việt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả