Sẽ huy động khoảng 2.602.312 tỷ đồng để thực hiện Chương trình nông thôn mới
Tiếp tục phiên họp thứ 58, chiều nay (13/7) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình này được thực hiện quy định của Luật Đầu tư công.
Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh; Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phải cơ bản hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; những địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.
Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ở cấp huyện, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới,
Ở cấp tỉnh, phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Còn ở cấp thôn: Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.
Chương trình giai đoạn 2021-2025, được thiết kế với 11 nội dung thành phần, trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, nội dung, nhiệm vụ thực hiện được điều chỉnh, bổ sung theo hướng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của đất nước, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Sẽ huy động khoảng 2.602.312 tỷ đồng để thực hiện Chương trình
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để hoàn thành được đầy đủ các mục tiêu hỗ trợ các xã, huyện chưa đạt chuẩn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, những xã, huyện đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới xây dựng nông thôn mới “toàn diện, đi vào chiều sâu và bền vững” giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV…
Đồng thời, để giảm bớt áp lực cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là những địa phương còn khó khăn, nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đa số các thành viên Chính phủ đều nhất trí với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải bố trí cho Chương trình khoảng 51.500 tỷ đồng (bao gồm: 38.845 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 12.655 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021-2025 mới bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình: Dự kiến khoảng 2.602.312 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,5%); vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 302.000 tỷ đồng (chiếm 11,6%); vốn lồng ghép từ 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn dự kiến khoảng 224.080 tỷ đồng (chiếm 8,6%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 1.790.000 tỷ đồng (chiếm 68,8%); vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác dự kiến khoảng 115.800 tỷ đồng (chiếm 4,5%). Huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư (tiền bạc, ngày công, đóng góp vật liệu xây dựng…) dự kiến khoảng 130.800 tỷ đồng (chiếm 5%).
Trước trình hình khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 51.500 tỷ đồng (bao gồm: 38.850 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 12.650 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển tăng 8.850 tỷ đồng, vốn sự nghiệp tăng 3.018 tỷ đồng) so với phương án của Hội đồng thẩm định Nhà nước để hỗ trợ các địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 5,6%;... Cùng với quá trình triển khai, nhận thức và năng lực thực hiện chương trình của cán bộ cơ sở được nâng cao, những hạn chế, vướng mắc từng bước được khắc phục.
Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (62,4%) so với mục tiêu được Đảng và Nhà nước giao. Sau khi rà soát lại các xã đã sáp nhập theo Nghị quyết của Quốc hội, đến tháng 5/2021, cả nước có 5.298/8.267 xã (64,1%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã; Có 192 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 28,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); Có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận