Sẽ đầu tư mới 600 nhà chờ xe buýt và chốt lộ trình tăng phí cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Hà Nội: Đầu tư mới 600 nhà chờ xe buýt theo hình thức đối tác công – tư; Chính phủ được tự chọn nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 sân bay Long Thành; Tỉnh Tiền Giang chốt mức phí và lộ trình tăng phí cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận;
Chật vật gom vốn đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sớm xem xét phương án điều chỉnh quy mô đầu tư, phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với phân đoạn cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Theo đó, do khó khăn trong việc huy động vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B thuộc TP. Lạng Sơn), dài 27,3 km sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17,5 m. Đối với đoạn từ Km17+420 (TP. Lạng Sơn) đến Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) dài 15,7 km trong giai đoạn trước mắt sẽ chỉ xây dựng theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,5 m.
Để thuận tiện nâng cấp toàn đoạn đường cao tốc lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh trong giai đoạn sau, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường dài 43 km với quy mô nền đường rộng 22 m.
Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư phân đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ còn 5.947 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư là 1.600 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bỏ ra 1.000 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.347 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại khoảng 2.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cam kết tài trợ số tiền này.
Cần phải nói thêm, phương án đầu tư mới này rõ ràng thấp hơn nhiều so quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn mà UBND tỉnh Lạng Sơn theo đuổi khi nhận Dự án từ Bộ GTVT hồi đầu năm 2018 và sẽ giúp sớm thông xe toàn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tới được cửa khẩu Hữu Nghị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khu vực.
“Kinh phí đầu tư Dự án chỉ còn khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay trong việc huy động vay vốn tín dụng (đảm bảo hạn mức vay của ngân hàng cấp tín dụng), cũng như cân đối vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm chủ trì, đề xuất phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, tháo gỡ khó khăn cho Dự án.
Được biết, ngoài phương án được lựa chọn nói trên, trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã từng cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 8.310 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư cam kết góp 1.750 tỷ đồng, ngân hàng thương mại cho vay 3.400 tỷ đồng, ngân sách nhà nước tham gia 3.160 tỷ đồng.
Trong công văn gửi Thủ tướng vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi (xây dựng cơ bản, chi khác), tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, các nguồn vốn hợp pháp khác... để tham gia Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án thành phần II) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo lộ trình đầu tư, vận hành khai thác Dự án, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, phương án này có kinh phí đầu tư xây dựng vượt quá khả năng của địa phương về huy động vay vốn tín dụng, cân đối hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện nay để hoàn thành Dự án.
Tháng 10/2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã có văn bản chính thức gửi nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn về việc không tiếp tục thu xếp cho vay đối với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do hạn mức tín dụng cấp cho dự án BOT bị hạn chế và đang phải tập trung thu xếp vốn cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Giải ngân vốn FDI 2019 tiếp tục tăng tốc
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được gần 31,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp cho mức tăng trưởng khá khiêm tốn này chủ yếu là nhờ khoản vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng, đầu tư góp vốn, mua cổ phần đạt 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó, cả vốn cấp mới và tăng thêm đều giảm. Cụ thể, vốn cấp mới đạt 14,68 tỷ USD, giảm 7%; còn vốn tăng thêm đạt 5,87 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không quá khó để nhận ra, vì sao cả vốn cấp mới và tăng thêm đều giảm. Phần vì lượng vốn đầu tư không nhỏ được các nhà đầu tư dốc vào Việt Nam theo cách nhanh hơn là góp vốn, mua cổ phần; phần vì 11 tháng qua, không có dự án quy mô lớn nào được cấp chứng nhận đầu tư mới hay điều chỉnh vốn.
Dự án lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư mới là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa, vốn đăng ký 420 triệu USD ở Hà Nội. Còn dự án tăng vốn lớn nhất cũng chỉ có quy mô vốn tương tự - Dự án LG Display ở Hải Phòng (410 triệu USD).
Trong khi đó, 11 tháng năm ngoái, có hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư và điều chỉnh vốn. Chẳng hạn, Dự án Thành phố thông minh ở Hà Nội (gần 4,2 tỷ USD), Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene, kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng (tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD) ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có Dự án Laguna Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế (tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD)…
Năm nay, chưa có bất cứ dự án tỷ USD nào được “xếp hạng” trong danh sách các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam.
Bởi thế, câu hỏi đặt ra trong lúc này là, chỉ còn 1 tháng nữa để… “phấn đấu”, liệu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có đột phá trong năm 2019?
Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư những năm gần đây: năm 2017, Việt Nam thu hút được 35,88 tỷ USD, trong đó, phần góp vốn, mua cổ phần là 6,19 tỷ USD; năm 2018, thu hút 35,46 tỷ USD, trong đó phần góp vốn, mua cổ phần là 9,89 tỷ USD; 11 tháng năm nay, con số là gần 32 tỷ USD, trong đó phần góp vốn, mua cổ phần là 11,24 tỷ USD.
Trong 11 tháng, đầu tư góp vốn, mua cổ phần đạt 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.
Như vậy, bình quân mỗi tháng, Việt Nam thu hút được khoảng 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ lệ này tiếp tục, thì khả năng, cả năm, Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 35 tỷ USD, một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu đang dịch chuyển bất định và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Thậm chí, không phải là phỏng đoán, nhìn vào động thái Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được khởi công cách đây ít ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng có một sự thay đổi đáng kể trong thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.
Hiện tại, trong kết quả tổng hợp thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước, chưa có dự án quy mô tỷ USD nào được nhắc đến. Số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Quảng Trị cũng cho thấy, Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 chưa được tính đến.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 11 tháng qua, Quảng Trị mới thu hút được 20 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Còn nếu tính lũy kế, con số là gần 85 triệu USD. Nếu có thêm Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1, tình hình sẽ khác.
Thêm nữa, thông tin gần đây cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Chẳng hạn, một “đại gia” Thái Lan vừa công bố Dự án Đầu tư nâng công suất sản xuất tại các nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi và Bia Sài Gòn - Sóc Trăng. Chưa rõ quy mô vốn tăng thêm là bao nhiêu, nhưng nếu kế hoạch này sớm trở thành hiện thực, thì Việt Nam sẽ có thêm một khoản vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa.
Và một điều quan trọng, dù vốn đăng ký có thể thăng trầm, song chắc chắn, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân sẽ tiếp tục tăng tốc. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân được cho là đã “đạt mức kỷ lục” với 17,5 tỷ USD. Năm 2018, con số tiếp tục tăng lên, với 19,1 tỷ USD. Còn 11 tháng qua, vốn giải ngân đạt 17,69 tỷ USD. Kết quả của cả năm 2019 được cho là sẽ “tích cực” hơn con số 19,1 tỷ USD của năm ngoái.
Vĩnh Phúc muốn hút vốn đầu tư vào công nghệ cao
Tại Hội thảo Vĩnh Phúc - Điểm đến đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu và Mỹ diễn ra vào ngày 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho rằng, dù Vĩnh Phúc được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc với 752 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng số vốn trên 78.000 tỷ đồng (3,3 tỷ USD) và 378 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ USD, nhưng kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa đáp ứng kỳ vọng thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển để đạt được các mục tiêu dài hạn đề ra.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Daewoo, Samsung, Compal,… đã đầu tư tại Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo và sản xuất lắp ráp điện tử. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc chủ yếu là của các quốc gia khu vực Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn.
Ông Trì cho biết, Vĩnh Phúc hiện có 10/376 dự án FDI, chiếm gần 3% so với tổng số dự án FDI đến từ các quốc gia châu Âu và Mỹ với số vốn đăng ký trên 170 USD, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và tiềm lực của nhà đầu tư.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc rất cần các dự án công nghệ, chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Trong đó, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy, điện tử, viễn thông, và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Về nông nghiệp, Vĩnh Phúc mong muốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến nông sản. Tỉnh này ưu tiên thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK), Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam và Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam nhằm xúc tiến hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Hà Nội: Đầu tư mới 600 nhà chờ xe buýt theo hình thức đối tác công - tư
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ 600 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư.
Sẽ có 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu trên địa bàn TP. Hà Nội
Theo đó, các nhà chờ xe buýt này nằm trên các tuyến đường đủ điều kiện thuộc phạm vi 12 quận nội thành: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông.
Dự án xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt (trong đó 235 nhà chờ lắp đặt mới, thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo.
Hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị. Đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thành phố; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Ngoài ra, thực hiện dự án, thành phố sẽ sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường bảo đảm khoa học, đồng bộ, hiện đại, văn minh.
Theo UBND TP. Hà Nội, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm.
Chính phủ được tự chọn nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 sân bay Long Thành
Quốc hội giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia.
Với 435/455 đại biểu tán thành, chiều nay (26/11), Quốc hội đã thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo nghị quyết này, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án sân bay Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo nghị quyết số 94 của Quốc hội.
Không nêu rõ quan điểm về đề xuất của Chính phủ chỉ định thầu cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm sân bay Long Thành, song Nghị quyết cũng nêu quan điểm của Quốc hội về việc lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. "Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", văn bản nêu rõ.
Quốc hội cũng yêu cầu sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ, bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch về phương án huy động vốn.
Bằng việc thông qua nghị quyết, Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 ha thành 570 ha dành riêng cho quốc phòng và 480 ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Nghị quyết cũng cho phép bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án: tuyến số 1 nối với Quốc lộ 5, tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Nghị quyết này yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp khẩn trương xem xét, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó, tiếp tục làm rõ các nội dung về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có)…
Lạng Sơn đề xuất giảm quy mô đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do khó khăn về vốn
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT sớm xem xét phương án điều chỉnh quy mô đầu tư, phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.
Theo đó, do khó khăn trong việc huy động vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với QL4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17,5m. Đối với đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) dài 15,7km trong giai đoạn trước mắt sẽ chỉ xây dựng theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,5m.
Để thuận tiện cho việc sau này tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường dài 43 km với quy mô nền đường rộng 22m.
Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án chỉ còn 5.947 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư là 1.600 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bỏ ra 1.000 tỷ đồng; Ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.347 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại khoảng 2.000 tỷ đồng (BIDV đã cam kết hỗ trợ số tiền này).
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đánh giá, phương án đầu tư nói trên sẽ giúp sớm thông tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tới được cửa khẩu Hữu Nghị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khu vực. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng cũng phù hợp với điều kiện hiện nay trong việc huy động vay vốn tín dụng (đảm bảo hạn mức vay của ngân hàng cấp tín dụng) cũng như cân đối vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành Dự án theo kế hoạch.
UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm chủ trì, đề xuất phương án hỗ trợ Dự án từ ngân sách Trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, tháo gỡ khó khăn cho Dự án.
Được biết, ngoài phương án được lựa chọn nói trên, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết là đã từng cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Cụ thể, phương án này sẽ đầu tư xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 44 km với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 22m, gồm 4 làn xe rộng 17,5 m. Tổng mức đầu tư dự kiến của phương án này là 8.790 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư bỏ ra 1.750 tỷ đồng; ngân sách tỉnh chi 1.000 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ: 2.160 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại: 3.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Lạng Sơn thừa nhận phương án này có kinh phí đầu tư xây dựng lớn, khó khăn trong việc huy động vay vốn tín dụng, cân đối hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước trong điều kiện hiện nay để hoàn thành Dự án.
Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này được sử dụng nguồn vay ADB, tuy nhiên do việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn và sẽ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
THACO tập trung sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô quy mô lớn
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN và nhiều nước trên thế giới, việc đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Từ thực tế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và thực tiễn sản xuất kinh doanh của mình, ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai năm 2003, Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) đã xây dựng chiến lược nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Dây chuyền sản xuất ô to tại Thaco
Bên cạnh đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô theo hướng tự động hóa, quản trị trên nền tảng số hóa để sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, THACO đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất Việt Nam tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam với quy mô gần 100ha.
Tại đây có 12 nhà máy sản xuất linh kiện - phụ tùng và Tổ hợp Cơ khí, không chỉ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của THACO và các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN và các nước trên thế giới. Sản phẩm từ các nhà máy này bao gồm: linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; nhíp; kính; máy lạnh; la phông trần; tap-pi sàn; cản xe du lịch; thân vỏ ô tô; ghế và áo ghế; bộ dây điện; chassis và nhiều linh kiện phụ tùng khác.
Các nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc với máy móc thiết bị hiện đại và thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối.
Tiêu biểu như Nhà máy Nhíp được chuyển giao công nghệ sản xuất từ tập đoàn Daewon - Hàn Quốc với hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại như dây chuyền nhiệt luyện, dây chuyền ram, dây chuyền phun bi, dây chuyền sơn nhúng kẽm và các thiết bị kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn. Nhà máy Linh kiện nhựa trang bị hệ thống máy ép phun 3.200 tấn, công nghệ sơn nhựa tiên tiến nhất Việt Nam với robot sơn và hệ thống cấp sơn tự động. Nhà máy Ghế ô tô đầu tư máy móc hiện đại, tự động nhập khẩu từ Châu Âu, Hàn Quốc, sản xuất ghế cho nhiều chủng loại và thương hiệu ô tô.
Để làm chủ công nghệ và thiết kế, THACO đã đầu tư xây dựng Trung tâm R&D, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm linh kiện phụ tùng; đồng thời liên doanh, liên kết với các đối tác để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nhận hỗ trợ kỹ thuật sản xuất linh kiện phụ tùng của các loại xe tải, bus và xe du lịch dựa trên công nghệ chuyển giao từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đến nay, THACO đã làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí (moving parts xe du lịch, thùng xe, ống xả, ty ben, khung xương xe bus, các linh kiện đột dập,…), linh kiện nhựa (cản nhựa, linh kiện nhựa nội thất,…), hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...
Cú hích với dự án BOT ngành điện
Sau Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, nay đến lượt BOT Nhiệt điện Quảng Trị 1 cũng đã chính thức được triển khai xây dựng. Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu điện trong những năm tới.
Sau nhiều trì hoãn, vào cuối tuần qua, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1.
Theo kế hoạch, Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được xây dựng với với quy mô 1.320 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 660 MW, sản lượng điện sản xuất 7.200 tỷ kWh/năm. Dự án dự kiến bắt đầu vận hành Tổ máy số 1 từ tháng 10/2024 và Tổ máy số 2 vận hành từ tháng 4/2025, chậm khá nhiều so với kế hoạch ban đầu.
Dẫu vậy, việc Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 chính thức được khởi công sau 6 năm chuẩn bị vẫn là một tin đáng mừng. Mừng cả trên khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, bởi với dự án này, bảng tổng hợp về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm sẽ có nhiều thay đổi. Điều mừng nữa là đối với dự án BOT ngành điện.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, đã có hai dự án BOT tỷ USD ngành điện được đưa vào triển khai. Đầu tháng 10/2019, sau 12 năm chờ đợi, Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) động thổ xây dựng. Dự án có vốn đầu tư 2,58 tỷ USD này, theo kế hoạch, sẽ được hoàn thành việc xây dựng và phát điện thương mại trong năm 2023.
Trong khi đó, thông tin khá tích cực từ Nhiệt điện BOT Hải Dương, do Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia) và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co.Ltd - CPECC) đầu tư, là cho đến nay, đã có 80% công việc được triển khai. Trong đó, Tổ máy số 1 đã lắp đặt được 95% thiết bị, đang lắp đặt các thiết bị phụ trợ và bắt đầu chạy thử.
Theo kế hoạch, Nhiệt điện BOT Hải Dương có thể bắt đầu chạy thử vào cuối quý I năm sau và vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia vào khoảng tháng 6/2020.
Không phải là tất cả, song rõ ràng, đây là những động thái đáng mừng đối với các dự án BOT ngành điện, sau nhiều năm luôn ở tình trạng chậm tiến độ.
Thêm lựa chọn vốn ngoại cho siêu dự án sân bay Long Thành
Tập đoàn Tín dụng xuất khẩu Thụy Điện (SEK) đang chào mời nhà đầu tư tiềm năng tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoản vay thương mại trị giá hơn 1 tỷ USD với lãi suất khá thấp.
“Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn sáng kiến thiết thực của Chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển trong việc hợp tác phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng không hàng đầu trong khu vực với các tiêu chí hiệu quả, hiện đại và thân thiện với môi trường”, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tại Hội thảo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và quản lý không lưu của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao Thụy Điển phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính là công trình hạ tầng mà Chính phủ hai nước đặt nhiều kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sẽ được Quốc hội thông qua trong ít ngày tới.
Trước đó, nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019, Chính phủ Thụy Điển đã bày tỏ sự quan tâm về việc tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hàng không và dự kiến cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho lĩnh vực quản lý không lưu và Dự án sân bay Long Thành.
“Với quy mô vốn lên tới 16 tỷ USD khi hoàn thành toàn bộ và khoảng 4,779 tỷ USD cho giai đoạn I, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ cần tới một lượng vốn rất lớn từ bên ngoài dưới dạng vốn tín dụng và vốn huy động qua phát hành trái phiếu. Chính vì vậy, việc Thụy Điển - một đối tác truyền thống, tin cậy - đề xuất khoản tín dụng 1 tỷ USD sẽ giúp việc huy động vốn cho Dự án thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một sân bay trung chuyển có quy mô 100 triệu lượt hành khách/năm để tạo động lực phát triển ngành hàng không và du lịch, bà Ann Mawe, tân Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam hy vọng, với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm vận hành phát triển các cảng hàng không “xanh”, Thụy Điển hy vọng sẽ hỗ trợ được Việt Nam phát triển sân bay Long Thành hiệu quả và bền vững theo đúng mong muốn.
Được biết, tham dự Hội thảo, ngoài các quan chức thuộc Đại sứ quán Thụy Điển và SEK, còn có hàng loạt doanh nghiệp hàng không và xây dựng lớn của nước bạn như SABB, ABB, Axis Communications, Volvo… Đây đều là những đối tác có tiềm lực tài chính, có khả năng hỗ trợ, nâng tầm cho các nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là hai đơn vị đang được Chính phủ đề xuất đóng vai trò chính trong phát triển sân bay Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Tỉnh Tiền Giang chốt mức phí và lộ trình tăng phí cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có công văn gửi các ngân hàng tham gia hợp vốn cho Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, VP Bank và doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án và các ngân hàng tham gia hợp đồng vốn sớm hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng tín dụng, đảm bảo tiến độ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý áp dụng mức phí và lộ trình tăng phí tuân thủ theo phương án tài chính đã duyệt, đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn không kéo dài quá 15 năm.
Cụ thể, mức phí năm cơ sở Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuạn tương ứng với 5 nhóm xe là 2.100 – 3.000 – 3.700 – 6.000 – 8.400 đồng/xe/km. Lộ trình tăng phí 15%/3 năm trong suốt vòng đời Dự án.
Trường hợp có những chính sách về chính sách liên quan ảnh hưởng bất lợi tới phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án thì doanh nghiệp dự án sẽ báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang xem xét để cùng trao đổi, thống nhất trước với các ngân hàng tham gia hợp vốn để xem xét, giải quyết. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chỉ đạo.
UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngân hàng tham gia hợp vốn và doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng và giải ngân tín dụng Dự án trong tháng 11/2019 để công trình triển khai, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020.
Được biết, mức phí cơ sở và lộ trình tăng phí nêu trên đã được ba bên là UBND tỉnh Tiền Giang, các ngân hàng, nhà đầu tư thống nhất hồi giữa tháng 11/2019.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2019, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký gửi các ngân hàng cam kết, khi đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào sử dụng thu phí hoàn vốn đầu tư, trong phạm vi thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không thay đổi về quy hoạch giao thông như đầu tư các tuyến đường giao thông có hướng tuyến tương tự gây ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông của Dự án và không ban hành các chính sách khác ảnh hưởng đến phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án.
Trường hợp thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về quy hoạch GTVT có ảnh hưởng đến Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ cùng các ngân hàng tài trợ vốn và doanh nghiệp dự án báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT xem xét đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính Dự án.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử BOT giao thông, một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra cam kết với các ngân hàng không thay đổi quy hoạch làm ảnh hưởng lưu lượng giao thông cho dự án vay vốn.
Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, xác định vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 3.400 tỷ đồng (tương ứng 32,4% vốn BOT, trong khi các dự án cao tốc Bắc Nam chỉ là 20%); vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng; còn thiếu 7.082 tỷ đồng chờ các ngân hàng cho vay. Trong đó, 3 ngân hàng VietinBank, BIDV, Argibank cam kết mức tài trợ tối thiểu cho dự án là 5.800 tỷ đồng. Phần hạn mức còn thiếu 1.282 tỷ đồng sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng VPBank đã chấp nhận tài trợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận