Sẽ có đột phá M&A trong lĩnh bất động sản Việt Nam?
Cùng với sự sôi động của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam từ đầu năm tới nay, lĩnh vực bất động sản cũng được giới chuyên môn đánh giá sẽ có sự đột phá trong thời gian tới khi nhiều “tay chơi quốc tế” kết hợp với các chủ đất thực sự tại địa phương để tạo ra các thương vụ lớn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, cùng với tỷ lệ lạm phát giữ ổn định ở mức 3% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới ở mức 245 tỷ USD, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết gần đây sẽ nâng cao vị thế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thương mại quốc tế. Đây được cho là nền tảng thúc đẩy việc thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, trong đó lĩnh vực bất động sản được đánh giá là sôi động nhất khi có nhiều nhà đầu tư đổ vốn tham gia thị trường dưới nhiều hình thức như: Đầu tư trực tiếp, góp vốn, M&A…
Cụ thể, thị trường bất động sản Việt Nam 2019 bắt đầu với thương vụ M&A của tập đoàn Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront vào tháng 1 năm nay. Theo đó, tập đoàn Keppel Land bán lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront City cho tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ VNĐ (tương đương 100,57 triệu USD). Ngoài ra, gần đây Keppel Land cũng đã công bố thông tin về việc mua lại ba khu đất tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua công ty con, tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với tập đoàn bất động sản Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ VND (tương đương 56 triệu USD).
Được biết, tổng diện tích của ba khu đất là 6,2 ha, thuộc huyện Nhà Bè, mỗi khu đất cách nhau 400 mét và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650 m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ VNĐ (tương đương 320 triệu USD).
Tiếp đến, tháng 6/2019 vừa qua, Công ty cổ phần Lotte FLC - một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ VNĐ (khoảng 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Cục quản lý Đăng kí Kinh doanh. Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ.
Dự báo về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao - Thị trường vốn của JLL Việt Nam - cho biết: Chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và những cam kết đối với thị trường bất động sản Việt Nam, qua đó cho thấy những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường. Mặc dù các hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong hai quý còn lại, do thiếu các dự án “sạch” và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư, chúng tôi dự báo các biện pháp hiện tại của chính phủ sẽ tác động đến việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.
Liên quan đến phân khúc bất động sản được các nhà đầu tư quan tâm, theo các chuyên gia trong ngành bất động sản, dòng vốn mua lại công ty, đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ phủ hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất và các tài sản chất lượng tại các khu vực này…
“M&A trong bất động sản sẽ có sự đột phá khi có sự tham gia nhiều hơn của các “tay chơi quốc tế” kết hợp với các chủ đất thực sự tại địa phương để tạo ra các thương vụ lớn”, ông Dennis Ng Teck Yow - Phó tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, để thúc đẩy M&A bứt phá mạnh mẽ thì Việt Nam cần những biện pháp chính sách mạnh hơn để cải thiện tính minh bạch, đảm bảo trường kinh doanh công bằng. Lý do, thời gian gần đây, những dự án bất động sản chưa được phát triển hiệu quả hoặc những dự án được giao dịch với giá thấp hơn mức giá thị trường đang phải qua những bước kiểm soát chặt chẽ từ các nhà chức trách tại Việt Nam. Việc các cơ quan có thẩm quyền hành động để ngăn chặn tham nhũng có thể sẽ có một số tác động đến lợi nhuận kinh doanh trong ngắn hạn, vì một số dự án bất động sản đang phải giảm tốc độ nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, điều này có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư đang sẵn sang chờ rót vốn vào thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận