SCIC lên kế hoạch bán vốn tại 108 doanh nghiệp, nhiều 'ông lớn' góp mặt như FPT, Bảo Việt, Licogi
Với kế hoạch bán vốn tại 108 doanh nghiệp, SCIC kỳ vọng sẽ đạt tổng doanh thu lên đến trên 21.600 tỷ đồng trong năm 2019.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2019.
Danh sách này gồm 108 doanh nghiệp, trong đó một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (SCIC đang sở hữu 51% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần FPT (6% vốn điều lệ), Tập đoàn Bảo Việt (3% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (11% vốn điều lệ), Tổng công ty LICOGI (41% vốn điều lệ), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (36% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (9% vốn điều lệ)...
Riêng trường hợp của Vinamilk, mặc dù cũng trong danh sách dự kiến bán vốn năm 2019 nhưng SCIC phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh danh sách dự kiến bán vốn năm 2019, SCIC cũng công bố một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019. Theo đó, "siêu doanh nghiệp" này đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.499 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.023 tỷ đồng.
Nếu tính cả các doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281/TB-VPCP thì kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 của SCIC lên đến 21.609 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của SCIC, năm vừa qua, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 12.705 tỷ đồng, tăng tới 72% so với năm 2017.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của SCIC là doanh thu từ bán các khoản đầu tư với 7.797 tỷ đồng (tương đương 61% tổng doanh thu), gấp 8 lần con số năm 2017. Kế đến là doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia với 3.338 tỷ đồng (tương đương 26% tổng doanh thu), giảm 34%. Tiếp sau là doanh thu lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu với 1.559 tỷ đồng (tương đương 12% tổng doanh thu), tăng 14%.
Sau khi trừ đi chi phí hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, lợi nhuận gộp năm 2018 của SCIC đạt 9.788 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017.
Trong năm, SCIC ghi nhận 327 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 35%; trong khi chi phí tài chính không đáng kể.
Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 10.565 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2017.
Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SCIC ở mức 50.081 tỷ đồng, giảm 18% sau một năm, chủ yếu do SCIC phải trả lại khoảng 19.000 tỷ đồng về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Đáng chú ý, SCIC hiện đang gửi ngân hàng tới trên 26.000 tỷ đồng với kỳ hạn quá 1 năm, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng sau một năm. Đây cũng là khoản mục tài sản lớn nhất của "siêu doanh nghiệp" này. Kế đến là các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 16.781 tỷ đồng, hầu hết là được tiếp nhận, bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu từ Nhà nước.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của SCIC đến hết ngày 31/12/2018 lên đến 47.199 tỷ đồng, tăng 19% sau một năm. Nợ phải trả khá thấp, chỉ 2.882 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận