Schengen, ngôi làng nhỏ và tấm thị thực đi khắp châu Âu
Chỉ trong nháy mắt bạn đã đi qua quốc gia nhỏ nhất ở Châu Âu mà không hề nhận ra.
Luxembourg là nơi mà bạn có thể chạy xe hơi từ đầu này tới đầu kia ở chỗ rộng nhất nước chỉ trong hơn một giờ đồng hồ.
Trước khi kịp nhận ra, bạn đã đi đến biên giới các nước xung quanh là Pháp, Đức hay Bỉ, chỉ một tầm chim bay là có thể thấy bảng báo hiệu biên giới và những lá cờ nhiều sọc của Đại Công Quốc này lùi lại sau lưng.
Lý do bạn có thể làm được điều này một phần vì kích cỡ nhỏ xíu của quốc gia này, nhưng đồng thời cũng là nhờ vào một di sản của Luxembourg: một hiệp ước được ký kết hơn 30 năm trước tại ngôi làng nhỏ có tên là Schengen ở phần đông nam của Luxembourg.
Hiệp ước Schengen đã thay đổi vô cùng to lớn đối với cách mà ta đi lại ở Châu Âu.
Luxembourg không quá nhỏ
Ngoài bề mặt, Lurxembourg có thể được coi như là trung tâm thương mại vững mạnh, nơi giới có máu mặt của Châu Âu luôn bận rộn làm giàu.
Quốc gia này có diện tích rất nhỏ trên bản đồ, và do đó thường vô tình bị bỏ qua trong các điểm đến du lịch so với những quốc gia láng giềng to lớn hơn.
Là thành viên sáng lập của Liên hiệp Châu Âu (EU) ngày nay, quốc gia nhỏ bé này là một trong ba trung tâm lớn của EU – Luxembourg City (cùng với Brussels và Strasbourg) – và giờ đây vẫn là một thành viên quan trọng trong việc vận hành khối liên hiệp.
Có chế độ quân chủ lập hiến, nằm giữa hai nền cộng hòa lớn là Pháp và Đức, quốc gia này đã phải chịu nhiều mất mát vì vị trí địa lý đặc biệt của mình, không chỉ trong một mà cả hai cuộc thế chiến, cho nên lịch sử nơi này có rất nhiều điều để tìm hiểu.
Nơi đây có ngành sản xuất rượu vang rất phát đạt, có những nhà hàng ấn tượng, vô số bảo tàng và đài tưởng niệm (từ pháo đài có tên trong danh sách của Unesco và thành phố cổ đến mộ của Tướng George S Patton Jr) và với tình yêu dường như vô tận với hải sản, phô mai và tất cả các loại bánh mặn khác nhau.
Vào năm 1985, Luxembourg cũng góp phần vào việc xây dựng một văn kiện quan trọng: đây là nơi ký kết hiệp ước Schengen, một hiệp ước đa phương đảm bảo quyền tự do đi lại xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên trong Châu Âu.
Trong hành trình đến với địa điểm lịch sử này, tôi đến thung lũng Moselle, một phần tĩnh lặng, khiêm nhường nằm ở miền đông Luxembourg.
Sông Moselle chậm rãi chảy qua phía nam nơi này, tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa Luxembourg và Đức.
Thung lũng rõ ràng là trung tâm của ngành sản xuất rượu của quốc gia này, với hàng hàng lớp lớp vườn nho phủ kín phần đồi bên dưới, chỉ bị ngắt quãng bởi thị trấn và làng mạc rải rác.
Ngay khi nghĩ có lẽ mình đã đi hết quốc gia này, thì tôi đến ngôi làng nhỏ Schengen, nằm giữa những giàn nho leo ở bờ tây của sông Moselle.
Với chưa tới 520 cư dân, nơi này hiển nhiên không phải là điểm đến nổi tiếng hoa lệ mà người ta thường trông đợi sẽ là địa điểm ký hiệp ước thay đổi cách thức mọi người đi lại trong khu vực Châu Âu.
Tuy nhiên, chính là tại đây, trong một buổi sáng âm u ngày 14/06/1985, những đại diện từ các quốc gia Bỉ, Pháp, Luxembourg, Tây Đức (cũ) và Hà Lan đã chính thức ngồi lại và ký kết hiệp ước trong cuộc cách mạng đem lại một vùng tự do đi lại mới.
Lịch sử không ai ngờ
Số lượng các hiệp ước, đồng minh, liên minh chéo và các hiệp ước đối lập đã nổi lên trong nửa sau thế kỷ 20 gần như quá nhiều.
Danh sách thể hiện sự quan liêu, nhưng để hiểu về sự liên minh khác nhau vào thời đại này ta phải đi con đường dài để hiểu bối cảnh ở Schengen, vì vậy hãy tiếp tục theo dõi cùng tôi.
Khi Thế Chiến II sắp đi vào hồi kết thúc, năm 1944, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan cùng nhau thành lập khối Benelux.
Nhóm ba quốc gia này nhận ra những lợi ích sẽ đến sau những thập niên cực kỳ khó khăn sau này khi họ cùng nhau hợp tác, và hy vọng thúc đẩy thương mại qua một hiệp ước thuế quan.
Dựa trên Liên hiệp Benelux, Hiệp định Rome năm 1957 tạo ra Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC), về sau mở rộng thành liên minh thuế quan với sáu quốc gia thành viên sáng lập (gồm khối Benelux, Tây Đức, Pháp và Ý).
Vào đầu thập niên 1980, EEC có mười thành viên. Dù chỉ còn thủ tục kiểm tra nhanh ở biên giới giữa các quốc gia nhưng trên thực tế thủ tục này vẫn chặn dòng giao thông lại, và đòi hỏi phải có nhân lực . Những điều này ngày càng bị coi là sự cản trở quan liêu không cần thiết.
Tuy nhiên, ý tưởng về sự tự do đi lại xuyên biên giới trong khối đã gây chia rẽ giữa các thành viên, với một nửa muốn có sự tự do đi lại trong các quốc gia thành viên khối EU và các nước còn lại tiếp tục muốn kiểm soát đường biên để phân biệt giữa các quốc gia EU và không thuộc EU.
Như Martina Kneip, giám đốc Bảo tàng Châu Âu Schengen giải thích: “Ý tưởng về biên giới mở vào năm 1985 là điều gì đó phi thường – giống như một thế giới lý tưởng. Không ai thực sự tin rằng điều đó có thể trở thành hiện thực.”
Năm thành viên (gồm khối Benelux, Pháp và Tây Đức) sẵn lòng áp dụng thỏa thuận tự do đi lại cho tất cả mọi người và hàng hóa, và đi tiên phong trong việc hình thành cho khu vực mà ngày nay được gọi tên là Khối Schengen.
Tại sao là Schengen?
Vì Luxemburg sớm trở thành chủ tịch khối EEC, quốc gia nhỏ này được quyền chọn nơi sẽ ký hiệp ước. Vô tình chỉ có Schengen là nơi mà cả Pháp và Đức đã cùng gia nhập làm thành viên khối Benelux, và điều đó khiến nơi này trở thành địa điểm được chọn.
Là điểm giáp giới giữa ba quốc gia, việc chọn lựa Schengen mang đầy tính biểu tượng.
Để đảm bảo đó là lựa chọn trung tính, các bên tham gia được sắp xếp lên một du thuyền có tên MS Princesse Marie-Astrid, và đó cũng là nơi họ đặt bút ký.
Chiếc du thuyền được neo ở vị trí gần sát biên giới giữa ba quốc gia, là nơi chảy giữa dòng sông Moselle.
Dù vậy, việc ký kết Hiệp ước Schengen đã không nhận được nhiều ủng hộ cũng không thu hút sự chú ý vào thời đó.
Cũng như năm quốc gia thành viên EEC không ủng hộ, rất nhiều quan chức từ nhiều bên đơn giản là không tin hiệp định này có thể được thực thi, có thể thành công. Vì vậy, đã không có bất cứ nguyên thủ quốc gia nào từ năm thành viên tham gia ký kết hiện diện trong ngày hôm đó.
Từ ban đầu, hiệp ước này đã bị đánh giá thấp, “được coi là một thử nghiệm và không phải thứ sẽ tồn tại lâu,” theo Kneip. Điều này cùng với thủ tục quan liêu không thể tránh khỏi khiến cho việc bãi bỏ hoàn toàn biên giới giữa năm quốc gia sáng lập đã không được áp dụng cho mãi đến năm 1995.
Giấc mơ tự do đi lại trong Schengen
Ngày nay, Khối Schengen gồm có 26 quốc gia thành viên. Trong số đó, 22 nước là thành viên EU, còn bốn (Iceland, Thụy Điển, Na Uy và Liechtenstein) thì không phải.
Hiệp ước Schengen vẫn gặp phải chỉ trích như ngày trước. Cuộc khủng hoảng di dân vừa rồi và cuộc tấn công Paris năm 2015 đã đe dọa Hiệp ước Schengen, khiến những người chống lại chính sách biên giới mở có rất nhiều lý do để chống lại nỗ lực hòa hợp mà hiệp ước đem lại.
Dù vậy, Khối Schengen vẫn tiếp tục phát triển, tuy thủ tục gia nhập khối vẫn còn rườm rà.
Chính trị vẫn đóng vai trò quyết định trong việc quốc gia nào có thể gia nhập. Để được kết nạp làm tân thành viên, quốc gia ứng viên phải được tất cả các nước đương kim thành viên chuẩn thuận.
Bulgaria và Romania đã liên tục bị phủ quyết không cho gia nhập Schengen, phần lớn là vì quan ngại về tham nhũng nội địa và an ninh biên giới bên ngoài các nước này.
Trong thực tế, không có thêm thành viên mới nào vào Khối Schengen trong nhiều năm qua; Liechtenstein là nước gần nhất gia nhập vào năm 2011.
Tuy nhiên, với đa số mọi người thì ích lợi mà hiệp ước Schengen đem lại lớn hơn nhiều so với những phiền toái bất lợi. Như Kneip quan sát: “Hiệp ước Schengen là thứ đã ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của của tất cả các quốc gia thành viên khối Schengen – với tổng dân số khoảng 400 triệu.”
Với dân địa phương, điều này có nghĩa là họ có thể đi thăm bạn bè, đi làm và lánh về sống ở Luxembourg để tận dụng ưu thế thuế nhiên liệu khá thấp so với các quốc gia láng giềng, nhất là dầu diesel.
Với du khách, Hiệp ước Schengen ngay lập tức giúp mở toang cổng để họ có thể vào được tất cả các quốc gia thành viên, khiến du lịch dù là bằng đường bộ, đường sắt hay hàng không đều trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều.
Các du khách không phải là công dân thuộc các nước EU thì có thể xin visa nhập cảnh một lần có giá trị 90 ngày và đi đến tất cả các quốc gia thành viên Khối Schengen. Sự hấp dẫn của hiệp ước này khá rõ ràng, giúp du khách tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc.
Vậy ở Schengen có gì?
Vì Schengen nằm tách rời khỏi tất cả những tuyến giao thông chính, bạn có lẽ chỉ có thể đến đó nếu bạn thực sự muốn đến.
Cách Luxembourg khoảng 35km lái xe, đường đến thị trấn đưa bạn qua những cánh rừng, nông trang và đi xuống Thung lũng Moselle.
Cảnh quan thay đổi đáng kể khi bạn đi xuống những quả đồi ngoại ô để đến thị trấn Remich.
Từ đây, đường lái xe dọc bờ sông rất dễ chịu, quanh co giữa những sườn đồi trồng nho và sông Moselle đến trung tâm Schengen, Bảo tàng Châu u.
Ở nơi đây, câu chuyện về cách Khối Schengen trở thành hiện thực được kể một cách chuyên nghiệp qua các màn hình tương tác bên trong và rất nhiều di tích bên ngoài bảo tàng.
Đừng bỏ lỡ bộ sưu tập mũ của nhân viên kiểm soát biên giới từ các quốc gia thành viên vào thời họ gia nhập khối, mỗi phần thể hiện danh tính quốc gia đã được gỡ bỏ để có thể khiến Khối Schengen trở thành hiện thực.
Các phần nội dung đau lòng về Bức tường Berlin được đặt hoàn hảo trước bảo tàng, nơi bạn sẽ thấy ba tấm bằng thép, mỗi tấm có một ngôi sao kỷ niệm cho các quốc gia thành viên.
Cuối cùng, Cột Các Quốc gia (Pillar of Nations) nổi bật, thể hiện tính biểu tượng tuyệt đẹp từ các quốc gia thành viên trong Khối Schengen.
Tất nhiên vẫn còn nhiều điều ở ngôi làng biên giới yên bình này ngoài những luật định quốc tế.
Du khách có thể mở rộng chuyến tham quan bằng cách tận hưởng một chuyến đi du thuyền trên sông Moselle, đi bộ hay đạp xe ở những quả đồi xung quanh, hoặc đi thử một số loại rượu crémant (loại rượu vang trắng đáng ngưỡng mộ trong vùng) để có thể thưởng thức hương vị thực sự của cuộc sống ở Schengen, ngôi làng thôn dã nhỏ bé đã ghi dấu trong lịch sử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận