SCG xây “thành trì” chiếm thị trường xi măng miền Trung
Năm ngoái, mảng xi măng-vật liệu xây dựng tại Việt Nam mang về cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG-Thái Lan) khoảng 4.000 tỷ đồng. Tại khu vực miền Trung, SCG đã nắm 16% thị phần thông qua nhà máy Sông Gianh sau 2 năm giành quyền kiểm soát và cũng vừa bắt đầu đánh chiếm vào phân khúc cao cấp với biểu tượng “con voi trong khối lục giác”.
Riêng với lĩnh vực xi măng, SCG đang tập trung vào khu vực miền Trung, nhằm gia tăng thị phần cũng như tiếp tục thăm dò thị trường miền Nam- khu vực được đánh giá cầu đang cao hơn cung.
Từ ngày thành lập (năm 2006) đến tháng 03/2019, nhà máy xi măng Sông Gianh chỉ sản xuất sản phẩm mang chính thương hiệu nhà máy. Thuận mua vừa bán, đầu năm 2017, SCG chi 156 triệu USD giành quyền kiểm soát Sông Gianh và mất tròn 2 năm để lần đầu tiên, những bao xi măng SCG Super Xi măng mang biểu tượng “con voi trong khối lục giác” được sản xuất từ nhà máy Sông Gianh và đưa ra thị trường vào đầu tháng 04/2019.
SCG đang từng bước chuyển đổi và thống nhất hệ thống nhận diện dưới thương hiệu chung của Tập đoàn, trong mọi sản phẩm tại Việt Nam.
Ông Nopporn Keeratibunharn, Tổng giám đốc SCG Xi măng- vật liệu xây dựng Việt Nam nói với báo Đầu tư, riêng mảng xi măng-vật liệu xây dựng trong năm 2018 đã mang về cho SCG khoảng 4.000 tỷ đồng. Đại diện này hài lòng với tốc độ tăng trưởng 25% so với cùng kỳ của Sông Gianh trong quý I/2019.
Ngoài nhà máy Sông Gianh có khả năng sản xuất 3 triệu tấn xi măng/năm, SCG còn sở hữu 2 nhà máy tại Đà Nẵng, 1 nhà máy ở Phú Yên cũng như hợp tác gia công 3 triệu Clinker/năm. Như vậy, riêng mảng xi măng, SCG tại Việt Nam có thể cung ứng cho thị trường ít nhất 4-5 triệu tấn/năm.
Tự ước tính, SCG nói đang nắm từ 14-16% thị phần thị trường xi măng tại khu vực miền Trung- nơi họ có 35 nhà phân phối và hơn 2.500 cửa hàng.
“Năm 2018, tổng nhu cầu xi măng tại Việt Nam khoảng 65 triệu tấn, tăng 8% so với năm trước. Năm nay, dự kiến con số này sẽ là 70 triệu tấn, với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất ở miền Trung, chiếm hơn 10% tổng nhu cầu tiêu thụ trên cả nước”, ông Nopporn dẫn chứng.
106 năm hoạt động trong lĩnh vực xi măng- vật liệu xây dựng, SCG tự tin rằng, “rất hiểu thị trường Việt Nam” và cũng nắm rõ, đâu là cách gia tăng biên lợi nhuận cho sản phẩm.
Liệu việc phát triển sản phẩm mới như SCG Super Xi măng thuộc phân khúc cao cấp có ăn mòn vào thị phần hiện có của Sông Gianh trong phân khúc tầm trung? Đó là câu hỏi mà nhiều lần ông Nopporn phải trả lời trước ban lãnh đạo Tập đoàn.
Ông Nopporn lấy dẫn chứng từ trường hợp của Toyota khi ra mắt Lexus làm câu trả lời.
“Toyota không thể tăng giá bán Innova hay Fortuner để có mức lợi nhuận cao như các dòng xe phân khúc cao cấp như Mercedes hay BMW. Đó là lý do họ buộc phải gia nhập thị trường cao cấp bằng việc ra mắt các dòng xe Lexus”, ông Nopporn nói và cho biết, năm nay, SCG Super Xi măng sẽ góp từ 10-15% trong tổng doanh thu mảng xi măng tại Việt Nam.
Giá cao, mức độ nhận diện thương hiệu phải xây dựng từ đầu khiến SCG sẽ mất ít nhất khoảng 1 năm để thử nghiệm cũng như dành nhiều ngân sách cho truyền thông, tiếp thị sản phẩm.
Chưa kể, theo lý giải của ông Nopporn, chi phí sản xuất sản phẩm xi măng với công nghệ Nano này cao hơn sản phẩm xi măng thông thường nên chưa thể đánh giá về mức biên lợi nhuận chênh lệch giữa sản phẩm cao cấp này so với các sản phẩm tầm trung của sông Gianh.
Ông Nopporn phân tích, 50% nhu cầu sản lượng xi măng tại Việt Nam thuộc phân khúc trung cấp, 20% nhu cầu sử dụng trong phân khúc giá rẻ và 20% còn lại của nhu cầu hướng đến sản phẩm cao cấp- phân khúc mà SCG vừa ra mắt sản phẩm SCG Super Xi măng.
Tuỳ thị trường, giá bán của sản phẩm này sẽ cao hơn từ 3-5% so với đối thủ cùng phân khúc. SCG có lý lẽ riêng về việc đưa ra mức giá trên nhằm phục vụ cho định vị “sản phẩm tốt nhất thị trường”. Ông Nopporn cũng hiểu rõ “sai lầm trong giá bán có thể đánh mất thị phần của Sông Gianh”.
Từ năm 2000, sau khoảng 8 năm gia nhập vào thị trường Việt Nam với tư cách là công ty thương mại khi nhập khẩu sản phẩm từ Thái Lan rồi tiêu thụ tại nội địa, SCG bắt đầu hình thành các trụ cột vững chắc vào 3 ngành trọng yếu của Tập đoàn.
Báo cáo thường niên năm 2018 của SCG liệt kê danh sách 314 công ty con, công ty thành viên/công ty liên kết ở nhiều quốc gia. Trong đó, 43 công ty tại Việt Nam nằm trong danh sách này, với tỷ lệ sở hữu của SCG từ 14-100% vốn.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, M&A là con đường được nhiều doanh nghiệp xi măng, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, ưu tiên chọn lựa trong lần đầu tiên gia nhập thị trường hoặc mở rộng quy mô.
“Nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 1/3 tổng công suất sản xuất xi măng tại Việt Nam. Nhiều đơn vị từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã và đang chuẩn bị kế hoạch tiến vào thị trường này bằng cách thực hiện M&A”, ông Cung chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận