SBIC trước thềm phá sản: Doanh thu hơn 3.600 tỷ, đón tân lãnh đạo
Kết thúc năm 2023, doanh thu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đạt 3.627 tỷ đồng, bằng 124,8% kế hoạch và tăng 29% so với thực hiện năm 2022.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phụ trách HĐTV SBIC
Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định giao ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tạm thời phụ trách HĐTV SBIC trong thời gian thực hiện quy trình kiện toàn nhân sự HĐTV Tổng công ty kể từ ngày 19/1/2024.
Trước đó, nhân sự được giao phụ trách HĐTV SBIC là ông Ngô Tùng Lâm. Tuy nhiên sau đó, ông Ngô Tùng Lâm đã có đơn xin thôi phụ trách HĐTV SBIC vì lý do cá nhân.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng có quyết định bổ nhiệm ông Trần Doãn Đức, Phó vụ trưởng - Phó chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải giữ chức thành viên HĐTV SBIC kể từ ngày 8/1/2024.
Ngoài ra, HĐTV SBIC cũng quyết nghị giao ông Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc SBIC giữ chức quyền Tổng giám đốc SBIC từ ngày 18/1/2024.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2023, doanh thu của SBIC đạt 3.627 tỷ đồng, bằng 124,8% kế hoạch, tăng 29% so với thực hiện năm 2022.
Trong đó, đóng tàu đạt 2.439 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch (tăng 54% so với thực hiện năm 2022); sửa chữa đạt 614 tỷ đồng, bằng 118,9% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ đạt 74 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch; hoạt động vận tải, dịch vụ cảng đạt 206 tỷ đồng, bằng 90,3% kế hoạch; hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 132 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch.
Năm 2024, SBIC đặt chỉ tiêu triển khai đóng mới 83 sản phẩm với giá trị doanh thu dự kiến 2.254 tỷ đồng; giá trị sản xuất dự kiến đạt 3.866 tỷ đồng; giá trị doanh thu dự kiến đạt 3.299 tỷ đồng.
Phá sản SBIC và 7 công ty con từ quý I
Trước đó vào cuối tháng 12/2023, Chính phủ đã thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này.
Việc xử lý được thực hiện theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Theo đó, tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC để thu hồi tài sản, quyền tài sản của công ty mẹ SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này theo đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu đặt ra trong quá trình phá sản SBIC đó là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách Nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng từng doanh nghiệp; xây dựng phương án xử lý cụ thể.
Với công ty mẹ SBIC và 7 công ty con, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện vào quý I/2024. Với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ.
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng, cần thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II/2024.
Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu thì tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản, quyền tài sản trong quá trình thực hiện phá sản, chuyển nhượng vốn. Thời gian thực hiện từ quý II/2024.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản tại SBIC và 7 công ty con.
Rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình, tính toán đầy đủ, chính xác số liệu về tài sản, tài chính và các nghĩa vụ nợ của SBIC. Xây dựng phương án thanh toán các nghĩa vụ nợ của Chính phủ tại SBIC.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong dư luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận