menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Saudi Arabia và Nga: Ai sẽ thoái lui trước trong cuộc chiến giá dầu?

Cuộc chiến giá dầu cân não giữa Saudi Arabia và Nga có thể còn kéo dài vì cả hai “ông lớn” dầu mỏ này đang nắm giữ nguồn dự trữ ngoái hối khá lớn, đủ để họ chống chọi mức giá dầu suy yếu trong nhiều tháng. Một khả năng nữa là họ sẽ “cắn răng” chịu tổn thất cho đến khi chứng kiến ngành dầu đá khí phiến của Mỹ gục ngã hoặc ít nhất kiệt quệ.

Ngành dầu đá phiến Mỹ đối mặt tổn thất nặng nề

Thị trường dầu thế giới sụp đổ trong phiên giao dịch hôm 9-3 với hai chỉ số giá dầu Brent và Tây Texas (WTI) giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, thời điểm chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra.

Thảm cảnh của thị trường dầu xảy ra sau khi Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu để đáp trả việc Nga từ chối đề xuất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu, về kế hoạch cắt giảm sâu thêm sản lượng dầu để ứng phó với tình trạng nhu cầu dầu bị tàn phá do dịch virus corona chủng mới (Covid-19).

Saudi Arabia đã thông báo giảm giá dầu nhẹ Arab cho Mỹ, các nước ở châu Âu và châu Á với mức giảm mạnh nhất trong 20 năm qua. Đồng thời, nước này đe dọa tăng công suất khai thác dầu lên mức tối đa hơn 12 triệu thùng/ngày.

Động thái của Saudi Arabia dường như nhằm gây sức ép buộc Nga phải đồng ý quay trở lại đàm phán để ký thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng dầu của nhóm OPEC + (các nước OPEC và các đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu) thêm 1,5 triệu thùng/ngày.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu thực sự cuộc chiến giá dầu giữa Saudi và Nga có thể ngành dầu đá phiến của Mỹ.

Đà tăng trưởng bùng nổ của ngành dầu đá phiến trong những năm gần đây, giúp Mỹ dễ dàng vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng khai thác gần 13 triệu thùng/ngày hiện nay.

Từ lâu, Nga và OPEC tức giận ra mặt vì các nhà sản xuất dầu ở Mỹ từ chối tham gia các thỏa thuận giảm sản lượng dầu của nhóm OPEC + nhưng lại được hưởng lợi lớn nhờ cơ chế hợp tác hỗ trợ giá dầu của nhóm này. Nếu giá dầu giảm sâu trong thời gian dài và giới đầu tư và ngân hàng ngừng rót tiền cho các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, khiến họ phá sản thì chắc hẳn cả Moscow lẫn Riyadh đều thấy “vui trong lòng”.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đang ngồi trên đống lửa khi chứng kiến dầu Tây Texas (WTI) giảm 26% về mức 31,31 đô la/thùng hôm 9-3. Họ cần giá dầu WTI ở mức 40 đô la Mỹ để đạt điểm hòa vốn. Cuộc chiến giá dầu sẽ buộc họ phải chạy đua cắt giảm chi phí và sản lượng khai thác nếu không sẽ hứng tổn thất nặng nề.

“Bạn sẽ chứng kiến hoạt động của các công ty dầu đá phiến Mỹ dần dừng lại. Ở mức giá dầu hiện nay, đó là vấn đề sống còn. Bởi một số công ty đang thoi thóp”, Dan Yergin, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết.

Các công ty dầu đá phiến Mỹ, đặc biệt những công ty đang vay nợ nhiều, đang chịu sức ép rất lớn trong cuộc chiến giá dầu. Hôm qua, giá cổ phiếu của hai công ty dầu đá phiến Apache Corp và Occidental Petroleum Corp lần lượt giảm 54% và 52%,

Nga và Saudi Arabia đang phát các tín hiệu sẽ kéo dài cuộc chiến giá dầu. Hôm 9-3, Bộ Tài chính Nga ra thông báo “lên gân” rằng Quỹ đầu tư quốc gia Nga (RNWF) có đủ nguồn dự trữ ngoại hối để bù đắp thu nhập bị mát mát nếu giá dầu dao động từ 25-30 đô la/thùng trong 6-10 năm.

Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Saudi Arabia đủ sức chịu đựng giá dầu ở mức 30 đô la/thùng nhưng phải bơm dầu nhiều hơn để giảm thiểu tổn thất nguồn thu do giá dầu thấp.

Nga có lợi thế hơn Saudi Arabia về dự trữ ngoại hối

Vậy giữa Nga và Saudi Arabia, nước nào đủ nguồn lực tài chính để chung sống với mức giá 30 đô la/thùng của dầu Brent hoặc thậm chí thấp hơn?

Xét về nguồn dữ trự ngoại hối lớn, Nga đang ở vị thế tốt hơn Saudi Arabia. Tính đến cuối tháng 1-2020, kho dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia tương đương 495 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó, số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng trung ương Nga cho thấy Nga đang nắm giữ kho dữ trự ngoại hối 570 tỉ đô la vào cuối tháng 2.

Saudi Arabia và Nga: Ai sẽ thoái lui trước trong cuộc chiến giá dầu?
Một mỏ dầu của Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco ở Saudi Arabia. Tập đoàn này có chi phí sản xuất dầu thấp nhất thế giới, chỉ 2,8 đô la/thùng. Ảnh: Reuters

Nguồn dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia đạt đỉnh 731 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2014 nhưng giảm nhanh trong những năm gần đây do giá dầu suy yếu.

Trái lại, dự trữ ngoại hối của Nga hiện nay đã tăng thêm 100 tỉ đô la kể từ tháng 1-2019 và cao hơn 190 tỉ đô la so với mức đáy gần nhất vào đầu năm 2017. Hai nước này có thể trích nguồn dự trữ ngoại hối còn dồi dào để phục vụ cho các chương trình chi tiêu nếu doanh thu dầu mỏ bị tổn thất lớn.

Nga cũng thả nổi tỷ giá đồng rúp kể từ đầu năm 2015 để ứng phó với giá dầu suy giảm và các đòn trừng phạt của phương Tây.

Động thái thả nổi đồng rúp có lợi cho nỗ lực cân bằng ngân sách cũng như tính cạnh tranh của nền kinh tế Nga. Điều này có nghĩa là mức giá dầu để giúp Nga đạt điểm cân bằng ngân sách sẽ thấp hơn khi đồng rúp giảm giá.

Giả sử tỷ giá giữa đồng đô la và đồng rúp nằm dưới ngưỡng 70 rúp/1 đô la thì Nga cần giá dầu ở mức 45 đô la/thùng để cân bằng ngân sách. Nhưng nếu đồng rúp suy yếu về mức 75 rúp ăn/1 đô la thì chỉ cần giá dầu xoay quanh ngưỡng 40 đô la/thùng, Nga cũng có thể cân bằng ngân sách mà không cần phải cắt giảm các kế hoạch chi tiêu hiện nay.

Trong khi đó, Saudi Arabia cần mức giá dầu Brent tăng lên khoảng 80 đô la để cân bằng ngân sách và không được hưởng lợi từ biến động tỷ giá của đồng nội tệ do tỷ giá của đồng riyal trên thị trường giao ngay được nước này cố định ở mức 1 riyal/0,266 đô la từ năm 2003.

Với chi phí sản xuất chỉ ở mức 2,8 đô la/thùng, Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco của Saudi Arabia có chi phí sản xuất dầu thấp nhất thế giới. Các nhà sản xuất dầu của Nga cũng giảm chi phí sản xuất đáng kể trong những năm gần đây.

Nhưng vấn đề của Saudi Arabia là nếu giá dầu giảm sâu và duy trì trong thời gian lâu, nước này phải chịu mức thâm hụt ngân sách lớn để phục vụ các kế hoạch chi tiêu khổng lồ cho các mảng khác. Các mảng này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của ngân sách vào ngành dầu mỏ.

Monica Malik, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng thương mại Abu Dhabi, nhận định với mức giá dầu 30 đô la/thùng, Saudi Arabia sẽ đối mặt thâm hụt ngân sách ở mức trên 10% GDP trong năm nay so với mức mục tiêu 6,4%. Dù vậy, Saudi Arabia còn nhiều dư địa để vay nợ phục vụ các kế hoạch tiêu tiêu vì tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đang ở mức thấp 25%.

Chris Weafer, đối tác sáng lập ở Công ty tư vấn vĩ mô Macro-Advisory nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không muốn thu hẹp chi tiêu ngân sách. Đặc biệt là ở những dự án nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia trị giá 400 tỉ đô la nhằm chuyển đổi kinh tế đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân vào cuối nhiệm kỳ của ông trong 5 năm tới. Trong bối cảnh mức tín nhiệm công việc của ông ở Nga đã giảm xuống mức 35% so với mức 60% chỉ cách đây 2 năm thì đây là mục tiêu ưu tiên.

Nhưng nếu giá dầu Brent giảm xuống mức từ 20-30 đô la Mỹ/thùng trong mùa hè này mà Saudi Arabia cũng không chịu thoái lùi cuộc chiến giá dầu, ông Putin có thể thay đổi lập trường.

Theo nhận định của Weafer, lúc đó, Nga sẽ chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán vì ông Putin không muốn duy trì thâm hụt ngân sách quá lớn. Đồng thời không muốn kho dữ trữ ngoại hối về mức quá thấp vì điều này sẽ khiến Nga dễ bị tổn thương nếu hứng thêm các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây trong tương lai.

Theo Weafer, một kết cục tốt đẹp cho cả Nga và Saudi Arbia là cùng thoái lùi cuộc chiến giá dầu và trở lại bàn đàm phán sau khi giáng đòn nặng nề cho ngành dầu dầu đá phiến Mỹ.

Theo Reuters, Intellinews.com.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả