Saudi Arabia đang ngả về Nga trên mặt trận dầu mỏ?
Theo tạp chí Project Syndicate, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+), dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã gây bất ngờ cho các thị trường vào đầu tháng này khi quyết định cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày - tương đương 2% nguồn cung toàn cầu.
Quyết định này, ngay lập tức khiến cho giá dầu thô Brent leo lên mức 100 USD/thùng, báo hiệu quyết tâm của tổ chức này trong việc tăng giá dầu khi đối mặt với sự phục hồi toàn cầu đang chững lại. Điều đó khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden rơi vào tình thế bấp bênh trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng tới. Nhưng động thái này cũng thể hiện sự sẵn sàng ngày càng tăng của Saudi Arabia trong việc tiếp tục vai trò “nhà sản xuất bản lề” và nhấn mạnh mối quan hệ mới đạt được với Nga.
Giá dầu tăng lên sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine cùng với năng lực dự phòng hạn chế đã khiến cho OPEC+ ngày càng trở nên gắn kết và thúc đẩy các thành viên của tổ chức này phối hợp thực hiện các mục tiêu sản xuất chung một cách hiệu quả hơn. Nhưng chỉ riêng sự gắn kết đó sẽ không thể duy trì vai trò định giá toàn cầu của OPEC+. Vai trò đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc Saudi Arabia sẵn sàng tiếp tục chức năng truyền thống là nhà sản xuất bản lề của thị trường, điều mà Riyadh đã miễn cưỡng thực hiện trong những năm gần đây.
Trong khi quyết định của OPEC+ có nguy cơ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, mục tiêu sản xuất hầu như là không thực tế. Thỏa thuận mới nhất trí sản lượng của OPEC+ trong tháng 11/2022 vào khoảng 42 triệu thùng/ngày, nhưng thực tế OPEC+ cũng đã sản xuất khoảng 39 triệu thùng/ngày – thấp hơn khoảng 4,5 triệu thùng so với mục tiêu chính thức của tháng 10/2022 – khi mà 15 trong tổng số 23 nước thành viên của OPEC+ phải cố gắng để đáp ứng hạn ngạch của mình.
Sự khác biệt giữa mục tiêu sản xuất và thực tế sản xuất đã tăng lên trong vài tháng qua. Hầu hết các quốc gia - ngoài Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - đều thiếu năng lực dự phòng do không đầu tư nhiều năm. Điều này đặc biệt đúng với Nigeria và Angola. Hơn nữa, ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hàng xuất khẩu của Nga chỉ giảm bớt một phần khi chuyển hướng giao hàng từ châu Âu sang châu Á.
Do đó, OPEC+ rất có thể sẽ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2022 tới, bằng một nửa mức cắt giảm mà nhóm đã đề xuất ở Vienna trong tháng này. Các nước thành viên đang gặp khó khăn trong việc theo kịp các mục tiêu sản lượng hầu như sẽ không cắt giảm sản lượng, do đó đưa mục tiêu đến gần hơn với năng lực thực tế của liên minh.
Quyết định của OPEC+ chỉ yêu cầu 8 nước thành viên của tổ chức này giảm sản lượng khai thác dầu, trong đó Saudi Arabia dự kiến sẽ gánh vác phần nhiều nhất bằng cách cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày. Tương tự, khi OPEC+ cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong thời kỳ đại dịch COVID-19 để bù đắp nhu cầu giảm mạnh, Saudi Arabia cũng đã tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng/ngày ngoài cam kết của tổ chức.
Sau cuộc cách mạng năng lượng đá phiến của Mỹ, Saudi Arabia lo ngại rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn và mở rộng thị phần của họ, gây thiệt hại cho Saudi Arabia.
Kết quả là giá dầu giảm từ gần 110 USD/thùng xuống còn 29 USD/thùng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến đầu năm 2016, khiến tình hình của mọi thành viên OPEC trở nên tồi tệ hơn. Khi tài chính công của các nhà sản xuất dầu truyền thống xấu đi, Saudi Arabia buộc phải tham gia vào một “liên minh không dễ chịu” với Nga, đồng minh lâu năm của Iran.
Tổ chức OPEC được mở rộng đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ, nhưng không thể đẩy họ khỏi thị trường. Nga và Saudi Arabai đã tìm cách thành lập một mặt trận chung và nhất trí về một chiến lược sản xuất chung. Điều này đã dẫn đến một cuộc chiến giá cả chưa từng có, đẩy giá dầu ngọt nhẹ WTI rơi xuống mức âm vào mùa Xuân năm 2020.
Chắc chắn, việc Saudi Arabia sẵn sàng hoạt động như một nhà sản xuất bản lề được thúc đẩy bởi tư lợi thuần túy. Tuy nhiên, có thể thấy việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ là nhằm mục đích chuyển hướng thị trường khỏi sự phá hủy nhu cầu đối với việc không đủ nguồn cung và thiết lập mức giá sàn 90 USD/thùng. Tuy vậy, việc đẩy giá dầu lên cao hơn cũng sẽ làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm giới hạn giá dầu của Nga, điều mà Saudi Arabia cho là một tiền lệ nguy hiểm. Xét cho cùng, nếu các nước phương Tây tận dụng sức cầu của họ để áp đặt giới hạn giá đối với dầu từ Nga, thì họ có thể hình dung được điều tương tự đối với dầu mỏ từ Trung Đông.
Do đó, Saudi Arabia có thể tìm cách củng cố vai trò nhà sản xuất bản lề của mình trong dài hạn. Quá trình chuyển đổi xanh rất có thể sẽ dẫn đến sự suy giảm cơ cấu về nhu cầu dầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh sản lượng nhanh chóng mà chỉ có Saudi Arabia mới có thể điều phối và thực hiện. Các thành viên OPEC+ sẽ mong đợi Saudi Arabia dẫn đầu và hy sinh nhiều hơn để bù đắp thặng dư và ngăn giá sụp đổ. Nhưng Saudi Arabia cũng có thể buộc họ hợp tác bằng cách sử dụng năng lực dự phòng của mình để đẩy giá xuống.
Các nước phương Tây vốn đang tìm cách đối phó với vai trò nhà sản xuất bản lề của Saudi Arabia có rất ít sự lựa chọn. Trong ngắn hạn, họ có thể giải phóng nguồn dự trữ chiến lược bổ sung và tăng sản lượng dầu đá phiến, vốn sẽ đòi hỏi đầu tư thêm nhưng có thể giúp giảm giá một chút. Tuy nhiên, trong trung hạn, phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh sự chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận