menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Lương

Sau vụ cháy Rạng Đông: Bao nhiêu nhà máy cần di dời ra khỏi khu dân cư?

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã tạo nên một thảm họa về môi trường không nhỏ, với khoảng 15,1 - 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường và ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 500m. Từ sự cố này, đã đến lúc một thành phố nhiều nhà xưởng, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư như TP.HCM nên  rút kinh nghiệm, thực hiện kế hoạch di dời triệt để tránh những thảm họa không đáng có.

10.000 cơ sở cần di dời

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố cần di dời hơn 10 nghìn cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp cũng như không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Nét chung của các cơ sở này là diện tích nhỏ, chưa quan tâm bảo vệ môi trường, chưa đầu tư thiết bị và biện pháp xử lý chất thải đúng chuẩn, thậm chí, trang thiết bị còn lạc hậu, nằm trong khu dân cư hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ gây cháy nổ.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng liệt kê 141 DN đang gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, cần phải di dời. Cụ thể như: Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, Xí nghiệp Phân bón An Lạc thuộc Công ty Phân bón miền Nam, Công ty Xuất khẩu - Chế biến đông lạnh, Nhà máy Dầu Tường An, Nhà máy Hoá chất Tân Bình, Công ty Xây lắp số 18, Xí nghiệp Chăn nuôi Gò Sao, Công ty VN Kỹ nghệ Súc sản Vissan, Công ty CP Sách Thiết bị trường học Sài Gòn, các DN chế biến thủy hải sản, dệt, nhuộm, hàn, cơ khí...

Sau vụ cháy Rạng Đông: Bao nhiêu nhà máy cần di dời ra khỏi khu dân cư?

Nhà máy rác cần đưa ra khu dân cư. Ảnh: T.L.

Trong 2 năm 2017 - 2018, Sở TN-MT TP.HCM đã phê duyệt 233 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường khoảng 10 hồ sơ; các dự án đều có đầu tư các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, TP tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào khu công nghiệp. Cụ thể, đến nay có 3/3 cơ sở đã tự di dời xong; 2/2 cơ sở đã thực hiện xong chuyển đổi ngành nghề khác; 11/16 cơ sở đã ngưng hoạt động hoàn toàn; còn 5 cơ sở chưa chấp hành di dời.

Theo thống kê và rà soát, tổng số cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý là 48 cơ sở; trong đó, 19 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, 27 các nguồn thải lớn có lưu lượng từ 1000m3/ngày đêm trở lên, 2 nguồn thải lớn có lưu lượng từ 1000m3/ngày đêm trở lên trong khu công nghiệp nhưng xả thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, sửa đổi các quy định về đánh giá tác động môi trường; Bộ TN-MT sớm ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM nhằm củng cố cơ sở pháp lý buộc di dời đối với các cơ sở không chấp hành ngưng hoạt động sản xuất, phải di dời tại khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12…

Khắc phục sai lầm trong quy hoạch

Từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông, có thể thấy vấn đề quy hoạch đô thị thay đổi liên tục và thiếu tầm chiến lược là vấn nạn ở nhiều thành phố, không riêng gì Hà Nội.

Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, những cơ sở, nhà máy có hoạt động dễ gây nguy hại cho cộng đồng dân cư thì cần di dời ngay, như bệnh viện lao, các nhà máy sản xuất các loại độc hại như chì, thủy ngân, xi măng (bụi mịn),…

Lúc trước, các thành phố còn ít dân nên nhiều nhà máy bóng đèn, phích nước hay khu cao-xà-lá (tổ hợp công nghiệp) nằm trong nội ô, còn trong TP.HCM thì có nhà máy xi măng Hà Tiên nằm ở khu vực ngoại thành. Theo thời gian, đô thị cứ nở ra, các khu đó lại thuộc về nội thành, buộc phải di chuyển. Thông thường, các khu công nghiệp, nhà máy hóa chất độc hại phải được di chuyển ra bên ngoài hành lang vành đai xanh - TP nào cũng có vành đai xanh như thế để bảo vệ khu dân cư. Thế nhưng chuyện di chuyển phải được thực hiện trên tinh thần kiên quyết, triệt để, không thể nhân nhượng được.

“Còn cách thức di chuyển như thế nào, vốn đâu ra thì nhà nước phải tính vì nếu đất của người ta thì giải tỏa đền bù ra sao, nếu đất của doanh nghiệp thì người ta có quyền hoán đổi hoặc bán. Tuy nhiên, khi di dời cũng phải tính đến điểm đến. Điểm đến cần tránh cụ thể: Một là không di dời đến đầu nguồn nước, nguồn sông hồ; thứ hai là tránh đầu ngọn gió, và thứ ba - phải tính được độ nở của đô thị. Nở đến lúc nào thì dừng lại; nếu không, 20 năm sau lại phải di dời nhà máy… Thường những khu độc hại thường được dồn vào một chỗ để có chính sách thống nhất cho khu đó về xử lý rác thải, thu gom khí độc”, PGS.TS Hòa nhấn mạnh.

Sau vụ cháy Rạng Đông: Bao nhiêu nhà máy cần di dời ra khỏi khu dân cư?

Các công ty, doanh nghiệp xả khí thải đen kèm theo mùi hôi ra môi trường ngay gần Trạm xử lý nước thải số 1 KCN Tân Phú Trung, Củ Chi. Ảnh: Phapluat.net

Cũng theo ông, sau vụ này, nên rút kinh nghiệm vì VN ngoài những sai lầm về quy hoạch ra còn có những cái dở khi đối phó với rủi ro. Đáng lẽ khi sự vụ diễn ra rồi, phải làm sạch môi trường, phải công khai, minh bạch thông tin để người ta biết. "Chủ tịch phường Hạ Đình thông báo cho dân, nhưng lại bị bà Chủ tịch quận nhắc nhở, gỡ bỏ thông báo – hành động của Chủ tịch quận là sai. Chất độc thủy ngân là một trong những chất độc hạng A, rất nguy hiểm, không thể chỉ trấn an và giấu giếm là xong. Cũng nên nhắc đến sự chậm trễ của Bộ TN-MT, Bộ Y tế, quân đội (Binh chủng hóa học) và trách nhiệm đầu tiên thuộc về bản thân nhà máy Rạng Đông vốn có những kỹ sư chuyên ngành hóa, về khí sẽ biết độc đến đâu, phải cảnh báo cho dân để giảm bớt thiệt hại", ông Hoà nói.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty V.Arichi, việc di dời các cơ sở, nhà máy ra khỏi khu dân cư TP cần phải làm quyết liệt, nếu chần chừ thì ngày càng có nguy cơ gây ô nhiễm không khí, môi trường và sức khỏe của người dân. Cũng theo ông, đây là bài học cảnh báo về sai lầm trong quy hoạch đô thị: "Quy hoạch phải tính trước hàng chục năm, đồng bộ, chứ không phải quy hoạch theo kiểu bao cấp như hiện nay".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại