24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau Tết Nguyên đán, không quá lo thiếu lao động

Nguy cơ thiếu hụt lao động sau Tết có thể có song không đáng kể, các doanh nghiệp ngày càng có chính sách chăm lo về lương, thưởng, nhằm tạo động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp…

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.

CÓ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG NHƯNG KHÔNG ĐÁNG KỂ ?

Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, hơn 2,2 triệu người lao động từ thành phố, các địa phương bùng phát dịch đã hồi hương về quê, chủ yếu từ TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam…Làn sóng di chuyển ồ ạt về quê gây ra những lo ngại về việc thiếu hụt lao động tại các địa phương lớn, đặc biệt sau thời điểm Tết Nguyên đán 2022.

Tuy nhiên, tại TP. HCM, khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM mới đây cho thấy, trong những tháng cuối năm 2021 thị trường lao động tại TP. HCM - nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Việc thành phố thực hiện nới lỏng giản cách xã hội, cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo chiều hướng tích cực.

Sự dịch chuyển lao động từ thành phố về các tỉnh, thành trước tác động của dịch bệnh và người lao động chưa hoàn toàn trở lại thành phố làm việc, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết bằng các hoạt động thiết thực để hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhằm tạo động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Hiện thành phố đang áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt vừa thích ứng với tình hình mới, vừa đảm bảo chống dịch, trong đó, việc sử dụng mạng xã hội, các nền tảng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến được tăng cường nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động.

Thời điểm sau Tết phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ việc mở rộng thị trường, dự kiến một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn Tết.

Còn tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, sau Tết nguy cơ thiếu hụt lao động trên địa bàn Thủ đô có thể vẫn có song không đáng kể, và còn tùy thuộc vào mỗi ngành nghề.

Theo ông Thành, qua nắm bắt từ các doanh nghiệp thì họ cũng thừa nhận việc thiếu lao động là khó tránh khỏi. Về phía người lao động hiện nay có nhiều sự lựa chọn hơn, tâm lý lo sợ dịch bệnh cũng là một yếu tố để cân nhắc tìm kiếm nơi làm việc vừa thực hiện tốt chế độ phúc lợi vừa đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh.

GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG BẰNG CHÍNH SÁCH AN SINH

Để giữ chân được người lao động quay trở lại sau Tết, ông Vũ Quang Thành cho rằng, còn phụ thuộc vào chính sách phúc lợi dành cho người lao động của doanh nghiệp, thực tế việc thiếu hụt lao động thường xảy ra nhiều hơn ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, lao động phổ thông không đòi hỏi nhiều về trình độ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM cũng cho biết, để hỗ trợ lao động sau Tết quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, TP. HCM sẽ có các chính sách đặc thù như về nhà ở xã hội giá thấp, vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, tổ chức các khu lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần công khai thang, bảng lương, quy chế thưởng để giữ chân người lao động.

Khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm cũng cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có chính sách giữ chân, nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Về phía địa phương cũng đã có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả