Sau những cú sốc, giá khí đốt sẽ tiếp tục leo thang?
Thị trường khí đốt đang trong tình trạng thâm hụt do nhu cầu ngày càng tăng và tăng trưởng nguồn cung chậm. Các chuyên gia của 1prime cho rằng, giá khí đốt có thể sẽ hạ nhiệt nếu mùa đông năm nay ấm áp và nguồn cung gia tăng mạnh, trong đó có nguồn cung từ Nga.
Giá khí đốt trên thị trường giao ngay ở châu Âu lần đầu tiên chạm mốc 2.000 USD/1000 m3 vào ngày 06/10, sau đó giảm mạnh vào ngày 07/10 và phục hồi quanh mức 1.200 USD/1000 m3. Theo đánh giá của Bank of America, giá khí đốt châu Âu đã tăng 4 lần kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Theo đánh giá của Argus trong báo cáo về sự phát triển thị trường khí đốt, chi phí khí đốt thiên nhiên và LNG trong mùa hè và mùa thu năm nay đã vượt qua giá dầu ở cả thị trường châu Âu và châu Á và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Mới đây, Tổng thống Nga V.Putin đã nói về sự cần thiết phải gia tăng nguồn cung khí đốt trên thị trường thế giới. Lãnh đạo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng, Nga có thể giảm thiểu cuộc khủng hoảng giá năng lượng bằng cách tăng xuất khẩu khí đốt sang thị trường châu Âu thêm 15% so với sản lượng cung cấp tối đa hàng năm. Việc tăng nguồn cung khí đốt của Nga sẽ giúp “hạ nhiệt” thị trường. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch điều hành Gazprom kiêm tổng giám đốc điều hành công ty Gazprom Export Elena Burmistrova cho biết, hãng đã cung cấp lượng khí đốt gần mức kỷ lục trên thị trường quốc tế trong năm 2021.
Giá khí “bùng nổ”
Sự nhảy vọt của giá khí đốt trên các sàn giao dịch quốc tế trong những ngày gần đây đã và đang gây áp lực rất lớn đối với những người mua, vốn phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu này. Một số chuyên gia thị trường cho rằng, sự thay đổi lớn như vậy đã khiến thành phần đầu cơ trong cấu trúc giá cũng thay đổi rõ ràng. Trên thị trường đã ghi nhận các báo cáo về việc những người chơi bị mắc kẹt trong tình trạng bán khống, buộc phải chốt các hợp đồng bán khống khí đốt với bất kỳ giá nào. Đây là “chất xúc tác” mới nhất cho sự gia tăng bùng nổ giá nhiên liệu.
Sau khi tăng gần hai lần, giá khí đốt giảm xuống. Các nhà đầu cơ sử dụng những tin tức từ Nga như một công cụ để tác động mạnh đến thị trường. Việc giá khí giảm mạnh ngay lập tức sau những tuyên bố của Tổng thống V.Putin cho thấy, giá khí đốt đang ở mức “quá nóng” so với thực tế và cao hơn nhiều so với chi phí của các loại nhiên liệu tương đương khác. Các chuyên gia trong ngành nhận định, với giá dầu ở mức 80 USD/thùng thì giá khí thị trường lẽ ra phải ở mức 470 USD/ 1000 m3.
Phía công ty thị trường Otkrytie Broker (Nga) cho biết, tất cả các mức giá giao dịch hiện nay đều phản ứng tỷ lệ cung và cầu hiện tại. Đồng thời, cần lưu ý đến thị trường khí đốt giao ngay, nơi đang trải qua một đợt tăng giá “bùng nổ” do thiếu các thỏa thuận sơ bộ và xảy ra sự chậm trễ trong việc giao hàng. Đối với thị trường cung cấp khí dài hạn, mặc dù có sự gia tăng về giá, song không quá lớn.
Theo một số nguồn dữ liệu mở, chi phí khí đốt theo các hợp đồng dài hạn của Gazprom hiện vào khoảng 250 - 270 USD/1000 m3. Đây là giá khí đốt trong các hợp đồng được ký kết có tính đến nguyên tắc neo giá khí vào giá dầu trong công thức giá. Tuy nhiên, ở trên thị trường giao ngay, giá khí giao tháng 10 đã đạt 530 - 790 USD/ 1000 m3. Ngoài ra, hiện nay đang là giai đoạn đàm phán lại hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Gazprom và một số nước nhập khẩu tại EU. Liên quan đến tình hình thị trường khí đốt hiện tại, một số nhà nhập khẩu mong muốn liên kết giá khí đốt với thị trường dầu. Điều này có khả năng làm tăng tỷ trọng các hợp đồng như vậy trong danh mục đầu tư của Gazprom. Một số chuyên gia của 1prime nhận định, không thể so sánh trực tiếp các nguồn năng lượng khác năng chỉ bởi giá trị năng lượng vì khí đốt có những lợi thế riêng so với dầu mỏ và than đá. Tuy nhiên, sự chênh lệch quá lớn giữa chi phí và giá thị trường đang gây bất hợp lý.
Giá hiện tại
Theo giám đốc tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa tại Fitch Dmitry Marinchenko, rõ ràng mức giá khí trên 1000 USD/1000 m3 là không bền vững và không phản ánh tình trạng thiếu khí đốt hiện tại. Tuy nhiên, thị trường đang lo ngại tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa đông. Đây là lý do tại sao thị trường châu Âu và châu Á tiếp tục tăng dự trữ khí đốt ngầm mặc dù giá cao kỷ lục. Đồng thời, sự gia tăng “bùng nổ” giá khí và những biến động lớn từ thị trường đã dẫn đến thực tế là nhiều nhà kinh doanh đã phải từ bỏ những nguyên tắc kinh doanh khí cơ bản.
Giá cả hiện tại đang bị đẩy lên quá cao do tâm lý sợ hãi nhiều hơn là sự cân bằng cung và cầu hiện tại. Chuyên gia Marinchenko cho rằng, giá khí sẽ giảm rất nhanh và có thể xuống mức 200 USD/ 1000 m3 hoặc thậm chí thấp hơn vào năm 2023 do một số nhà máy LNG mới sẽ tiếp tục được đưa vào vận hành trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, giá khí đốt sẽ tiếp tục điều chỉnh tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng nhu cầu và một số yếu tố khác.
Một số chuyên gia của công ty tài chính FINAM (Nga) nhận định, giá khí đốt dài hạn ở mức 250 - 300 USD/1000 m3 là phù hợp. Điều này đủ để thúc đẩy các nguồn cung mới ra thị trường thông qua các dự án LNG và làm hài lòng người tiêu dùng. Còn hiện nay, thị trường khí đốt địa phương đang ở trong tình trạng thâm hụt do nhu cầu tăng trưởng tăng đột biến và nguồn cung tăng chậm. Vì vậy trong tình huống này, giá khí đốt sẽ chưa trở về mức bình thường nếu tình trạng thâm hụt nguồn cung chưa được loại bỏ. Điều này sẽ xảy ra nếu mùa đông năm nay ấm áp và nguồn cung khí đốt tăng đáng kể, nhất là từ Nga.
Thu hút chú ý
Giới chuyên gia cho biết, “sức nóng” của thị trường đã lên quá cao và không dễ dàng đối phó nhanh chóng với đà tăng giá hiện nay. Là một nhà cung cấp quan trọng, Gazprom sẽ cố gắng tăng nhẹ nguồn cung, chẳng hạn bằng cách giao dịch điện tử. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung bổ sung sẽ để dành đến khi đường ống North Stream 2 chính thức vận hành. Một số chuyên gia của 1prime cho rằng, Nga khó có thể thay đổi đáng kể tình hình trên thị trường khí đốt toàn cầu hiện nay vì bản thân Nga không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khoảng giá, nhất là ở châu Âu. Sự sụt giảm nguồn cung khí đốt thiên nhiên cho người tiêu dùng EU xuất phát chính từ các nhà sản xuất, xuất khẩu LNG sang châu Âu cũng như giảm tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các cơ sở lưu trữ ngầm, bắt đầu từ năm 2020.
Hoàn toàn không thể chắc chắn rằng, các kho khí ngầm sẽ được lấp đầy trong một thời gian ngắn khi mà nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng mạnh. Nguồn cung của Gazprom cho thị trường châu Âu đã tăng 17% trong tháng 8 năm nay, gần bằng mức tăng của mùa thu năm 2019. Thị phần nguồn cung của Nga trên thị trường châu Âu đã tăng lên 43%, vượt xa thị phần mà Ủy ban châu Âu luôn khẳng định là trong khoảng 30 - 35%.
Tình hình có thể được giải quyết bằng nguồn cung cấp bổ sung từ Gazprom, nhưng sẽ là trong khuôn khổ các hợp đồng dài hạn, chứ không phải trong các hợp đồng giao ngay. Điều này sẽ chỉ giúp giảm giá khí đốt trong ngắn hạn và không thể giải quyết vấn đề chính. Động thái mới đây của Gazprom là xem xét ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt bổ sung cho thị trường châu Âu
Thị trường tập trung vào công thức tính giá khí
Những đợt tăng vọt giá khí đã và đang xảy ra có thể khí giới thị trường phải cân nhắc những thay đổi trong các quy định về giá đối với nguồn cung cấp khí đốt. Qua những sự kiện đã xảy ra, giới thị trường buộc phải tính đến thay đổi các quy trình, sản xuất và tiêu thụ năng lượng, cũng như cân nhắc phương án giá khí đốt dài hạn nên gắn liền với mức giá trung bình, biến động ít hơn và không bị tác động mạnh bởi giá giao dịch trên các sàn hàng hóa. Kết quả là, những người chơi quan trọng trên thị trường cũng sẽ phải suy nghĩ về những thay đổi công thức giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận