Sau một số sai phạm, thị trường trái phiếu hiện đang hoạt động như thế nào?
Sáng ngày 16/8, tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững", ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, sau thời kỳ trầm lắng và một số sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định, theo Báo Dân Việt.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, thị trường trái phiếu đã có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023.
Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, Uỷ ban Chứng khoán đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của CTCK và công ty quản lý quỹ).
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Trọng Hiếu
Theo mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến 2025 đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP. Uỷ ban Chứng khoán đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường và được Chính phủ phê duyệt.
"Đúng tinh thần để thị trường trái phiếu phát triển chuyên nghiệp, bền vững của hội thảo hôm nay thì Uỷ ban Chứng khoán cũng đang hướng tới mục tiêu này", ông Thu nhấn mạnh.
Theo ông Thu, để đạt được mục tiêu nêu trên không dễ dàng. Bởi làm sao để quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững song vẫn tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn.
Ngoài cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu còn có đơn vị phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn và nhà đầu tư.
"Chúng ta cần nâng tính chuyên nghiệp của mỗi chủ thể lên. Đặc biệt, Uỷ ban chứng khoán sắp tới sửa nghị định 155. Quốc hội vừa cho phép Chính phủ làm 1 luật sửa nhiều luật. Bộ Tài chính đang trình sửa 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán", ông Thu nói về sửa chính sách.
Cùng đó, một số nội dung gồm: Tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ thay vì cơ quan quản lý thực hiện; Tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia như đơn vị tư vấn, xếp hạng tín nhiệm.
Ông Thu cho biết thêm, những giải pháp này giúp giảm thời gian đánh giá hồ sơ cho cơ quan quản lý. Đồng thời, bản thân đơn vị phát hành phải có được dự án, mục tiêu đầu tư để có được thời gian đáo hạn trái phiếu, đảm bảo trả lãi và gốc.
Trong câu chuyện sai phạm xảy ra trên thị trường đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế. Do vậy, theo định hướng của Uỷ ban Chứng khoán đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2024, đã có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường trái phiếu ấm dần.
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Cũng theo ông Tô Trần Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN cho biết, Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 mới ban hành đã có những thay đổi lớn trong quy định pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng phải được UBCKNN cấp phép chào bán và có xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Tiếp đến, vào ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đã chính thức đi vào hoạt động là một bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp thị trường phát triển chuyên nghiệp và bền vững.
Theo ông Hoà, việc triển khai xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại SGDCK Hà Nội, hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.
Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ.
"Với việc Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ được đưa vào vận hành tại SGDCK giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và hoạt động ổn định, đồng thời góp phần ổn định tâm lý và tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Hòa chia sẻ.
Sau 1 năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, về quy mô thị trường, giá trị trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của SGDCK Hà Nội.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm 2024 đến nay có kỳ hạn phát hành bình quân 4,2 năm và lãi suất phát hành bình quân 6,63%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận