24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau loạt khủng hoảng, khối ngân hàng nhỏ ở Mỹ đối mặt vấn đề lớn

Những biến động trong cổ phiếu ngành ngân hàng tuần qua cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ vẫn chưa khép lại sau thương vụ mua lại First Republic của JPMorgan.

Cổ phiếu của PacWest Bancorp đã giảm 50% sau khi ngân hàng này cho biết họ đang xem xét khả năng “bán mình”. Bên cạnh đó, ngân hàng Western Alliance có trụ sở tại Phoenix cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ, buộc phải tạm dừng giao dịch nhiều lần.

Cổ phiếu của PacWest và Western trước đó đã tăng trở lại lần lượt 82% và 49%, nhưng rồi lại tiếp tục sụt giảm.

“Những người gửi tiền vào các ngân hàng khu vực đã mất niềm tin. Họ đang rút cạn vốn của các ngân hàng và đẩy họ vào tình trạng mất khả năng thanh toán”, nhà báo Charles Gasparino của New York Post nhận định.

Còn theo ông Amit Seru, giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Standord, vụ giải cứu First Republic của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgain không đủ để xoa dịu những lo lắng về hệ thống ngân hàng.

Quá nhỏ để thành công

Những bất ổn gần đây tập trung vào các ngân hàng kém hơn một vài bậc so với những “gã khổng lồ” ở Phố Wall, vốn là nguồn tài trợ quan trọng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, những “ông lớn” tài chính được giải cứu khỏi bờ vực được cho là “quá lớn để thất bại”, và các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan quản lý tập trung vào việc đảm bảo các ngân hàng đó hoạt động an toàn hơn. Trong khi đó, điều gì xảy ra nếu một số ngân hàng trở nên “quá nhỏ để phát triển” lại ít ai để tâm đến.

Sau loạt khủng hoảng, khối ngân hàng nhỏ ở Mỹ đối mặt vấn đề lớn

Vụ phá sản của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hôm 10/3 mở màn cho cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ ở Mỹ mà còn lan sang các khu vực khác trên thế giới. Ảnh: NPR

“Nhỏ” ở đây chỉ là là một từ ngữ mang tính tương đối. Tình trạng hỗn loạn gần đây trong ngành ngân hàng Mỹ chủ yếu tập trung vào các ngân hàng có tài sản trị giá từ 10 tỷ USD đến những ngân hàng như ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và First Republic với khoảng 200 tỷ USD.

Những con số này đủ để liệt những ngân hàng này vào danh sách 20 ngân hàng hàng đầu của Mỹ, nhưng lại không nhằm nhò gì so với những ngân hàng top 4 quốc gia này với khối tài sản hàng nghìn tỷ USD.

Số tiền JPMorgan bỏ ra để mua lại First Republic từ Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cũng không nhằm nhò gì so với khối tài sản trị giá gần 4.000 tỷ USD của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Có một số hy vọng rằng bóng tối bao trùm các ngân hàng khu vực có thể tan biến sau khi vấn đề của First Republic được giải quyết. Xét cho cùng, cả First Republic và SVB đều có những vấn đề cụ thể, đáng chú ý nhất là mức tiền gửi không được bảo hiểm cao, khiến khách hàng dễ rút tiền hàng loạt khi họ cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa thể dập tắt mối lo đó cho khách hàng. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW đã giảm 30% kể từ đầu năm, và giảm 9,5% kể từ ngày 1 tháng 5, khi JPMorgan bước mua lại First Republic.

Điều này không chỉ khiến các cổ đông của các ngân hàng lo lắng. Các ngân hàng khu vực vốn là nguồn tài chính chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ, do đó, nếu những ngân hàng này suy yếu, những doanh nghiệp nhỏ càng khó vay tiền. Họ có thể sẽ phải chuyển sang các ngân hàng lớn hơn, hoặc buộc các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập.

Nhiều người đã “đánh giá thấp ý nghĩa của các ngân hàng này đối với hệ sinh thái tài chính của chúng ta”, cựu Chủ tịch FDIC Jelena McWilliams nhận định.

Khoản lỗ khổng lồ

Ngân hàng First Republic đã tìm ra thị trường ngách là tệp khách hàng cao cấp, trong khi SVB trở thành một tổ chức chuyên cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp.

Khi có một khoản tiền, các ngân hàng này thường chọn lối đi an toàn là đầu tư số tiền đó vào trái phiếu chính phủ hoặc cung cấp các khoản thế chấp cho khách hàng có điểm tín dụng cao. Tuy nhiên, các khoản này có thời gian đáo hạn dài hơn, khiến các ngân hàng chịu rủi ro về lãi suất.

Khi thực hiện những biện pháp này, các ngân hàng thường đặt cược rằng lãi suất sẽ không tăng quá nhiều và quá nhanh. Tuy nhiên, SVB và First Republic đã đặt cược sai. Năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xoay trục để chống lạm phát và bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất từ mức gần bằng 0%. Đến tháng 5/2023, ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa lãi suất cho vay cơ bản lên mức 5%, cao nhất kể từ năm 2007.

Những đợt nâng lãi suất của Fed đã khiến các ngân hàng Mỹ chịu khoản lỗ trên giấy tờ 620 tỉ USD, tính đến cuối năm 2022. Một ngân hàng sẽ không gặp rủi ro nếu có thể giữ chứng khoán thua lỗ cho đến ngày đáo hạn, nhưng nếu khách hàng rút tiền ồ ạt, họ sẽ phải bán lỗ số chứng khoán đó, khiến họ mất khả năng thanh toán.

Sau loạt khủng hoảng, khối ngân hàng nhỏ ở Mỹ đối mặt vấn đề lớn

Kể từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2023, Fed đã tăng lãi suất cho vay từ mức gần bằng 0% lên mức 5-5,25% nhằm kiểm soát lạm phát. Ảnh: Korea Times

Những ngân hàng sụp đổ đợt vừa rồi đã phải chịu áp lực khi khách hàng bắt đầu nhận thấy những khoản lỗ mà họ sẽ phải gánh chịu, hoặc quyết định chuyển tiền sang các ngân hàng khác mang về nhiều lợi nhuận hơn khi lãi suất tăng.

Sự việc bắt đầu bằng việc cổ phiếu của một ngân hàng sụt giá, khiến sự ngờ vực bắt đầu tăng lên. Tiền gửi sau đó vẫn sẽ ở mức tương đối ổn định, và mọi chuyện dần lắng xuống nhưng sau đó lại tiếp tục bùng lên lần nữa bởi sự hoang mang chưa được dập tắt.

Trong khi các ngân hàng nhỏ hơn bị mắc kẹt trong sự ngờ vực, các ngân hàng lớn lại có thể tránh được nỗi đau này, một phần là do họ phải chịu các quy tắc và sự giám sát nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, họ cũng thường có nhiều vốn hơn và có nhiều cách để loại bỏ những tài sản lợi suất thấp khỏi bảng cân đối kế toán của họ bằng cách chứng khoán hoá hoặc bán tài sản.

Có một cuộc tranh luận đang diễn ra, đó là liệu cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng là kết quả của việc Fed đẩy quá nhanh quá trình tăng lãi suất hay là tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng Morgan Stanley Seth Carpenter, khi các ngân hàng gặp căng thẳng, họ có thể đổ vỡ theo những cách không thể đoán trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả