Sau cú sốc Evergrande, một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên địa ốc xanh vỡ nợ
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Modern Land cho biết không thể thanh toán gốc và lãi cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD đáo hạn vào ngày 25/10.
Trong tuyên bố được Modern Land đưa ra, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh này đưa ra nguyên nhân không thể trả gốc và lãi là do một cuộc khủng hoảng tiền mặt bất ngờ gây ra, bởi "các yếu tố bao gồm môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường ngành bất động sản và đại dịch COVID-19".
Modern Land trước đó đã lên kế hoạch mua lại một số trái phiếu trị giá 250 triệu USD và đẩy hết ngày đáo hạn đối với phần còn lại. Nhưng công ty đã loại bỏ kế hoạch đó vào tuần trước, bởi họ tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đã quyết định rằng động thái này sẽ không vì lợi ích tốt nhất của công ty hoặc các bên liên quan khác, bao gồm cả các nhà đầu tư trái phiếu.
Hôm 26/10, nhà phát triển bất động sản nhắc lại rằng họ đang làm việc với các luật sư từ Sidley Austin và đang tìm cách thuê cố vấn tài chính để giúp phát triển một kế hoạch “có tính đến lợi ích của các bên liên quan trong và ngoài nước”.
Daniel Anderson, chuyên gia từ văn phòng công ty luật Ropes & Grey LLP tại Hồng Kông, cho biết ngày càng nhiều nhà phát triển địa ốc Trung Quốc có khả năng vỡ nợ và cơ cấu lại các khoản nợ của họ.
Modern Land không cho biết việc không trả nợ trái phiếu có ngay lập tức tạo thành sự kiện vỡ nợ hay không, hay liệu nó có gây ra các điều khoản vỡ nợ đối với các khoản nợ khác hay không. Các nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics đã gọi sự cố này là một vụ vỡ nợ trong một lưu ý gửi tới khách hàng.
Với Modern Land, công ty được thành lập vào năm 2000 và niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2013. Công ty đã tạo ra một vị thế thích hợp cho riêng mình bằng cách tập trung vào công nghệ xanh và cho biết nhà ở của họ chỉ tiêu thụ một phần ba năng lượng được sử dụng bởi các tòa nhà dân cư bình thường. Năm 2016, Modern Land trở thành nhà phát triển bất động sản đầu tiên của Trung Quốc bán trái phiếu xanh quốc tế.
Năm ngoái, công ty đã báo cáo doanh thu bán tài sản theo hợp đồng tương đương 6,5 tỷ USD.
Chủ tịch Zhang Lei là cổ đông lớn của công ty, với khoảng 66% cổ phần tính đến cuối tháng 12, theo báo cáo thường niên của công ty. Đầu tháng này, Modern Land cho biết ông Zhang và nhà quản trị khác của công ty, Zhang Peng, sẽ cùng nhau cho doanh nghiệp vay tổng cộng 800 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 125 triệu USD, trong vòng hai đến ba tháng tới.
Công ty có bốn loại trái phiếu USD khác với tổng mệnh giá khoảng 1,1 tỷ USD đến hạn từ năm 2022 đến năm 2024, theo Tradeweb. Nhà phát triển bất động sản xanh này báo cáo tổng các khoản vay khoảng 28,75 tỷ Nhân dân tệ tính đến cuối tháng 6, tương đương khoảng 4,5 tỷ USD, bao gồm cả các khoản vay và trái phiếu.
Cũng theo chính Modern Land vào ngày 4/10, hợp đồng bán bất động sản và chỗ đậu xe trong tháng 9 đạt tổng giá trị khoảng 3,56 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 558 triệu USD. Con số này thấp hơn khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc mắc nợ trái phiếu đô la Mỹ chưa thanh toán đang phải vật lộn để thích ứng với thời đại tín dụng thắt chặt hơn và doanh số bán nhà giảm. Theo thống kê của Bloomberg, số vụ vỡ nợ trái phiếu USD của các doanh nghiệp Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay đã lập kỷ lục mới, với tổng trị giá ít nhất 8,7 tỷ USD.
Kể từ đầu tháng đến nay đã có rất nhiều công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, và số công ty bị hạ mức xếp hạng tín dụng cũng tăng rất nhanh, liên tiếp lập kỷ lục mới. Tính đến ngày 21/10, đã có 44 lần Moody’s Investors Service, S&P Global Ratings và Fitch Ratings hạ bậc xếp hạng. Con số của tháng 9 là 34 lần.
Việc bán tháo mạnh trên thị trường trái phiếu “rác” của Trung Quốc đã khiến một số công ty bất động sản không thể tái cấp vốn cho khoản nợ đáo hạn của họ bằng cách phát hành trái phiếu đô la mới. Theo CRIC, một nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc, tổng doanh số theo hợp đồng tại 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, tập đoàn China Evergrande Group đã bất ngờ tránh vỡ nợ bằng cách trả 83,5 triệu USD tiền lãi cho các trái chủ quốc tế ngay trước khi hết thời gian ân hạn 30 ngày. Cuối tuần qua, Evergrande cho biết một số dự án bị tạm dừng đã được tiếp tục. Nhưng các đối thủ nhỏ hơn khác đã không trả được nợ cho các nhà đầu tư như đã hứa, bao gồm Fantasia Holdings Group Co., China Properties Group Ltd. và Sinic Holdings (Group) Co.
Ông Daniel Anderson cho biết, những khó khăn của Evergrande và doanh số bán nhà chậm lại có nghĩa là các nhà phát triển không còn có thể chỉ đơn giản là huy động vốn từ việc bán trái phiếu mới để khắc phục các vấn đề thanh khoản. “Những ngày này, rất khó để một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đi ra thị trường và nói: Vui lòng mua trái phiếu của tôi ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận