Sau cú “lột xác”, VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận tăng vọt
Từ mức lợi nhuận hơn 13 tỷ đồng năm 2019, đến năm 2023 VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận tăng gần 7 lần lên mức 105 tỷ đồng.
Tập trung tăng trưởng tín dụng thẻ vay
Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) được hình thành từ Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên vào tháng 6/2018. CFC trước đây được biết đến là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và được thành lập vào ngày 5/9/2008.
Sau thời gian tái cơ cấu, VietCredit lên kế hoạch kinh doanh từ năm 2019 – 2023 để báo cáo cổ đông. Theo tài liệu báo cáo cổ đông, VietCredit sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 687 tỷ đồng năm 2019 lên mức 1.100 tỷ đồng vào năm 2023.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thẻ vay (thẻ tín dụng nội địa - sản phẩm chủ đạo của VietCredit), được giả định dựa trên năng suất bán hàng hiện tại của công ty, khả năng huy động nguồn vốn cũng như dự trù về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thực tế được duyệt bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VietCredit đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thẻ vay tới 110% năm 2020 và giảm dần về mức 45%, 30% và 25% trong 3 năm tiếp theo.
Nguồn: VietCredit.
Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức 8% năm 2019 xuống còn 3% vào các năm tiếp theo.
Với những giả định trên, tổng tài sản của VietCredit tăng trưởng đều qua các năm, từ mức 3.071 tỷ đồng năm 2019 lên mức 5.111 tỷ đồng, 6.741 tỷ đồng, 8.389 tỷ đồng, 9.816 tỷ đồng vào các năm 2020 đến 2023.
Việc tăng tổng tài sản chủ yếu từ việc tăng trưởng dư nợ thẻ vay từ 1.930 tỷ đồng năm 2019 lên 9.549 tỷ đồng vào năm 2023. Trong đó, năm 2020 đóng góp vai trò quan trọng với mức tăng trưởng hơn 2.100 tỷ đồng dư nợ thẻ vay.
Theo đó, cho vay khách hàng cũng tăng tương ứng từ mức 1.992 tỷ đồng năm 2019 lên mức 9.615 tỷ đồng năm 2023.
Nguồn: VietCredit.
Để có nguồn vốn cho tăng trưởng dư nợ thẻ vay, VietCredit chủ trương huy động vốn chủ yếu từ 3 nguồn: phát hành chứng chỉ tiền gửi, vốn huy động từ các tổ chức tài chính khác và tăng vốn điều lệ. Theo đó, nguồn vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức từ 650 tỷ đồng tới 800 tỷ đồng. Nguồn vốn quan trọng nhất đến từ việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cho doanh nghiệp trong nước vào ngoài nước.
Tăng nhanh lợi nhuận để xoá nợ xấu
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu lần lượt là 181%, 52% 29% và 23% trong các năm 2020 – 2023.
Tương ứng với sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận thu về, dự kiến lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 45 tỷ đồng năm 2020, 61 tỷ đồng năm 2021 và 82 tỷ đồng năm 2022.
Trong đó, cơ cấu thu nhập của VietCredit vẫn đến từ mảng thẻ vay là chính lên tới 78% cơ cấu nguồn thu của công ty. Tỷ lệ này đến năm 2023 lên tới 95%.
Nguồn: VietCredit.
VietCredit cho rằng phần lợi nhuận tạo ra tăng trưởng qua các năm tới đủ để công ty thực hiện việc bán thanh lý 05 tàu biển đang là tài sản xử lý nợ. Đây là tài sản mà VietCredit đã thu hồi thông qua việc cấn trừ công nợ giữa Công ty Tài chính cổ phần Xi măng CFC (nay là VietCredit), Công ty Cho thuê Tài chính 1 – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (ALC1) và 04 khách hàng thuê tài chính của Công ty ALC1.
Theo đó, VietCredit đã sở hữu 05 con tàu, trong đó có 03 tàu đã hoàn thiện và 02 tàu chưa hoàn thiện. Đối với 03 tàu đã hoàn thiện, VietCredit đã tiến hành tìm đối tác để tiến hành hợp tác kinh doanh cũng như cho thuê tàu để bù đắp một phần chi phí khấu hao.
Đối với 2 tàu chưa hoàn thiện, thì 01 tàu đang hoàn thiện và 01 tàu giữ nguyên hiện trạng. Trong suốt giai đoạn này, thị trường tàu biển chưa có nhiều khởi sắc, cũng như kết quả kinh doanh của VietCredit chưa đảm bảo để có thẻ bán xử lý tàu.
Đối với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (02 khoản nợ của CTCP Med-Aid Công Minh (MCM) và CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNFS)) để nhận về trái phiếu đặc biệt với tổng mệnh giá 228 tỷ đồng, với khả năng trả nợ của 2 đơn vị trên là rất thấp, VietCredit vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đã bán này.
Năm 2021, dự kiến với kết quả kinh doanh khả quan, VietCredit có thể bán 02 con tàu trên, năm 2022 bán tiếp 03 con tàu đã hoàn thiện.
Kế hoạch đến năm 2023,VietCredit sẽ xử lý hết toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, lợi nhuận trước thuế dự kiến ghi nhận 105 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với mức lợi nhuận ghi nhận năm 2019 là 13,3 tỷ đồng và gấp 1,2 lần năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận