Sáu cách để Bộ Quốc phòng Mỹ giảm phụ thuộc vào đồ Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Mỹ, chuỗi cung ứng, COVID-19, thiết bị điện tử, đất hiếm, nhập khẩu, công nghiệp quốc phòng, an ninh quốc gia, Trung Quốc
Giảm rủi ro chiến lược và cạnh tranh
“Đại dịch COVID-19 hoặc những thứ tương tự đã dạy cho Mỹ và các đồng minh của chúng ta một bài học rằng, các đối thủ, đặc biệt là Mỹ, có khả năng vũ khí hóa các điểm yếu trong chuỗi cung ứng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta”, tạp chí quốc phòng The Breaking Defense ngày 23/7 dẫn báo cáo của Nhóm đặc trách.
Năm nay, Đạo luật Cấp phép quốc phòng của Mỹ chắc chắn sẽ có những sửa đổi để buộc Bộ Quốc phòng nâng cao nhận thức về những đối tượng bán thiết bị, linh kiện, phụ tùng cho quân đội Mỹ với mục đích chính là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn Trung Quốc.
Những sửa đổi đó được thể hiện trong báo cáo mới nhất của Nhóm đặc trách. Lãnh đạo của nhóm này là 2 thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, gồm bà Elissa Slotkin (từng là quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế) và ông Mike Gallagher (cựu lính thủy đánh bộ). Báo cáo chỉ ra những lỗ hổng cơ bản trong Cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ và những lổ hổng này hiện rất rõ trong thời COVID-19.
“Trong những ngày đầu tiên của đại dịch, chính phủ Trung Quốc sử dụng quyền lực của mình đối với các ngành được quốc hữu hóa để kiểm soát xuất khẩu thuốc chữa bệnh và nguyên liệu thô. Cách thức này có thể được dùng để giữ lại, không cho xuất khẩu sang Mỹ thành phần chính trong các loại thuốc cứu mạng và các loại vi điện tử. Trong tương lai, có thể Trung Quốc sử dụng mánh này để trả đũa cho việc Mỹ ủng hộ Đài Loan, hoặc hòa nhịp với các hành động gây hấn ở Biển Đông. Tóm lại, việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng trọng yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, tạo ra rủi ro chiến lược và rủi ro cạnh tranh đáng kể cho Mỹ”, báo cáo viết.
Yếu tố đất hiếm
Báo cáo đề xuất Đạo luật Cấp phép quốc phòng sửa đổi, bổ sung 6 biện pháp. Thứ nhất, đặt ra yêu cầu mang tính bắt buộc trong toàn bộ Bộ Quốc phòng về đánh giá rủi ro và hệ thống giám sát, đánh giá và giảm nhẹ rủi ro trong chuỗi cung ứng quốc phòng.
Thứ hai, Lầu Năm Góc bắt buộc sử dụng các công cụ sẵn có trên thị trường để lập bản đồ chuỗi cung ứng quốc phòng trong vòng một năm kể từ khi đạo luật có hiệu lực.
Thứ ba, đặt ra yêu cầu bắt buộc xác định rõ các nguồn cung và vật liệu dùng để sản xuất các thành phẩm lớn đến từ những quốc gia đối thủ nào và thực hiện kế hoạch để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia đó. Hiện nay, “một lượng đáng kể nguyên liệu trong Cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ có nguồn cung duy nhất là Trung Quốc”, báo cáo viết.
Thứ tư, nỗ lực ở cấp toàn quốc để nâng cao năng lực quốc gia trong việc tìm kiếm và đào tạo công nhân lành nghề trong ngành sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, số lượng những công nhân như vậy ở Mỹ đã và đang giảm đáng kể.
Thứ năm, coi trọng tầm quan trọng của mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu của Mỹ đối với Cơ sở công nghiệp quốc phòng. Để làm được điều này, cần sử dụng Cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc gia (NTIB) làm nơi thí nghiệm về tăng cường hợp tác quốc tế và phục hồi chuỗi cung ứng, cấp phép cho một “hội đồng quốc tế” NTIB hài hòa hóa các chính sách về cơ sở công nghiệp quốc phòng và an ninh chuỗi cung ứng.
Thứ sáu, yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ làm việc với Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ để đảm bảo rằng, Mỹ và các đồng minh đa dạng hóa khả năng tiếp cận khoáng vật đất hiếm (thành phần không thể thiếu trong sản xuất linh kiện, thiết bị quân sự, công nghệ thông tin, y tế…). Hiện nay, nguồn cung đất hiếm lớn nhất là Trung Quốc. Theo Statista, trong giai đoạn 2016-2019, có tới 80% lượng nhập khẩu đất hiếm vào Mỹ có nguồn gốc Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ rất cần “phát triển các công nghệ thay thế, các biện pháp khai thác, chế biến, tái chế đa dạng”, báo cáo viết.
Cân nhắc áp thuế cao với nam châm đất hiếm Trung Quốc
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc mở cuộc điều tra xem liệu việc xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc có gây ra nguy cơ an ninh quốc gia của Mỹ hay không, Financial Times đưa tin. Nếu có, Mỹ có thể áp thuế cao đối với sản phẩm này. Nam châm đất hiếm được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh, TV, xe cộ, robot, máy bay, tên lửa và nhiều loại thiết bị hiện đại khác. Trung Quốc cung cấp hơn 85% lượng nam châm đất hiếm cho thế giới. “Nam châm đất hiếm được coi là một dạng đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, báo Trung Quốc Global Times nhận định.
Báo cáo của Nhóm đặc trách cũng đưa ra các đề xuất cho các đơn vị liên quan. Ví dụ, yêu cầu các công ty Mỹ tiết lộ nguồn vốn ngoại mà họ nhận được từ các nước đối thủ của Mỹ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), cơ quan xem xét các khoản đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào các công ty Mỹ, nên bỏ mục “các đối tác đáng tin cậy” khỏi danh sách xem xét, không được chủ quan với bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào.
Ngoài ra, Quốc hội nên cân nhắc việc cho phép Cơ quan Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ chia sẻ với Bộ Quốc phòng và Bộ Các vấn đề cựu binh các dữ liệu độc quyền về nguồn cung hoạt chất trong dược phẩm. Việc chia sẻ dữ liệu độc quyền sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, Nhóm đặc trách nhận định. Chính phủ Mỹ cũng nên đánh giá chi phí và lợi ích của việc điều chỉnh quy trình liên quan để loại bỏ rào cản gia nhập đối với các công ty nhỏ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận