24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đào Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau “Buy In May”, nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi gì trong tháng 6?

Sau 2 tháng leo dốc liên tiếp, VN-Index đã tăng hơn 30% từ vùng đáy hồi cuối tháng 3 tuy nhiên vẫn thấp hơn 10% so với đầu năm và 12,4% so với thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Tháng 5 tốt nhất trong 11 năm trở lại đây

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa kết thúc một tháng 5 tương đối thành công khi chỉ số VN-Inex tăng tới 12,39% (95,36 điểm) lên mức 864,47 điểm. Đây là mức tăng điểm lớn nhất của trong tháng này kể từ năm 2009 khi chỉ số VN-Index tăng tới gần 28%. Như vậy, sau 11 năm kể từ năm 2009, nhà đầu tư mới được chứng kiến 2 tháng liên tiếp VN-Index tăng trên 10%.

Nhìn lại lịch sử năm 2009, thời điểm VN-Index tăng hơn 5% trong tháng 3, nguyên nhân do gói kích cầu kinh tế được đưa ra sau cơn bão tài chính toàn cầu 2008, thị trường chứng khoán đã dần hồi phục và tăng tốc trong 2 tháng 3 và 4/2009.

Trước đó 24/2/2009, VN-Index từng về mức 235,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng 4 năm (từ tháng 3/2005-tháng 2/2009) với khối lượng giao dịch chỉ hơn 200 tỷ đồng. Từ tháng 3/2009, VN-Index đã leo thẳng từ đáy 235 điểm lên 624 điểm (22/10/2009), tăng 393 điểm (tăng tương ứng 165,5% so với đáy).

Sau “Buy In May”, nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi gì trong tháng 6?

Trên thực tế, diễn biến của TTCK trong các tháng 5 kể từ năm 2009 (chưa tính năm 2020) là khá cân bằng với xác suất tăng – giảm VN-Index ở mức 45 – 55%. Việc chỉ số tăng điểm trong tháng 5 không thật sự gây bất ngờ tuy nhiên mức tăng mạnh đến 12% khó nằm trong dự đoán của nhiều nhà đầu tư.

Covid-19 biến “Sell In May” thành “Buy In May”

"Sell in May and go away" (tạm dịch: Hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 rồi đi chơi) là một thuật ngữ giao dịch nổi tiếng cảnh báo các nhà đầu tư rằng hãy bán cổ phiếu mà họ nắm giữ trong tháng 5 để tránh mùa suy giảm trên TTCK. Thuật ngữ này không phải là không có cơ sở khi tháng 5 hàng năm thường rơi vào “vùng trũng” thông tin.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm đã thay đổi tất cả và khiến tháng 5 năm nay lại đầy ắp thông tin với hầu hết là tích cực. Việc TTCK được xếp vào dịch vụ thiết yếu và được hoạt động bình thường trong tháng giãn cách xã hội đã tạo nên hiệu ứng tích cực thu hút lớp nhà đầu tư thế hệ mới (F0) trở thành động lực cho thị trường tăng điểm.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tới cuối tháng 4/2020, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt mức 2.472.433 tài khoản trong đó có 2.439.409 tài khoản của nhà đầu tư trong nước. Số tài khoản mở mới tăng mạnh trong tháng 4 đạt 36.867 tài khoản trong đó 36.721 tài khoản thuộc về nhà đầu tư trong nước.

Sau “Buy In May”, nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi gì trong tháng 6?

Bên cạnh đó, các quỹ ETF mới tham gia thị trường như VNDiamond, VNFinlead sau khi niêm yết đã thu hút được dòng tiền lớn, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo gần nhất thời điểm 21/5, nhóm quỹ lớn nhất trên TTCK Việt Nam đã đẩy mạnh giải ngân mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong tháng 5 qua đó đẩy tỷ trọng tiền mặt xuống thấp nhất từ cuối tháng 3.

Việc khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại cùng dòng tiền mới từ trong nước ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản được được cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư lại được chứng kiến những phiên giao dịch hơn 7.000 tỷ đồng thậm chí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng trong tháng 5 vừa qua.

Thêm vào đó, lực cầu từ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, cổ đông và lãnh đạo doanh nghiệp hiện thực hóa động thái đăng ký mua vào khi giá giảm đã góp phần tạo tâm lý tích cực trên thị trường.

Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh tốt ở Việt Nam, hay sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, kỳ vọng vào sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác cũng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Động lực nào cho tháng 6?

Như vậy sau 2 tháng leo dốc liên tiếp, VN-Index đã tăng hơn 30% từ vùng đáy hồi cuối tháng 3 tuy nhiên vẫn thấp hơn 10% so với đầu năm và 12,4% so với thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Áp lực chốt lời tại vùng giá cao đang thử thách lực cầu của thị trường khiến độ dốc của VN-Index giảm xuống đáng kể so với tháng 4 trước đó.

Sau “Buy In May”, nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi gì trong tháng 6?

Thị trường có thể tiếp tục đi lên trong tháng 6 cũng như phần còn lại của năm 2020 hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể lưu ý những yếu tố có thể tác động đến diễn biến của TTCK thời gian tới để có lựa chọn phù hợp.

Diễn biến của dịch Covid-19 vẫn sẽ là ẩn số có tác động lớn lên TTCK. Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt tuy nhiên sự phức tạp vẫn hiện hữu bên ngoài thế giới. TTCK Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng trong trường hợp chứng khoán thế giới biến động mạnh.

Đối với thông tin cơ bản của doanh nghiệp, bên cạnh kết quả kinh doanh quý II và bán niên được hé lộ trong tháng 6, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên muộn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những thông tin quan trọng được quyết tại Đại hội có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.

Động thái của khối ngoại cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động lên diễn biến của thị trường. Việc MSCI lùi thời hạn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang thời điểm tháng 11/2020 thay vì tháng 5/2020 như trước đó khiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ cận biên (Frontier) tiếp tục giữ nguyên dẫn đến thu hẹp về kỳ vọng thu hút dòng tiền khối ngoại từ việc tăng tỷ trọng này.

Tuy nhiên, các quỹ ETF mới như VNDiamond, VNFinlead đang thu hút tốt dòng vốn ngoại là điểm sáng giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn của khối ngoại trong thời gian tới. Theo đánh giá của Pyn Elite Fund, khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong giai đoạn cuối năm do đã bán ròng mạnh trong tháng 3, tháng 4 cùng với đó là giá cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn.

Dù thị trường diễn biến theo chiều hướng nào vẫn luôn có những cơ hội nhà đầu tư có thể nắm bắt. Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán BSC đã đưa ra những chủ đề đầu tư đáng chú ý trong quý II và cả năm 2020 trong đó gồm giải ngân đầu tư công, danh mục thoái vốn của SCIC, nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm và làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả