Sau bao nhiều lần mất tiền thì mình mới hiểu ra rằng giữ được tiền nó khó hơn gấp nhiều lần kiếm tiền
Sau bao nhiều lần mất tiền thì mình mới hiểu ra rằng giữ được tiền nó khó hơn gấp nhiều lần kiếm tiền. Hầu như cả cái xã hội này đang cổ vũ cho cái việc lao đi kiếm tiền, làm sao để tăng thu nhập mà không hề nói tới việc giữ tiền.
Kể cả những cuốn sách kinh điển bán chạy nhất trên thế giới như cha giàu – cha nghèo thì vấn đề trọng tâm ông ấy luôn muốn hướng đến là cổ vũ cho cách làm giàu bằng việc kinh doanh, đầu tư để tăng thu nhập.
Cái xu hướng điên rồ đó nó đã dẫn bản thân mình và bao nhiêu người bạn của mình lao như một con thiêu thân để tìm mọi cách tăng thu nhập, làm giàu cho bằng bạn, bằng người. Nhưng rồi sau bao nhiêu năm tháng bươn trải thì có đến 99% những đứa như mình thì có được cái gì ? Có phải: Tiền mất, thời gian mất, thanh xuân mất, khuôn mặt dần nhăn nheo, gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất… và những bài học đắt giá về sự phù hợp của bản thân với những trào lưu của xã hội này.
Khi nhìn lại một sự thật là chỉ 1% những đứa lao vào trao lưu ấy thành công, 99% là thật bại. Vậy thì 99% những đứa con lại làm sao cũng thành công được đây? Mình cũng đã nhìn nhận lại bản thân rằng trong số 99% những đừa bình thường ấy có mình. Và con đường mình đi nó phải khác chứ không phải theo một cái xu hướng điên rồ kia được.
Vậy cách tiếp cận mới này là gì?
1.Quản lý chi tiêu hiệu quả hơn.
Nhìn lại về phương trình kinh điển tài chính cá nhân: Thu nhập ròng (net income) = Tổng thu nhập – Tổng chi tiêu. Để làm giàu thì thu nhập ròng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tích lũy của mỗi người. Cái mà người ta giữ lại được chính là con số thu nhập ròng này. Mình thấy đa số mọi người thường lại sai lầm khi chỉ để ý đến con số tổng thu nhập. Như vậy thì để tăng thu nhập ròng thì có 2 cách là tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu.
Ví dụ: Thu nhập mình 40 triệu và chi tiêu hiện tại là 20 triệu thì thu nhập ròng là 40-20 = 20 triệu đồng. Để tăng thu nhập ròng lên 30 triệu thì có 2 cách:
Tăng thu nhập lên 50 triệu và giữ nguyên chi tiêu 20 triệu đồng.
Giữ nguyên thu nhập 40 triệu và giảm chi tiêu xuống 10 triệu.
Như vậy yếu tố quan trọng ở đây có thể là lựa chọn tăng thu nhập hay giảm chi tiêu. Cái đó là nhu cầu và khả năng của mỗi người.
Theo bạn thì cách nào sẽ dễ dàng thực hiện với bạn hơn?
Rõ ràng nếu mình là đứa đi làm công ăn lương đều đều, mức tăng thu nhập chậm thì việc giảm chi tiêu xuống nó dễ dàng hơn với mình để tăng tích lũy nhanh chóng hơn.
Nhưng nếu mình có khả năng kinh doanh, nhanh nhạy với thị trường thì việc tăng thu nhập nó dễ dàng hơn với mình. Nhưng với điều kiện là chi tiêu cũng phải đảm bảo giữ ổn định. Còn nếu chi tiêu cũng tăng tương ứng thì thu nhập có tăng lên cũng chỉ thỏa mãn nhu cầu phong cách sống cao hơn thôi chứ phần tích lũy làm giàu tài sản là không có.
Trường hợp mà nếu tăng thu nhập được mà quản chi tiêu chặt chẽ thậm chí giảm được thì quá là tuyệt vời, khả năng tích lũy sẽ nhanh hơn.
Nhiều người sẽ nói rằng sống được bao lâu đâu mà phải chặt chẽ chi tiêu mà làm gì ? Vấn đề ở đây không phải là ki bo keo kiệt mà vấn đề là tiêu đúng, tiêu đủ và tiêu có ích, phù hợp với khả năng của mình để thực hiện các mục tiêu tài chính bạn đặt ra trong tương lai.
Có nhiều người khi về già vẫn phải đi ở thuê, đi lao động vất vả mà trong khi còn trẻ họ rất có điều kiện.
Nếu không nghĩ cho tương lai thì rất có thể khi về già bạn vẫn phải lao động trong khi người khác thì đi chơi. Nhìn lại các thế hệ trước chắc bạn sẽ nhận ra rõ điều đó.
2. Quản trị rủi ro tiền bạc tích lũy.
Khi có khoản tiền thu nhập ròng tích lũy rồi thì bây giờ làm cái gì tiếp theo ? Mang đi đầu tư để kiếm lợi nhuận nhiều hơn hay làm sao để giữ được nó an toàn và bền vững. Đặc biệt hỗ trợ cho cuộc sống của mình tốt hơn.
Tại sao mà 2 năm vừa qua rất nhiều người làm ra tiền nhưng rồi cũng mất hết. Tiền cầm trong tay rồi mà để tuột khỏi tay chỉ trong có 1 vài tháng. Đó có phải là câu chuyện giữ tiền nó quan trọng lắm không ?
Ngày cuối năm mình gặp ông bạn làm môi giới bất động sản cũng kiếm được mấy tỷ 2 năm qua, nhưng rồi cũng say xưa với lướt sóng cổ cánh mà mất hết. Cái kết nhận ra là không vượt qua được lòng tham và sự cố chấp của bản thân. Không chấp nhận thất bại cũng chính là cách nghèo nhanh nhất của những cơn say tiền bạc. Đãng nhẽ có thể độc lập tài chính ngon rồi nhưng giờ lại phải lao vào cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Bản thân mình 8 năm trước, khi đi làm được vài năm cũng tiết kiệm được một số tiền gọi là kha khá so với ở nông thôn, nhưng rồi cũng vì quá vội vàng và cũng tưởng kiếm tiền nó dễ quá nên cũng mắc phải những cái bẫy mất sạch tiền, thậm chí vướng vào nợ nần.
Có nhiều người quê mình 2 năm qua đất đai tăng giá, cắt hết ra bán rồi làm gì ? Mua ô tô không thấy đi, xây nhà lầu chẳng ở hết và đề đó ngắm thôi. Tiền đến nhanh quá và tiền đi cũng quá nhanh nó vậy. Bản chất cuộc sống nó vẫn không hề thay đổi. Vẫn hàng ngày đi làm thuê và cày ruộng như bình thường.
Có những bạn trẻ đi lao động ở nước ngoài, cũng kiếm được những khoản tiền kha khá mang về cho bố mẹ để mua ô tô và xây những căn nhà to nhất làng, nhất xóm. Nhưng rồi thì bố mẹ vẫn phải vất vả, dãi nắng dầm mưa ngoài đồng ruộng. Bản thân cậu ấy vẫn phải hao mòn sức lao động nơi xứ người mà không biết rủi ro ập đến như thế nào. Liệu rằng khoản tiêu sài này có đúng không ? Có thay đổi được cái căn bản chất lượng cuộc sống của gia đình hay không ?
Vậy thì những khoản tiền tích lũy ở đây để làm cái gì ? Theo cá nhân mình thì làm ra tiền tích lũy mục tiêu chính cũng là để cải thiện về chất lượng cuộc sống và phong cách sống của mỗi người. Đó là những nhu cầu cơ bản:
- Nhu cầu được tồn tại sống.
- Nhu cầu được an toàn, được tự do, được chủ động.
- Nhu cầu được chia sẻ.
- Nhu cầu được quý trọng.
- Nhu cầu được công nhận về bản thân.
…
Nếu đi từ những nhu cầu cơ bản của bản thân này thì những lựa chọn về phân bổ tiền bạc sẽ trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Cách thức tiếp cận với quản lý tiền bạc này nó cũng khác hẳn so với cách tiếp cận quản trị tiền chỉ hướng tới lợi nhuận.
Nếu chúng ta xác định rõ được định hướng thì cách thức thực hiện cũng sẽ khác và việc giữ được tiền là kết quả tất yếu mà thôi.
Bản thân cá nhân mình 8 năm qua cũng tiếp cận theo định hướng mới mẻ này, một thực tế là qua 2 lần sụt giảm của thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng tổng tài sản của mình không hề thay đổi nhiều và chất lượng cuộc sống đang đi lên theo đúng mục tiêu đặt ra.
Mình cũng không biết trong tương lai sẽ thế nào nhưng mỗi ngày mình cố gắng một chút cho những nhu cầu cơ bản này, mình cảm thấy luôn vững tâm và có niềm vui khi làm nó. Vì đơn giản nó là điều mà mình thực sự cần mỗi ngày.
Hi vọng một vài chia sẻ về góc nhìn khác của xã hội này sẽ đến được một ai đó cần một cách tiếp cận mới trong việc làm giàu cho bản thân.
4.1.2023 – Khai phím đầu năm – Giữ tiền luôn quan trọng hơn việc kiếm tiền.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận