24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thành Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau 3 tháng gỡ lệnh phong tỏa, kinh tế Vũ Hán giờ ra sao?

Mở cửa trở lại từ tháng 4 nhưng Vũ Hán vẫn khó phục hồi như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. 76 ngày phong tỏa khiến người tiêu dùng quen với việc ở nhà và tự nấu ăn.

Theo Bloomberg, kể từ tháng 5, sản lượng sản xuất, doanh số bán lẻ và xuất khẩu của thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vẫn không thể xấp xỉ năm ngoái, ngay cả khi các nhà máy đã hoạt động trở lại từ tháng 4. Một số nhà máy thậm chí còn hoạt động trong suốt thời gian phong tỏa.

Gượng dậy chậm chạp

Lệnh phong tỏa tại Vũ Hán kết thúc từ ngày 8/4. Đây được coi là chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Các nhà máy, văn phòng nhanh chóng hoạt động trở lại. Nhưng người tiêu dùng quay trở lại với tốc độ chậm hơn. Họ đã quen với việc nấu ăn tại nhà và mua sắm trực tuyến sau 76 ngày phong tỏa.

Sau đó, khi người dân bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, một cụm dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện vào tháng 5. Các lệnh hạn chế lập tức được áp dụng trở lại, chính quyền địa phương nhanh chóng xét nghiệm toàn bộ 11 triệu cư dân chỉ trong vòng 2 tuần. Kể từ đó, thành phố không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh nào.

"Quỹ đạo của nền kinh tế Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc cho thấy quá trình phục hồi sau dịch Covid-19. Các đợt bùng phát nhỏ vẫn có thể diễn ra, nhưng nó không thể tác động đến nền kinh tế trên diện rộng", Bloomberg dẫn lời ông Wen Bin, nhà nghiên cứu tại China Minsheng Banking Corp (Bắc Kinh), nhận định.

Theo ông Bin, các trận mưa lớn gần đây cũng khiến tiêu thụ ở Vũ Hán khó phục hồi hơn. Mưa lớn và lũ lụt tại miền Nam Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người và gây ra thiệt hại kinh tế đến 61,8 tỷ NDT (8,8 tỷ USD), theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Sau 3 tháng gỡ lệnh phong tỏa, kinh tế Vũ Hán giờ ra sao?
Sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và xuất khẩu tại Vũ Hán khó bằng năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù đang phục hồi đều đặn, lượng hành khách đi Tàu điện ngầm Vũ Hán vẫn chưa bằng 50% trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nguyên nhân có thể là cư dân Vũ Hán chuyển sang lái xe thay vì tham gia phương tiện giao thông công cộng để tránh tiếp xúc với người lạ.

Trao đổi với Bloomberg hồi tháng 4, các đại lý xe hơi cho biết nhu cầu đang tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.

Giới chức trách đã đưa ra những biện pháp kích thích tăng trưởng, bao gồm các phiếu mua sắm trị giá 500 triệu NDT, trao tiền mặt cho một số hộ gia đình và giảm thuế đến cuối năm.

Chính quyền Bắc Kinh cũng hứa mở rộng các khu thương mại miễn thuế ở tỉnh Hồ Bắc (nơi có thủ phủ Vũ Hán) để thu hút đầu tư.

Chiến dịch xét nghiệm hàng loạt cũng giúp củng cố niềm tin, theo chủ nhà hàng Xiong Fei. Các nhà hàng của ông đã ghi nhận số lượng khách hàng kỷ lục trong tháng 5, một ngày sau khi Vũ Hán công bố kết quả của chiến dịch.

"Ngay cả một đợt bùng phát nhỏ cũng có thể khiến cả thành phố hoảng loạn và cư dân không ra ngoài ăn nữa", ông Xiong chia sẻ.

Ông thừa nhận lợi nhuận tại 5 nhà hàng của mình đã lao dốc 80% khi phải chi nhiều hơn cho quảng cáo và khuyến mãi để thu hút thực khách.

Sau 3 tháng gỡ lệnh phong tỏa, kinh tế Vũ Hán giờ ra sao?
Khách hàng hạn chế ra ngoài và ăn hàng sau dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Ở chiều ngược lại, thói quen tiêu dùng thay đổi giúp các dịch vụ giao đồ ăn tại nhà hưởng lợi. Yu Yang, chủ sở hữu một nhà máy sản xuất mì khô nóng ăn liền, bán được 7.000-8.000 tô mì mỗi ngày. Khi mọi người chuyển sang mua đồ ăn trực tuyến, anh đã chớp thời cơ mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.

"Bước khỏi khói mù"

Là một trung tâm sản xuất, Vũ Hán chứng kiến số lượng giao dịch gia tăng kể từ khi mở cửa trở lại. Giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của thành phố gia tăng 19,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái với tốc độ nhanh thứ 4 cả nước, theo dữ liệu hải quan địa phương.

Đơn đặt hàng thiết bị bảo hộ và vật tư y tế giúp thúc đẩy sự gia tăng của các lô hàng nước ngoài, riêng khẩu trang và các sản phẩm dệt may khác tăng 700%.

Ngoài ra, nhà máy sản xuất chính của các công ty công nghệ như Yangtze Memory Technologies và Lenovo Group cũng được đặt tại Vũ Hán, giúp số lượng thiết bị cơ khí nhập khẩu như chất bán dẫn và mạch điện tăng 21% trong tháng 5.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu phụ thuộc vào những ngành công nghiệp như hàng không, khách sạn đang gặp khó. Benny Xiao, Giám đốc điều hành tại Wuhan Boyuan Paper & Plastic, công ty cung cấp cốc cho các hãng hàng không và khách sạn, thừa nhận ông không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào từ châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á cho đến tháng 8.

Triển vọng dường như tươi sáng hơn đối với Yao Jun, nhà sáng lập của hãng mũ bảo hiểm Wuhan Welhel Photoelectric. Đơn đặt hàng các thiết bị bảo vệ từ Nam Mỹ đã tăng 200% sau khi số ca nhiễm Covid-19 tại đây tăng lên. Trong khi đó, những khách hàng Mỹ và châu Âu cũng không mạnh tay cắt giảm đơn hàng.

"Công việc kinh doanh hiện tại rất tốt. Vũ Hán cuối cùng đã bước ra khỏi khói mù", cô cảm thán.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả