Sau 3 quý khó khăn, đâu là những tín hiệu sáng của ngành ngân hàng?
CTCP Xếp Hạng Tín Nhiệm Đầu Tư Việt Nam (VIS Rating) mới có báo cáo về ngành ngân hàng 9 tháng năm 2023.
Rủi ro suy giảm chất lượng tài sản lan truyền từ các doanh nghiệp bất động sản sang tập khách hàng cá nhân và SME
Chất lượng tài sản ngành ngân hàng suy giảm trong 9T2023 với tỷ lệ NPL tăng 0.6% lên 2.2%, đến chủ yếu từ tập khách hàng bán lẻ và SME. Nợ tái cơ cấu tăng mạnh kể từ khi Thông tư 021 đươc ban hành vào tháng 4 năm 2023; quy mô nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 1% tổng cho vay toàn ngành tính đến cuối tháng 8 năm 2023 và đang không được phân loại là nợ xấu.
Các ngân hàng bán lẻ và SME (ví dụ: NVB, OCB, VIB, TPB, HDB) có NPL tăng đột biến thêm 1.2-8.4% đến từ các khoản cho vay tiêu dùng (vay mua nhà và mua ô tô) cũng như cho vay doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản (chủ đầu tư bất động sản và xây dựng). Chúng tôi cho rằng khả năng trả nợ suy yếu chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân và SME có tỷ lệ đòn bẩy cao.
Các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như VPB và MBB cũng ghi nhận nợ quá hạn gia tăng đáng kể, do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng tới thu nhập và khả năng trả nợ của nhóm khách hàng có rủi ro cao này.
Nhiều ngân hàng trong số này đã không tăng trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Chi phí tín dụng trên tổng cho vay khách hàng giảm xuốn còn 0.8%- 5% trong 9T2023 từ mức 1%-6% của năm 2022 khiến cho tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu suy yếu (xem phần “Bộ đệm vốn”) – tín hiệu tiêu cực.
Ngược lại, chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn tương đối ổn định với tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng khoảng 0.5% nhờ tập khách hàng doanh nghiệp lớn và đa dạng. Trong số các ngân hàng tư nhân, ACB cho thấy sự ổn định cao về chất lượng tài sản, nhờ chính sách cho vay thận trọng.
Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng dần cải thiện khi điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Các ngân hàng quốc doanh và ACB – với lịch sử duy trì chất lượng tài sản ổn định – sẽ dẫn dắt sự phục hồi của ngành.
Chi phí huy động và chi phí tín dụng ở mức cao cũng như lợi suất tài sản thấp hơn khiến ROAA của các ngân hàng bán lẻ và SME suy giảm
Tỷ lệ ROAA toàn ngành giảm xuống mức 1.5% trong 9T2023 từ mức đỉnh 5 năm là 1.7% trong năm 2022. ROAA sụt giảm dưới ảnh hưởng của việc NIM bị thu hẹp (giảm 0.5% so với cuối năm 2022) do lãi suất tiền gửi điều chỉnh lên vùng lãi suất cao nhanh hơn so với lãi suất cho vay và nhu cầu tín dụng yếu hơn sau các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong Q4/2022.
VPB và TCB ghi nhận mức sụt giảm ROAA mạnh nhất lần lượt là 1.6 và 0.7% do lợi suất tài sản suy yếu. Không giống như các ngân hàng khác có lợi suất tài sản tăng theo theo xu hướng lãi suất tăng, VPB ghi nhận lợi suất tài sản không thay đổi do chất lượng các khoản cho vay bán lẻ bị suy giảm đáng kể. Trong khí đó, TCB áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn để hỗ trợ các chủ đầu tư bất động sản.
Ngoài ra, lợi nhuận của ABB, TPB và EIB giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại (tăng trung bình 3.8% trong 9T2023) và chi phí tín dụng tăng cao đến từ tập khách hàng bán lẻ và SME.
Trong khi đó, tỷ lệ ROAA cải thiện mạnh mẽ đối với STB nhờ NIM hồi phục sau khi xử lý thành công một phần tài sản tồn đọng; các ngân hàng khác được hưởng lợi nhờ tăng trưởng tín dụng cao với khách hàng doanh nghiệp (MBB, MSB) hoặc nhờ sự hồi phục của thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư (ACB, OCB). Lợi nhuận của các ngân hàng quốc doanh cũng cho thấy sự ổn định hơn khi chi phí tín dụng thấp hơn nhờ tỷ lệ bao nợ xấu cao hơn đáng kể so với trung bình ngành.
Chúng tôi cho rằng 17 trong số 27 ngân hàng trong báo cáo này sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Một số ngân hàng tư nhân sẽ khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận vượt trội như kế hoạch đã đề ra, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9T2023. Các ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn dưới tác động của chi phí tín dụng tăng cao vì các ngân hàng này có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản đáng kể hơn. Trong khi đó các ngân hàng có ROAA cải thiện mạnh và đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay và nhu cầu tín dụng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong Q4/2022 dần đáo hạn, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng sẽ giảm đáng kể; trong Q3/2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm về mức 5.45% và 5.7%.
Ngoài ra, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) bắt đầu phục hồi do môi trường lãi suất thấp. Do đó, chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể về mức thấp hơn. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.
Bộ đệm rủi ro của ngành bị suy yếu, đặc biệt là tại các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ
Bộ đệm rủi ro toàn ngành suy yếu trong 9T2023 do LLCR sụt giảm, khả năng tạo vốn nội bộ kém hơn và có ít các đợt tăng vốn có quy mô lớn.
LLCR của nhóm ngân hàng tư nhân (ví dụ: TPB, STB, LPB) đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm (trung bình khoảng 55% vào cuối tháng 9 năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngành là 93%) do chất lượng tài sản suy giảm mạnh (NPL tăng 0.8% lên 2.9%) và trích lập dự phòng ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh duy trì tỷ lệ LLCR ở mức cao, khoảng 190% nhờ chất lượng tài sản ổn định.
Quy mô vốn toàn ngành vẫn ở mức yếu; tổng vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE) giảm xuống còn 8.7% tổng tài sản hữu hình, do khả năng tạo vốn nội bộ kém hơn và có ít các đợt tăng vốn quy mô lớn.
Chỉ có một vài ngân hàng tư nhân hoàn thành việc tăng vốn trong thời gian gần đây. Các ngân hàng khác như BID và AGR sẽ cần nhiều thời gian hơn để nhận được chấp thuận tăng vốn.
Chúng tôi kỳ vọng bộ đệm rủi ro sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn khi lợi nhuận cải thiện sẽ góp phần củng cố quy mô vốn của các ngân hàng.
Thanh khoản hệ thống ổn định khi tăng trưởng huy động bắt kịp tăng trưởng cho vay
Tỷ lệ LDR của ngành giữ ổn định ở mức 101% so với một năm trước nhờ việc tăng trưởng tiền gửi đã bắt kịp với tốc độ tăng trưởng cho vay.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, tỷ lệ SMLR toàn ngành trong 9T2023 vẫn được duy trì ở mức 28%, thấp hơn mức trần quy định là 30% kể từ thời điểm tháng 10 năm 2023.
Các ngân hàng tập trung cho vay trung và dài hạn như MBB, TCB, OCB, VBB, VIB đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn để đáp ứng tỷ lệ SMLR khăt khe hơn .
Chúng tôi kỳ vọng thanh khoản hệ thống vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ việc tăng trưởng tiền gửi mạnh sẽ tiếp tục theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay khi dòng tiền của doanh nghiệp phục hồi cùng với các điều kiện kinh doanh được cải thiện, và nguồn vốn ổn định hơn để đáp ứng tỷ lệ SMLR khắt khe hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận