24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sáp nhập nhà băng yếu kém đã dần lộ diện 'ai về với ai'

Theo Đề án 'Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025', đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.

Tại Nghị quyết 31/NQ-CP mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém. Đây được coi là những quyết sách để nền kinh tế lành mạnh.

Lộ diện các thương vụ sáp nhập

Hiện có 5 NHTM yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm NH Đông Á (DongABank), NH Xây dựng (CBBank), NH Đại Dương (OceanBank), NH Dầu khí toàn cầu (GPBank). Riêng NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập, do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex) không được tiếp tục đầu tư nắm giữ NH theo quy định.

Đến nay, các thương vụ sáp nhập đã dần lộ diện. Sau khi thông qua phương án sáp nhập một NH trong năm 2022, đầu năm nay, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc, đang triển khai nhanh để đáp ứng đúng tiến độ của NHNN.

Theo báo cáo về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank. Trước đó, Vietcombank cũng đã được chỉ định tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu, khi NH này bị mua lại bắt buộc 0 đồng do thua lỗ, âm vốn. Tương tự, sau khi thông qua phương án sáp nhập, OceanBank được cho là sắp “về” với NH Quân đội (MBBank). Theo tính toán của MBBank, sẽ mất khoảng 7-8 năm để có thể xử lý hết số lỗ lũy kế mà OceanBank chuyển giao.

Trong năm 2022, ngoài việc trình cổ đông việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (thương vụ này đã hoàn thành vào cuối tháng 3-2023), VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Phương án được nhiều chuyên gia kỳ vọng là VPBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.

Năm 2022, HĐQT HDBank cũng trình ĐHCĐ thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một NHTM được kiểm soát đặc biệt là DongABank. Sau khi HDBank tham gia tái cấu trúc, NH được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức NH trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp của NH Hàng hải (MSB) cho biết sẽ trình phương án sáp nhập thêm một Nh tại ĐHCĐ 2023 trong tháng 4 này. Vị này cho biết, MSB đang cân nhắc, lựa chọn một NH phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. Hiện PGBank là một trong số các NH được MSB quan tâm.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các thương vụ sáp nhập NH yếu kém trong thời gian tới không giống như các thương vụ trước đây (theo kiểu “hôn nhân” giữa 2 tổ chức tín dụng). NH yếu kém được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức NH trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do NH nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ và là pháp nhân độc lập.

Được nới “room ngoại” lên 49%

Các NHTM tham gia tái cơ cấu NH không chỉ được NHNN xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn, mà các NHTM sáp nhập NH yếu kém có thể được nới trần “room ngoại” (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NH - PV) lên 49% - so với mức 30% hiện nay.

Trong tờ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 01 về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng mới đây, NHNN kiến nghị Chính phủ sẽ quyết định “room ngoại” tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc với tỷ lệ được phép vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ của NH nhận chuyển giao. Quy định này không áp dụng với NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%.

Như vậy, trong 5 NHTM có ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các NH yếu kém nêu trên, ngoài Vietcombank là NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%, thì các NHTM còn lại có khả năng được nới “room ngoại” lên tối đa 49%.

Theo NHNN, hiện có 2 NHTM nhận chuyển giao bắt buộc NH yếu kém đã đề xuất nâng “room ngoại” lên 49% và được NHNN nêu quan điểm ủng hộ. Động thái kiến nghị nâng “room ngoại” cho các NHTM này cũng được NHNN nhận định là nhằm khuyến khích NĐTNN đầu tư vào tái cơ cấu NH yếu kém, cũng như có điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, góp phần ổn định hệ thống tài chính NH, ổn định kinh tế, xã hội.

Trên thực tế, trần “room ngoại” áp dụng chung với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 30% được các chuyên gia cho rằng không còn phù hợp với nhu cầu sở hữu vốn của khối ngoại tại lĩnh vực NH. Tuy nhiên, NHNN cho rằng việc nới “room ngoại” chưa nên áp dụng cho tất cả tổ chức tín dụng, mà chỉ nên khuyến khích NĐTNN đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Ngoài 5 NHTM thuộc diện tái cơ cấu (DongABank, CBBank, OceanBank, GPBank, PGBank), từ giữa tháng 10-2022, NHNN đã đưa NH Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có phương án và đẩy nhanh việc tái cơ cấu NH Phát triển Việt Nam (VDB).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả