menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Sắp khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu lại thiếu vật liệu san lấp

Bà Rịa-Vũng Tàu đã hủy 21 dự án, hoãn 27 dự án đầu tư công để tập trung vốn cho 10 công trình trọng điểm nhưng hiện tại, việc thiếu cát san lấp, vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án.

Ngày 19/7, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có báo cáo về tình hình nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm, trong khi tỉnh đang khởi động cùng lúc nhiều dự án trọng điểm về giao thông. Theo đó, chỉ riêng về nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 4 TPHCM, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ quốc lộ 56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9, dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ... đã cần đến 4,5 triệu m3 đá, hơn 1,1 triệu m3 cát và hơn 79,4 triệu m3 vật liệu san lấp.

Với khả năng cung ứng hiện nay, các dự án trọng điểm nói trên thiếu khoảng 64,5 triệu m3, chủ yếu là thiếu hụt về vật liệu san lấp. Trong đó, chỉ riêng dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ cần khoảng 60 triệu m3 vật liệu san lấp.

Tuy nhiên, đa số các điểm mỏ ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã khai thác hết công suất và đang lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Một số khu vực không còn phù hợp sử dụng để khai thác khoáng sản được chấp thuận chuyển đổi công năng và một số địa phương đề xuất loại khỏi quy hoạch khoáng sản. Việc này đã làm giảm các chỉ tiêu về trữ lượng vật liệu san lấp, kèm theo không có đề xuất bổ sung các khu vực, điểm mỏ mới đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, đặc biệt là vật liệu san lấp.

Ban Quản lý các dự án cho biết, việc khan hiếm đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua. Trong đó, vật liệu san lấp tăng từ 2,5-5%. Đồng thời, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án.

Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ nay cho đến năm 2030 tiếp tục quản lý khai thác tốt đối với các khu vực, điểm mỏ vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục kêu gọi, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ còn lại để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Để chuẩn bị cho giai đoạn 2031-2050, cần tiếp tục tìm kiếm, thăm dò các khu vực khoáng sản làm vật liệu san lấp mới để bổ sung vào phương án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng đề xuất thêm một số giải pháp bù đắp và thay thế nguồn vật liệu san lấp đang thiếu hụt. Cụ thể, đối với đất đắp nền đường các dự án giao thông, có thể linh hoạt tận dụng vật liệu đất hiện có dọc theo tuyến công trình hoặc khu vực lân cận.

Sắp khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu lại thiếu vật liệu san lấp

Nhiều dự án trọng điểm của Bà Rịa-Vũng Tàu đang tích cực chuẩn bị để khởi công trong năm nay và năm sau.

Ngoài ra, cũng cần khảo sát nguồn cát nhiễm mặn ngoài biển ở những vùng xa bờ, ngoài phạm vi sóng vỗ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, đường bờ và hoạt động du lịch dọc bờ biển để đưa vào quy hoạch khai thác. Theo Sở này, hiện nay cát nhiễm mặn đã được nghiên cứu ứng dụng đầy đủ để thay thế dần nguồn cát xây dựng và vật liệu san lấp ngày càng khan hiếm. Địa phương cũng nên tận dụng vật chất nạo vét từ các dự án nạo vét cửa sông cảng biển, khơi thông luồng lạch trên sông, biển để bù đắp một phần lượng thiếu hụt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên Môi trường rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp hiện nay. Đồng thời giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, các địa phương cùng chủ đầu tư thống kế toàn bộ nguồn nguyên liệu cần để thực hiện các dự án, gửi về Sở Tài nguyên Môi trường tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7. Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tập trung xây dựng lại bảng giá vật liệu xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế, đảm bảo đầy đủ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7.

Sở Tài nguyên Môi trường tổng hợp các nguồn vật liệu (cát đá, vật liệu xây dựng, san lấp) rà soát, đánh giá lại trữ lượng tại các mỏ khai thác hiện nay, trên cơ sở đó xác định lại tổng nguồn, tổng nhu cầu để có giải pháp cân đối từ đây đến cuối năm 2022, năm 2023 và lộ trình đến năm 2025.

Chậm tiến độ vì thiếu đất đắp nền

Theo kế hoạch, vào cuối năm 2022, tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết phải thông xe nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp nền khiến việc triển khai thi công dự án bị chậm tiến độ.

Cụ thể, dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết sản lượng đạt 44,37%, chậm khoảng 0,62% so với cam kết. Nguyên nhân chậm tiến độ được Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra là do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết mưa nhiều và biến động giá vật liệu xây dựng. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị hỗ trợ, ưu tiên và tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục để nhà thầu thi công có đủ vật liệu đất đắp.

Sắp khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu lại thiếu vật liệu san lấp

Hai tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang bị chậm tiến độ.

Khởi công cuối tháng 9/2020, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây phải hoàn thành thi công trong thời gian 24 tháng. Tuy nhiên, nhiều gói thầu thi công cao tốc này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đất đắp nền. Cụ thể, gói thầu số 3 dài hơn 35km do liên danh Vinaconex và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính thực hiện cần 3,4 triệu m3 đất san lấp nhưng suốt quá trình thi công, nhà thầu này tận dụng được 1,2 triệu m3 đất san gạt từ điểm cao xuống điểm thấp. Còn lại, để hoàn thiện nền đường, nhà thầu thiếu 2 triệu m3 đất san lấp.

Tương tự ở gói thầu số 4 có chiều dài 16km thuộc liên danh Công ty CP Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, cũng gặp khó khăn về việc thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường, hiện công trình đang cần gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường.

Nhà thầu phải mua đất từ mỏ đá Núi Nứa (TP.Long Khánh) để phục vụ thi công. Tuy nhiên, đất ở mỏ đá Núi Nứa là đất tầng phủ có lẫn đá, sau khi khai thác phải nghiền thì mới dùng để đắp nền đường. Vì vậy, ngoài việc tốn thêm chi phí vận chuyển cho quảng đường xa, nhà thầu phát sinh thêm chi phí cho máy móc, nhân công xay nghiền đá để lua dầm mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Hiện tại, sản lượng cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây mới đạt 51%, chậm khoảng 0,57% so với kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tiến độ bị chậm cũng do ảnh hưởng của thiếu đất đắp nền, mùa mưa đến sớm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại