Sắp có gói tín dụng khoảng 60.000-65.000 tỷ đồng, cú hích vào mặt bằng giá bất động sản
Liên quan giữa tín dụng và bất động sản, trong báo cáo về thị trường bất động sản quý III, Bộ Xây dựng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản tính tới ngày 30/9 là khoảng 682.594 tỷ đồng, trong khi đến cuối tháng 6 mới là 672.224 tỷ đồng.
Dự báo trong quý IV, tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế dần phục hồi, hoạt động kinh doanh bất động sản sôi động trở lại so với thời điểm quý III khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, thị trường bất động sản cũng gần như "đóng băng".
Với con số “khổng lồ” tín dụng liên quan đến nhà đất và sự sôi động của thị trường bất động sản trong thời gian qua thì rõ ràng những biến động trên thị trường tài chính như lãi suất hay chính sách tiền tệ sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.
Lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà trong tháng 12 được giữ ổn định, chưa ghi nhận có thêm điều chỉnh mới. Hiện tại, lãi suất cho vay ưu đãi được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm với khoảng thời gian cho vay ưu đãi từ 3 tháng đến 36 tháng. Cụ thể, trong danh sách các ngân hàng được khảo sát, PVcomBank có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với mức 5%/năm trong 6 tháng đầu và 12% từ tháng thứ 7 trở đi. Tiếp theo là VPBank với lãi suất ưu đãi từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu. Ở cùng mức lãi suất này, khách hàng có thể lựa chọn gói vay tại TPBank hoặc VPBank. TPBank cho phép vay tối đa 90% phương án vay vốn với thời gian vay 20 năm.
"Trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế thời giạn tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có gói tín dụng phát triển nhà ở khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3-4%.
Một số ngân hàng khác như: HSBC, Shinhan Bank và BIDV cùng đưa ra mức lãi suất cho vay là 6,2%/năm…
Theo đánh giá của các chuyên gia, giảm lãi suất vay kích thích người dân mua nhà trả góp là giải pháp tăng trưởng tín dụng của các nhà băng thời gian qua khi việc cho vay có tài sản thế chấp nhanh hơn, độ phân tán rủi ro tín dụng cao hơn... Thế nhưng, hoạt động tín dụng vào lĩnh vực bất động sản luôn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chính vì vậy, thời gian qua, NHNN giám sát chặt chẽ. Ngoài các chỉ số kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, NHNN liên tục có công văn “nhắc” các nhà băng.
Đánh giá về tác động của chính sách lãi suất đến thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất hiện nay ở mức thấp nhất trong 15 năm kể cả từ ngắn hạn đến dài hạn. Ví dụ, vay mua nhà thời hạn 15-20 năm lãi suất khoảng 9-10%. “Hiện nay, bản thân các tổ chức tín dụng đã nỗ lực giảm lãi suất nhưng chưa nhiều vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên vẫn phải có lợi nhuận”, ông Lực nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, để giảm lãi suất cho vay, nhất là phân khúc nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở thiết thực của người dân, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế thời gian tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có gói tín dụng phát triển nhà ở khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3-4%. Đây được xem là cú hích tốt cho thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam: Trong lúc đợi chính sách hỗ trợ từ ngân hàng và Chính phủ, một số doanh nghiệp có động thái tích cực từ bản thân đó là họ hỗ trợ tốt người mua nhà như hỗ trợ lãi suất vay. Ví dụ trong 2 năm đầu sẽ trả lãi suất vay mua nhà cho người mua. Ngoài ra, điều kiện thanh toán cũng được chủ đầu tư đưa ra linh hoạt, ưu đãi như: trước đây khách hàng phải trả 70-80% giá trị căn nhà mới được nhận nhà, thì nay đã có ưu đãi chỉ cần trả tối đa 20% là đã được nhận nhà...
“Với những điều kiện thanh toán ưu đãi thì người mua có khả năng chi trả tốt hơn... để bù đắp lại nguồn vốn vay mua nhà gặp khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, bà Dung cho hay.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Quốc Anh cũng nhận định, hiện nay, tỷ trọng vốn cho lĩnh vực bất động sản đến từ ngân hàng và trái phiếu vẫn là chính, nhưng sẽ giảm dần trong thời gian tới do chính sách siết nguồn vốn đầu tư và cho vay tín dụng bất động sản sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, doanh nghiệp phải tự “khơi thông” dòng vốn từ chính bản thân mình bằng cách IPO và chứng khoán hoá bất động sản và tìm các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin tài chính, làm lành mạnh thông tin, thị trường. Khi sự minh bạch được công khai sẽ là kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận