Sắp có dòng vốn 'rẻ' cho nhà ở xã hội?
Hàng loạt động thái mới, điển hình như đề xuất gói vay ưu đãi 4,8%/năm dành cho người mua nhà ở xã hội của Vingroup và Techcombank, được kỳ vọng sẽ có thêm dòng vốn “rẻ” chảy vào phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Trong tài liệu phục vụ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.
Kỳ vọng dòng vốn ‘rẻ’
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn, tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá chỉ tiêu này sẽ khó hoàn thành.
Đáng chú ý, việc triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng, theo Bộ Xây dựng, còn rất chậm. Gói này mới giải ngân được 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.200 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, tức mới giải ngân hơn 30 tỷ đồng cho người mua nhà.
Ngoài ra, mới có một nửa số tỉnh thành trên cả nước công bố danh mục dự án có nhu cầu vay, tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Định... Nguyên nhân được chỉ ra là lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Trong bối cảnh dòng vốn dành cho người mua nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều điểm nghẽn, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng tăng thời hạn cho vay, hạ lãi suất vay mua nhà ở xã hội sau khi nhận được đề xuất của Vingroup và Techcombank về gói tín dụng ưu đãi 4,8%/năm, thời hạn vay 30 năm.
Cụ thể, vào đầu tháng 5, phía Vingroup và Techcombank đã cùng ký văn bản gửi tới Bộ Xây dựng đề xuất một chương trình tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn, thời hạn vay dài hơn gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang triển khai.
Trong văn bản để xuất, “bộ đôi” doanh nghiệp và ngân hàng kiến nghị mức lãi vay dành cho người mua nhà ở xã hội bằng với mức lãi vay mua nhà ở xã hội đang được Ngân hàng Chính sách xã hội theo từng thời kỳ, tương đương khoảng 4,8%/năm và cố định trong 5 năm đầu tiên.
Thời hạn cho vay khoảng 30 năm, tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà ở xã hội chính là các dự án nhà ở xã hội. Mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội.
Với chương trình thí điểm do Vingroup và Techcombank vừa đề xuất, nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội sẽ vào khoảng 8.010 tỷ đồng. Vì vậy, Techcombank đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm.
Gỡ các điểm nghẽn
Bộ Xây dựng đánh giá đề xuất thí điểm gói vay ưu đãi mới cho người vay mua nhà ở xã hội của hai “ông lớn” Vingroup và Techcombank có nhiều điểm tương đồng với gói vay 120.000 tỷ hiện nay. Tuy nhiên mức lãi vay, thời hạn vay, mức cho vay có sự khác biệt, nên cần thời gian để cân nhắc.
Trong thời gian đó, Bộ Xây dựng kiến nghị tục xem xét tăng thời hạn cho vay ưu đãi, hạ mức lãi vay gói 120.000 tỷ đồng ở mức thấp hơn lãi cho vay thông thường từ 3 - 5%, kỳ hạn 10-15 năm, để công nhân, người thu nhập thấp có cơ hội vay vốn mua nhà.
Các gói vay ưu đãi được đề xuất có thành hiện thực hay không sẽ phải đợi thời gian trả lời, tuy nhiên, hàng loạt các động thái từ cả Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp và ngân hàng đầu ngành, ở một khía cạnh nào đó, đang mang lại thêm những hy vọng cho người mua nhà ở xã hội.
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, những rào cản khiến nhà ở xã hội vẫn chưa thể "cất cánh" đó là câu chuyện liên quan đến chi phí xây dựng, suất vốn đầu tư và giá bán. Theo đó, bên cạnh tháo gỡ về dòng vốn vay, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ các vấn đề về giá bán, suất vốn đầu tư, trần lợi nhuận…
Một số doanh nghiệp cho rằng, một căn nhà ở xã hội, giá bán từ 250 – 600 triệu đồng/căn, giá thuê từ 1,2 – 2,4 triệu/tháng/căn hộ thì lợi nhuận tối đa xây dựng loại hình nhà ở này chỉ 10% là quá thấp, mà vẫn phải đủ các tiện ích xã hội, công trình hầm, công cộng, bãi đỗ xe… Điều này cần điều chỉnh.
Ngoài ra, giá nhà ở xã hội đang phải chờ phê duyệt của Sở Xây dựng các địa phương. Do đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị cần cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại) bằng với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại.
Trước diễn biến từ thực tế, các chuyên gia cho rằng phía bộ ngành cần nghiên cứu, tính toán quy định suất vốn đầu tư nhà ở xã hội, lãi suất vốn đầu tư nhà ở xã hội sao cho hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia phát triển loại hình này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận