Sắp buộc phải có tài khoản giao thông, định danh từng phương tiện?
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ đang nghiên cứu đề án về tải khoản giao thông và thu phí tự điện tử không dừng. Đề án sẽ xác định mục tiêu mỗi ô tô có một tài khoản giao thông bắt buộc, không chỉ trả phí phí đường bộ, còn thanh toán nhiều dịch vụ khác, tiến tới bỏ barie tại các trạm thu phí.
Tại hội nghị với địa phương về kinh nghiệm đầu tư cao tốc diễn ra tuần qua, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã có những chia sẻ liên quan tới thu phí đường bộ điện tử không dừng.
Ông Thọ cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu phương án thu phí với đường cao tốc đầu tư công để trình Quốc hội xem xét cho phép thực hiện. Phương án thu phí với tất cả cao tốc, gồm cao tốc đầu tư công, sẽ dứt khoát theo hình thức thu phí điện tử không dừng.
“Thực tế triển khai thu phí tự động không dừng thời gian qua đã cho thấy sự ưu việt của công nghệ. Việc khắc phục và tiến tới bỏ barie ở các trạm thu phí rất đơn giản, chỉ cần đặt camera nhận diện phương tiện khoảng cách xa hơn hiện nay. Cùng đó, tiến tới mỗi phương tiện phải có một tài khoản giao thông, được kết nối và thanh toán liên thông với tài khoản ngân hàng, xem đây là điều kiện bắt buộc với ô tô đưa vào lưu hành.
Khi có tài khoản giao thông định danh cho từng ô tô, không chỉ bỏ được barie ở các trạm thu phí, còn có thể sử dụng để thanh toán trong tất cả các lĩnh vực giao thông, như thanh toán phí vào sân bay, nhà ga, phí trông giữ xe, phạt vi phạm giao thông, kể cả thu phí trông xe ở các toà nhà chung cư. Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ nghiên cứu đề án về thu phí không dừng và tài khoản giao thông hướng tới như vậy”, ông Thọ nói.
Trong phần kiến nghị trước đó tại hội nghị trên, đại diện UBND TPHCM cho rằng, thời gian tới, khi hàng loạt cao tốc đầu tư công đưa vào sử dụng sẽ triển khai thu phí đồng bộ, trong đó có vành đai 3 TPHCM. Đại diện địa phương này kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu sớm bỏ barie tại các làn thu phí tự động, chuẩn hoá các trạm thu phí không dừng, quy trình thu phí. Để bỏ barie ở làn thu phí tự động, cần nghiên cứu có chế giám sát và xử lý với trường hợp chủ phương tiện không có tài khoản trả phí tự động, tài khoản không còn tiền đi vào làn trả phí tự động để áp dụng cho các tuyến cao tốc thu phí sắp tới.
Tại dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đang được Bộ Công an hoàn thiện, bộ này dự kiến, từ ngày 1/7 tới, lực lượng chức năng sẽ tiến hành triển khai thí điểm biển số định danh dành cho ôtô, xe máy. Theo đó, biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, khi chuyển chủ sở hữu, bán xe, chủ xe sẽ được giữ lại biển số đã cấp trong 5 năm. Quá thời hạn 5 năm, chủ biển số không xin cấp lại sẽ thu hồi biển số để cấp cho người khác.
Về đề án thí điểm thu phí với cao tốc đầu tư công, mới đây, Bộ GTVT đã có dự thảo đề án gửi lấy ý kiến các bộ ngành trước khi hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý cho phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đầu tư công. Bộ này cho rằng, tại các nghị quyết của Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư cao tốc, như cao tốc Bắc - Nam, vành đai 3 TPHCM, cao tốc liên vùng… đều giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng tham gia giao thông đường bộ, nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về mức phí. Đặc biệt, hiện đã có phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, tránh phí chồng phí, tạo gánh nặng cho chủ phương tiện, và phải lấy ý kiến người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ chế thu phí cao tốc đầu tư công theo cơ chế giá hay phí, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành, sự lựa chọn của người dân (đường trả phí và đường không trả phí).
Trong dự thảo thí điểm thu phí cao tốc đầu tư công, Bộ GTVT đề xuất thí điểm tại các tuyến cao tốc: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2 và TPHCM - Trung Lương. Thời gian thí điểm cho tới khi có quy định cụ thể về thu phí cao tốc đầu tư công, tối đa 5 năm. Sau thời gian thí điểm thu phí sẽ có đánh giá, tổng kết, đề xuất cơ chế phù hợp. Mức phí đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành, bảo trì cao tốc, một phần nộp vào ngân sách nhà nước…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận