menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hồng Hoa

Sao phải chờ CPI tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh?

5-7 năm mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh một lần khiến người làm công ăn lương luôn chịu thiệt khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhắc tới việc sửa đổi chính sách thuế với người làm công ăn lương, nhưng không đề cập việc nghiên cứu thay đổi phương pháp xây dựng giảm trừ gia cảnh - vốn đang được người dân và chuyên gia cho là bất cập.

Thay vào đó, đến năm 2026, nếu Luật Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực, mới "có thể nghiên cứu" nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp mức sống.

Cơ sở xác định mức giảm gia cảnh 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng từ năm 2020 được tính toán bằng cách lấy mức giảm trừ gia cảnh cũ nhân với tốc độ lạm phát qua các năm. Việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế qua các năm trên 20%.

Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpresss, phần lớn chuyên gia đều chất vấn, tại sao phải chờ CPI tăng tới 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh?

Thu nhập, chi tiêu của người dân và lạm phát tăng lên hằng năm nhưng mức giảm trừ gia cảnh chỉ điều chỉnh hai lần trong hơn 15 năm qua. Cách xác định mốc điều chỉnh là khi CPI biến động trên 20% được nhà làm luật nghiên cứu vào năm 2004 - thời điểm lạm phát đang ở mức hai chữ số.

Phương pháp xây dựng giảm trừ gia cảnh về mặt lý thuyết, theo luật sư Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, là chưa phù hợp.

Việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% khiến phải mất tới 5-7 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần. "Chính sách có độ trễ lớn nên người dân luôn chịu thiệt", ông nói với VnExpress.

Theo luật sư Nguyễn Văn Được, cơ quan quản lý nên xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thường xuyên hơn để phản ánh kịp thời mức thay đổi của lạm phát tới chi tiêu người dân. Ví dụ, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nên được giao cho Chính phủ quyết định khi CPI thay đổi 3-5% để chính sách linh hoạt và hợp lòng dân hơn.

Đồng quan điểm, bà Andrea Godfrey - Thành viên điều hành, Phụ trách bộ phận tư vấn và tuân thủ thuế thu nhập cá nhân KPMG Việt Nam nhận định, mức giảm trừ không phản ánh kịp thời những thay đổi của giá cả sinh hoạt của người dân.

"Thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài và không theo kịp mức tăng chi tiêu thực tế của người dân, làm tăng gánh nặng thuế và giảm thu nhập thực tế của người dân trong bối cảnh giá cả biến động", bà Andrea đánh giá. Bà Andrea đề nghị lấy mốc biến động CPI 5-10% thay vì 20% như hiện nay để làm căn cứ điều chỉnh, giúp phản ánh sát sao và kịp thời mức chi tiêu của người dân.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, giảng viên Đại học Kinh Tế TP HCM, với cách tính theo tốc độ tăng CPI, ngưỡng giảm trừ gia cảnh không phản ánh được sự cải thiện trong mức sống của người dân theo các năm. "Trong khi nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, đời sống xã hội ngày càng được cải thiện, chẳng lẽ mức sống của người dân vẫn giậm chân tại chỗ trong suốt bao nhiêu năm", ông Bảo đặt câu hỏi.

Theo cơ quan quản lý, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng mỗi tháng) bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng mỗi tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Sơn - Nguyên Trưởng phòng Thuế Thu nhập cá nhân (Cục thuế TP HCM) không đồng tình với lập luận chưa nên tăng giảm trừ gia cảnh vì vẫn đang cao hơn thu nhập bình quân đầu người.

Ông Sơn giải thích, con số 11 triệu đồng mỗi người đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng chỉ phù hợp trong quá khứ. Hiện nay, mức sống người dân ngày càng cao, lạm phát khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên mỗi năm. Chưa kể chênh lệch thu nhập và chi phí sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn, khu vực đồng bằng phát triển và vùng núi khó khăn rất lớn nên không thể tính theo cách cào bằng.

Bên cạnh đó, khoản giảm trừ gia cảnh này theo giải thích của cơ quan thuế được xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người" – là 11 triệu đồng với người nộp thuế và 4,4 triệu với một người phụ thuộc. Con số 4,4 triệu này được xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Tuy nhiên, theo khảo sát trong một tuần VnExpress từng thực hiện với hơn 23.900 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng họ tốn ít nhất 7 triệu để nuôi một người phụ thuộc - chiếm 70% mức chi cho bản thân, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.

Bên cạnh đó, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng - áp dụng chung cho các vùng, theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, gây thiệt thòi cho người có cùng mức thu nhập ở thành phố lớn - với chi phí thuê nhà và sinh hoạt đắt đỏ hơn nhiều so với nông thôn.

Một người làm công thu nhập trên 11 triệu (chưa kể người phụ thuộc) với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố đã bị tính thuế. Như vậy có công bằng với họ hay không, ông Xoa đặt câu hỏi?

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Được, việc phần đông người dân phản ứng với mức giảm trừ gia cảnh là điều dễ hiểu về góc độ tâm lý. Tuy nhiên, theo ông, người dân cần hiểu nguyên tắc "có thu nhập thì phải đóng thuế, chứ không phải chỉ người thu nhập cao mới đóng thuế". Mức đóng thuế tuỳ thuộc vào thu nhập, nhưng, mỗi người phải có đóng góp thì mới có nguồn lực để tái đầu tư vào xã hội. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh chỉ tính tới những nhu cầu chi tiêu tối thiểu và căn bản nhất, chứ không khấu trừ tất cả chi phí của người nộp thuế.

Cũng theo cơ quan quản lý, do nhu cầu sống của cá nhân người nộp thuế rất khác nhau nên việc đưa ra mức giảm trừ thường ít có sự đồng thuận do xung đột về lợi ích cũng như quan điểm. Mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của nó (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập), gây ra nhiều khó khăn cho các lần cải cách tiếp theo và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại "chính sách thuế đối với người có thu nhập cao" như giai đoạn trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại