Sang tên sổ đỏ theo di chúc được thực hiện thế nào?
Một trong những di sản thừa kế có giá trị lớn là nhà, đất. Khi nhận thừa kế thì phải làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Quyền sử dụng đất là một trong những quyền để lại di sản thừa kế. Người hưởng thừa kế có thể được thừa kế hợp pháp quyền sử dụng đất này thông qua di chúc. Thời điểm di chúc có hiệu lực, người nhận thừa kế có quyền yêu cầu mở thừa kế và phải làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Di chúc cần đáp ứng điều kiện quy định tại điều 630 bộ luật Dân sự và đáp ứng về điều kiện công chứng đối với di chúc để lại quyền sử dụng đất.
Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi có đất theo quy định của luật Công chứng. Và theo quy định tại khoản 2 điều 57 và điều 63 luật Công chứng thì cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
1. Phiếu yêu cầu công chứng.
2. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
3. Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế (bản sao).
4. CMND/căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu của những người thừa kế (bản sao).
5. Giấy chứng tử của nguời để lại di sản thừa kế (bản sao).
6. Di chúc (bản sao): Di chúc hợp pháp; biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất..
Trường hợp người thừa kế là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế. Trường hợp có nhiều người cùng hưởng di sản thừa kế nhưng từ chối hưởng thì phải có văn bản từ chối hưởng quyền thừa kế.
Nộp bộ hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ.
Sau hoàn thành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì có thể tiến hành thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho người nhận thừa kế theo khoản 2 điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
Người được hưởng thừa kế phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, gồm:
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu số 09/ĐK.
+ Văn bản khai nhận di sản thừa kế (di chúc)
+ Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Lưu ý, trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
Thứ nhất, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Thứ hai, xác nhận nội dung biến động vào giấy chứng nhận đã cấp.
Thứ ba, trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Thứ tư, chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Thứ năm, trao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thời gian 10 ngày không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Lưu ý, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế thì người sử dụng đất phải đăng ký biến động (khoản 6 điều 95 luật Đất đai). Nếu không sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận