Sáng nay Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội
Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên đầu tiên của hai ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch 2023.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 14 trên tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% và cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, gấp 1,4 lần số rút khỏi thị trường.
Trong 9 tháng, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, xã hội đạt hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình. Nhờ đó, khó khăn trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia được tháo gỡ. 565 km đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thành, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km.
Theo Thủ tướng, trong tháng 12 sẽ phấn đấu khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho hay, việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai hiệu quả. Đến nay, các bộ, ngành giảm 7 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 60 vụ và tương đương (thuộc bộ và thuộc tổng cục); giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến giảm 17 tổng cục và tương đương, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục, bộ; 22 đơn vị sự nghiệp và giảm căn bản phòng trong vụ.
An sinh xã hội được triển khai hiệu quả, hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Lương thấp, cán bộ công chức nghỉ việc hàng loạt
Dù đạt nhiều kết quả, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục (gần 40.000 người thôi việc, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021).
Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận kinh tế, xã hội tại tổ ngày 22/10 cho thấy nhiều người lo ngại trước thực trạng nói trên. Theo một số đại biểu, cán bộ, công viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay là điều bất thường. Nguyên nhân là lương, chế độ chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối với lực lượng y tế, giáo dục còn thấp, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống khiến họ không yên tâm công tác. Sự tự chủ của các bệnh viện, cơ sở y tế công, cơ sở y tế tuyến dưới gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số đại biểu đề nghị có chính sách, cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho ngành y, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và thu hút nhân tài làm việc cho khu vực công.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với sự hấp dẫn vốn có của khu vực công; đánh giá độ tuổi, trình độ chuyên môn của bộ phận thôi việc, để có biện pháp giải quyết.
Trong năm 2023, Chính phủ phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay như Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với các sân bay Biên Hòa, Gia Lâm và một số sân bay khác. Đồng thời, các cơ quan tập trung triển khai đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; phát triển nhà ở cho công nhân và xóa nhà tạm tại các huyện nghèo...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận